Chiến đấu cơ Anh chặn đầu khiêu khích máy bay Nga?

09:13, 19/06/2014
|

(VnMedia) - Không quân Hoàng gia Anh đã ra lệnh cho các chiến đấu cơ thiện chiến lớp Typhoon cất cánh khẩn cấp để chặn một loạt máy bay chiến đấu của Nga đang tiến hành nhiệm vụ huấn luyện định kỳ. Hành động của phi cơ chiến đấu Anh là một phần  trong nhiệm vụ kiểm soát không phận Baltic mà NATO đang thực thi.
 

Ảnh minh họa


Vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine, NATO đã cắt đứt quan hệ quân sự với Nga đồng thời ra sức tăng cường sự hiện diện ở khu vực "sân sau" của Nga để gây sức ép với Nga.


Cụ thể, theo Không quân Hoàng gia Anh cho biết, hôm 17/6, các máy bay Anh đã phát hiện một số máy bay Nga, trong đó có 4 chiến đấu cơ Sukhoi Su27, một máy bay ném bom Tupolev, một máy bay cảnh báo sớm Beriev A50 và một máy bay vận tải Antonov An26, ở không phận trên biển Baltic.
 
Các máy bay Nga đang thực hiện chuyến bay huấn luyện định kỳ.
 
Ngay lập tức, một loạt chiến đấu cơ của Anh đã cất cánh khẩn cấp  để chặn máy bay Nga. “Chúng tôi thường chặn các máy bay dân sự và máy bay Nga. Đây là nhiệm vụ của Đội Báo động Phản ứng Nhanh của Anh. Kiểu nhiệm vụ như thế này là công việc then chốt của chúng tôi và đó chính xác là mục đích mà chúng tôi được NATO cử đến khu vực Baltic”, website của Không quân Hoàng gia Anh dẫn lời Trung tá Không quân Anh Ian Townsend cho biết. Ông này cho biết, việc triển khai chiến đấu cơ nói trên cũng là một hoạt động định kỳ.
 
Theo Trung úy phi công Mark Long của Không quân Hoàng gia Anh trực tiếp lái một trong những chiếc máy bay Typhoon được cử đi chặn máy bay Nga, không có gì bất thường trong cuộc đối đầu giữa chiến đấu cơ hai nước Nga, Anh.
 
Các hoạt động quân sự ở khu vực Baltic đang gia tăng sau khi 10 quốc gia thành viên NATO phát động một loạt cuộc tập trận rầm rộ gồm Sabre Strike, Baltic Host 2014 và Baltops 2014. Có tới 4.700 binh lính và 800 phương tiện quân sự đang tham gia vào các cuộc tập trận trong khu vực nói trên. Kể từ khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine bùng lên, NATO đang ra sức tăng cường sự hiện diện quân sự ở gần Nga nhằm gây sức ép với Nga.
 
Mới đây, giới chức Nga đã đưa ra lời cảnh báo sắc lạnh rằng, họ sẽ coi bất kỳ động thái tăng cường sự hiện diện quân sự, mở rộng thêm nữa của NATO đến gần biên giới nước này đều là “hành động thể hiện những ý định thù địch” và Nga sẽ đáp trả mạnh mẽ bằng cả biện pháp quân sự và chính trị nhằm đảm bảo an ninh đất nước.
 
"Chúng tôi không thể coi việc liên minh quân sự NATO củng cố sức mạnh quân sự ở gần biên giới với Nga là bất kỳ một điều gì khác ngoài sự thể hiện những ý định thù địch đối với chúng tôi. Tất nhiên, chúng tôi sẽ không ngồi yên và dứng nhìn các nước quân sự hoá ở trong khu vực của mình. Chúng tôi sẽ buộc phải đáp trả bằng cả biện pháp quân sự và chính trị để đảm bảo an ninh của chúng tôi một cách vững chắc”, Thứ trưởng Ngoại giao Nga – ông Vladimir Titov tuyên bố hôm 9/6.
 
Mối quan hệ giữa Nga và phương Tây đang ngày càng trở nên căng thẳng sau khi xảy ra cuộc đảo chính có vũ trang lật đổ Tổng thống Viktor Yanukovich. Cuộc đảo chính này diễn ra sau nhiều tháng trời diễn ra làn sóng biểu tình rầm rộ ở thủ đô Kiev. Moscow tin rằng, những diễn biến trên chính trường Ukraine trong thời gian vừa qua là có bàn tay sắp đặt của Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU). Nga nhất quyết không thừa nhận tính hợp pháp của chính phủ lâm thời ở Kiev.
 
Về phần Mỹ và phương Tây, các cường quốc này ra sức hậu thuẫn cho chính phủ lâm thời mới ở Kiev đồng thời liên tục đổ lỗi cho Nga gây ra tình hình bất ổn ở Ukraine, đặc biệt là ở miền đông nước này. Khu vực miền đông Ukraine đang dậy sóng bởi những cuộc biểu tình bởi người dân nơi đây, chủ yếu là người gốc Nga, không thừa nhận chính quyền lâm thời mới ở Kiev. Họ cảm thấy bất an khi sống dưới một chính quyền có thái độ, lập trường bài Nga và phân biệt đối xử với người gốc Nga.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc