Đưa giàn khoan đến vị trí mới, Trung Quốc hung hăng hơn

20:44, 05/06/2014
|

(VnMedia) - Đã hơn 1 tháng kể từ khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 ở vị trí nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Cùng với đó, Trung Quốc đưa hàng chục tàu thuyền, có thời điểm lên tới 140 tàu, trong đó có nhiều tàu chiến, tàu quân sự, tàu hộ vệ tên lửa, tàu đổ bộ và cả máy bay chiến đấu vào vùng biển của Việt Nam để bảo vệ cho việc hạ đặt trái phép giàn khoan. Nghiêm trọng hơn, các tàu của Trung Quốc liên tiếp có hành vi hung hăng, gây ảnh hưởng đến lực lượng chấp pháp của Việt Nam .

 

Ảnh minh họa

Hình ảnh tại cuộc họp báo quốc tế về Biển Đông diễn ra chiều nay (Ảnh: Vietnam+)


Hành vi này của Trung Quốc đe dọa nghiêm trọng an ninh, an toàn hàng hải trên Biển Đông, đi ngược lại Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) cũng như đi ngược lại cam kết được ký giữa lãnh đạo hai nước về xử lý tình hình Biển Đông.

 

Hành vi của Trung Quốc đã bất chấp dư luận, bỏ qua sự quan tâm và kiến nghị chính đáng của quốc tế, tác động tiêu cực đến nỗ lực phục hồi và tăng trưởng kinh tế của khu vực Châu Á- Thái Bình Dương.

 

Trong khi đó, Việt Nam đã kiên trì sử dụng các biện pháp hòa bình, thể hiện quyết tâm bảo vệ chủ quyền đất nước, luôn kiên quyết yêu cầu Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển Việt Nam, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt những hành động hung hăng, gây hấn trong khu vực.

 

Theo ông Trần Duy Hải, Phó Ủy Ban biên giới Quốc gia, tính đến thời điểm này, Việt Nam đã có 30 cuộc trao đổi dưới nhiều hình thức khác nhau với Trung Quốc. Việt Nam đã trao công hàm yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan để 2 nước ngồi lại với nhau trao đổi nhưng Trung Quốc nhất định không đáp ứng.

 

Tuy nhiên, đáp lại thiện chí của Việt Nam, Trung Quốc ngày một có những hành vi hung hăng hơn, lấn tới hơn đồng thời đưa ra những luận điệu sai trái, đổ lỗi cho Việt Nam và liên tục rêu rao về cái gọi là "chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Tây Sa" mà thực chất là quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Đặc biệt, Trung Quốc có những hành vi leo thang hết sức nguy hiểm ở biển Đông khi cho thay đổi vị trí giàn khoan, cố tình đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam, chủ động tấn công, cố tình đâm va vào các tàu chấp pháp của Việt Nam, làm hư hỏng hàng chục tàu chấp pháp của Việt Nam và khiến nhiều kiểm ngư bị thương.

 

Hành động của Trung Quốc khiến tình hình biển Đông ngày một nóng bỏng hơn, đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình khu vực.

 

Cộng đồng quốc tế đánh giá cao sự kiềm chế của Việt Nam , lên án mạnh mẽ hành vi gây hấn của Trung Quốc.

Bộ Ngoại giao Việt Nam liên tiếp gửi công hàm yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan, tàu thuyền hộ tống để hai bên đàm phán tính pháp lý của giàn khoan nhưng Trung Quốc lảng tránh, không trả lời công hàm.

 

Việt Nam mong muốn cộng đồng trong nước và quốc tế tiếp tục lên tiếng phản đối mạnh mẽ các hành động sai trái của Trung Quốc.

 

Đưa giàn khoan đến vị trí mới, Trung Quốc hung hăng hơn

 

Kể từ sau khi Trung Quốc tiến hành di chuyển dàn khoan đến vị trí mới nằm ở Đông Nam đảo Tri Tôn, vẫn nằm trong vùng thềm lục địa Việt Nam hôm 27/5, Trung Quốc dường như hành động ngày một hung hăng và điên cuồng hơn.

 

Trung Quốc tiếp tục sử dụng một lực lượng tàu bảo vệ đông đảo, thường xuyên từ 40 chiếc trở lên vào có ngày cao điểm lên tới 140 chiếc. Lực lượng tàu hùng hậu tham gia bảo vệ giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc đang được hạ đặt trái phép trong vùng biển của Việt Nam bao gồm tàu hải cảnh, hải giám, hải tuần, các tàu dịch vụ, phục vụ cho hạ đặt giàn khoan, tàu vận tải, đặc biệt sử dụng tàu cá vỏ sắt cao nhất 400 tấn/chiếc, số lượng tàu cá thường xuyên tăng, có ngày cao điểm 60 chiếc.

 

Điều đặc biệt nghiêm trọng là Trung Quốc đã đưa nhiều tàu chiến đến khu vực hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981. Cụ thể, Trung Quốc đưa 6 loại tàu chiến hiện đại như tàu hộ vệ tên lửa, khu trục tên lửa, tuần tiễu tấn công nhanh, tuần tiễu săn ngầm, tàu quét mìn, tàu đổ bộ.

 

Ngoài ra, Trung Quốc còn huy động máy bay các loại gồm máy bay trinh sát, máy bay cảnh báo từ xa, máy bay trực thăng và cả máy bay chiến đấu, hoạt động thường xuyên ở khu vực mà nước này hạ đặt giàn khoan trong vùng biển của Việt Nam. Cao điểm nhất là vào ngày 27/5, Trung Quốc sử dụng 9 lần chiếc tàu chiến đấu để hộ tống giàn khoan từ vị trí ban đầu đến vị trí mới.

 

Theo ông Ngô Ngọc Thu - Phó Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, Trung Quốc đã bố trí 3 lớp vòng bảo vệ cho giàn khoan của họ với vòng 1 ở khoảng cách từ 1 đến 3 hải lý; vòng 2 trong khoảng 5-7 hải lý gồm tàu chấp pháp, hải cảnh, hải giám; và vòng 3 gồm tàu chiến, tàu cá công suất lớn.

 

Trung Quốc chia các tàu bảo vệ thành các nhóm, thường xuyên bám sát các tàu của lực lượng cảnh sát biển và kiểm ngư Việt Nam . Khi tàu Việt Nam tiếp cận giàn khoan, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan thì các tàu Trung Quốc sẽ tiếp hành bao vây, áp sát hai mạn trước sau, chủ động sử dụng các tàu có khả năng cơ động cao đâm thẳng vào tàu Việt Nam.

 

Trung Quốc còn sử dụng các vòi rồng, súng bắn nước có công suất lớn phun trực tiếp vào tàu Việt Nam với áp suất nước cao, tác động làm vỡ cửa kính, gây thương tích cho kiểm ngư viên Việt Nam.

 

Ngoài việc tổ chức đâm va, phun nước, Trung Quốc còn sử dụng máy phát âm tần, đèn pha công suất lớn chĩa thẳng vào tàu Việt Nam nhằm gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý của các lực lượng chấp pháp Việt Nam.


Kiệt Linh

Ý kiến bạn đọc