(VnMedia) - Trung Quốc hôm qua (19/6) cho biết, nước này đang di chuyển một giàn khoan thứ hai đến gần bờ biển của Việt Nam hơn. Đây dường như là động thái thể hiện quyết tâm của Bắc Kinh trong việc lấn tới tranh giành chủ quyền ở Biển Đông và tiến nhanh hơn tới mục tiêu thực hiện tham vọng độc chiếm khu vực biển chiến lược và giàu tài nguyên này.
Giàn khoan Nam Hải số 9 |
Động thái đưa giàn khoan thứ 2 vào Biển Đông diễn ra khi mà Trung Quốc đang khiến khu vực này “nổi sóng dữ” vì hành động ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển của Việt Nam, nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Giàn khoan Nam Hải số 9 (Nan Hai Jiu Hao) dài 600m đang được kéo về phía đông nam so với vị trí hiện tại của nó ở phía nam đảo Hải Nam và nó sẽ ở vị trí mới gần với Việt Nam hơn trong ngày hôm nay (20/6), Cục An toàn Hàng hải của Trung Quốc đã nói như vậy trên website của cơ quan này. Cục An toàn Hàng hải yêu cầu các tàu thuyền trong khu vực tạo một vũng tàu đậu rộng để cho họ hạ đặt giàn khoan Nam Hải số 9.
Giàn khoan Nam Hải số 9 là giàn khoan nửa chìm nửa nổi thuộc Tổng công ty dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc (CNOOC). Nam Hải số 9 được chế tạo năm 1988 và nặng 21.714 tấn.
Phản ứng trước thông tin trên, Tư lệnh Cảnh sát Biển Việt Nam Nguyễn Quang Đạm hôm qua cho Vnexpress biết, theo thông báo của Cục Hải sự Trung Quốc, giàn khoan Nam Hải 9 sẽ được kéo đến tọa độ 17 độ 14,1 vĩ Bắc, 109 độ 31 kinh Đông trên Biển Đông. Nếu đúng theo tọa độ này thì giàn khoan Nam Hải 9 nằm sâu trong thềm lục địa của Trung Quốc 50-60 hải lý.
Theo Tướng Nguyễn Quang Đạm, tọa độ giàn khoan Nam Hải 9 thuộc đảo Nam Du Lâm, cách đảo Cồn Cỏ của Việt Nam 130 hải lý, cách đảo Lý Sơn 140 hải lý. Tại khu vực này, cách đây khoảng 5 năm Trung Quốc đã đặt vài giàn khoan và hiện vẫn họat động.
Tuy nhiên, Tướng Nguyễn Quang Đạm khẳng định: "Lực lượng Cảnh sát Biển đang theo dõi hoạt động của giàn khoan Nam Hải 9 và chuẩn bị các phương án đối phó với mọi tình huống".
Việc Trung Quốc đưa thêm giàn khoan thứ hai vào Biển Đông khiến cộng đồng quốc tế lo ngại dõi theo bởi nó diễn ra trong bối cảnh nước này đang “khuấy đảo” Biển Đông suốt hơn một tháng qua bằng những hành động ngang ngược, bất chấp pháp luật khi hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển của Việt Nam.
Hôm 2/5, Trung Quốc đã đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào khoan thăm dò và định vị tại tọa độ 15-29.58 độ vĩ Bắc, 111-12.06 độ kinh Đông. Tiếp đó, ngày 27/5, giàn khoan được dịch chuyển đến vị trí 15-33.38 độ vĩ Bắc, 111-34.62 độ kinh Đông. Các vị trí này đều nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam và cách bờ biển Việt Nam từ 130 đến 150 hải lý. Hành động của Trung Quốc vi phạm thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước về không mở rộng, làm phức tạp tình hình Biển Đông, xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.
Không dừng lại ở hành động hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam, Trung Quốc còn duy trì trung bình khoảng 120 tàu/ngày, trong đó có nhiều tàu quân sự, máy bay tuần thám, trực thăng, nhằm uy hiếp, quấy nhiễu lực lượng tàu Việt Nam. Các tàu Trung Quốc đã chủ động tấn công, uy hiếp các tàu Việt Nam dưới các hình thức vây ép, húc đẩy, đâm va, phun nước bằng vòi rồng, thậm chí còn có hành động áp mạn và ném các vật cứng sang tàu Việt Nam, dùng hệ thống âm thanh âm tần, đèn pha công suất lớn nhằm làm ảnh hưởng tới tâm lý, sức khỏe của lực lượng thực thi pháp luật Việt Nam. Bên cạnh đó, các tàu Trung Quốc còn sử dụng các phương thức tạo cớ để tàu Việt Nam đâm va như chặn đuôi, vượt lên trước các tàu của Việt Nam cắt mặt để tàu Việt Nam đâm vào hoặc cố tình lùi lại với mục đích đâm vào tàu Việt Nam, từ đó tạo ra các tư liệu giả để vu cáo Việt Nam đâm tàu Trung Quốc… Hàng chục kiểm ngư viên, ngư dân Việt Nam bị thương và hàng chục tàu Việt Nam bị hư hỏng vì các hành động ngang ngược của Trung Quốc.
Kiệt Linh
Ý kiến bạn đọc