Biển Đông: Trung Quốc sợ bị vô hiệu hóa ưu thế quân sự

19:58, 11/06/2014
|

(VnMedia) - Trung Quốc trên thực tế hôm thứ Hai (9/6) đã quốc tế hóa vấn đề Biển Đông, cụ thể ở đây là vụ nước này hạ đặt trái phép giàn khoan trong vùng biển của Việt Nam, bằng việc trình lên Tổng thư ký Liên Hợp Quốc những cáo buộc nhằm vào Việt Nam. Trên thực tế, những cáo buộc đó là những lời vu cáo, xuyên tạc trắng trợn sự thật đang diễn ra ở Biển Đông.
 

Ảnh minh họa


Ảnh minh họa


Như một vài tờ báo đưa tin, hôm 8/6, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã đưa lên website của cơ quan này một tuyên bố, trong đó vu cáo và xuyên tạc trắng trợn những diễn biến đang xảy ra trên thực địa - nơi Trung Quốc đang hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển của Việt Nam. Đồng thời, Trung Quốc cũng ngang nhiên khẳng định khu vực mà nước này hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 là “thuộc chủ quyền của Trung Quốc” với luận điệu sai trái cho rằng khu vực đó cách quần đảo Hoàng Sa 17 hải lý. Trung Quốc vẫn đòi quần đảo Hoàng Sa là của họ nhưng thực chất, năm 1974, Trung Quốc đã sử dụng vũ lực để chiếm đóng toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Theo luật pháp quốc tế, việc chiếm đóng bằng vũ lực lãnh thổ của một quốc gia có chủ quyền là hành vi phi pháp và không thể đem lại chủ quyền cho Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa. Hiến chương Liên Hợp Quốc, luật pháp quốc tế quy định cấm sử dụng vũ lực xâm phạm lãnh thổ của một quốc gia khác. Bị vong lục ngày 12/5/1988 của Trung Quốc - một văn bản chính thức của Bộ Ngoại giao Trung Quốc - cũng khẳng định rõ một nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế là “xâm lược không thể sinh ra chủ quyền” đối với một vùng lãnh thổ.
 
Tối ngày 9/6, tuyên bố sai trái trên của Trung Quốc đã được đăng tải trên website của phái đoàn thường trực của Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc. Theo hãng tin AP, Phó Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc – ông Wang Min ngày hôm đó đã gửi bản tuyên bố nhằm vào Việt Nam lên Tổng thư ký Liên Hợp Quốc và đề nghị lưu hành văn bản này trong tất cả các nước thành viên của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
 
Quyết định của Trung Quốc trong việc đưa vụ giàn khoan lên Liên Hợp Quốc khiến người ta cảm thấy bối rối, khó hiểu. Trung Quốc liên tục và rất kiên quyết trong việc chỉ trích các nước khác đang có tranh chấp ở Biển Đông cũng như các bên thứ ba như Mỹ, về cái mà Bắc Kinh miêu tả là những nỗ lực nhằm “quốc tế hóa” vấn đề. Những hành động bị Trung Quốc chỉ trích bao gồm việc đơn thuần chỉ là đưa ra vấn đề Biển Đông tại các diễn đàn khu vực như cuộc Đối thoại Shangri-La hay các hội nghị thượng đỉnh của Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Ngoài ra, Bắc Kinh cũng quyết liệt từ chối không tham gia vào vụ kiện mà Philippines đưa ra tòa án quốc tế nhằm giải quyết cuộc tranh chấp ở Biển Đông giữa nước này với Trung Quốc.
 
Thay vào đó, Trung Quốc luôn miệng đòi các nước có tranh chấp ở Biển Đông phải giải quyết vấn đề thông qua đối thoại, đàm phán trực tiếp, song phương – nơi Bắc Kinh với tư cách là một nước lớn có thể dễ bề gây sức ép với các nước nhỏ hơn.
 
Lý do Trung Quốc quyết định quốc tế hóa vấn đề hạ đặt giàn khoan trong vùng biển Việt Nam, gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, có thể là do nước này cho rằng không có cuộc tranh chấp lãnh thổ nào tồn tại ở đây. Trung Quốc đang kiểm soát quần đảo Hoàng Sa sau khi chiếm quần đảo này của Việt Nam bằng vũ lực, vì vậy, Bắc Kinh từ chối thừa nhận có tranh chấp lãnh thổ ở khu vực này. Thay vào đó, Trung Quốc cho rằng, việc Việt Nam ngăn cản không cho Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan 981 trong vùng biển Việt Nam là một hành động “gây hấn” nên đã đưa vấn đề ra Liên Hợp Quốc và coi đây là nơi thích hợp để giải quyết vấn đề.
 
Trên thực tế, quyết định của Trung Quốc trong việc đưa vụ giàn khoan ra Liên Hợp Quốc phản ánh mối quan ngại ngày càng gia tăng của Bắc Kinh về việc các nước láng giềng xung quanh họ sử dụng luật pháp quốc tế để vô hiệu hóa ưu thế về quân sự của họ. Ngoài vụ Philippines kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế, Việt Nam cũng bắt đầu tính đến khả năng đưa vấn đề chủ quyền Hoàng Sa ra tòa án quốc tế kể từ sau khi Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào khu vực nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Nếu làm như vậy, Việt Nam sẽ nhận được sự  ủng hộ toàn diện từ Nhật Bản, Australia, Mỹ và nhiều nước khác.
 
Bằng cách chủ động đưa vụ giàn khoan ra một cơ quan quốc tế và đưa ra những lập luận về chủ quyền ở khu vực, Trung Quốc có thể đang tìm cách ngăn không cho Việt Nam đưa vấn đề ra giải quyết tại tòa án quốc tế.
 
Hồi tháng 1 năm ngoái, Manila đã quyết định đưa vụ tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông ra tòa án quốc tế với lý do họ đã “dùng mọi biện pháp hòa bình” có thể để giải quyết tranh chấp với Bắc Kinh nhưng không có tác dụng. Philippines muốn tòa án quốc tế ra phán quyết bác bỏ yêu sách đường 9 đoạn hay còn gọi là đường lưỡi bò hết sức phi lý mà Trung Quốc đưa ra nhằm đòi chủ quyền đối với hầu như toàn bộ Biển Đông.
 
Philippines đang kêu gọi Malaysia, Việt Nam và các bên có tranh chấp khác ở Biển Đông tham gia vụ kiện nhằm thách thức tính pháp lý của những đòi hỏi chủ quyền thái quá của Trung Quốc ở Biển Đông.
 
Yêu sách đường 9 đoạn của Bắc Kinh về cơ bản là đi ngược lại với luật pháp quốc tế. Vì thế, yêu sách này vấp phải sự chỉ trích và phản đối dữ dội của cộng đồng quốc tế cũng như giới chuyên gia, học giả có uy tín  trên thế giới.


Vân Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc