“Biển Đông có thể biến Trung Quốc thành kẻ thù của Mỹ”

15:14, 02/06/2014
|

(VnMedia) - Thiếu tướng Trung Quốc Zhu Chenghu tuần vừa rồi đã nói với tờ Thời báo Phố Wall rằng, ông tin Mỹ đang “mắc những sai lầm rất rất nghiêm trọng" liên quan đến các cuộc tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và việc chính quyền Tổng thống Barack Obama tiếp tục theo đuổi con đường đó sẽ buộc Trung Quốc phải trở thành “một kẻ thù tương xứng” của Mỹ.
 

Ảnh minh họa

Ảnh minh hoạ


Những phát biểu trên của ông Zhu là để đáp trả một loạt chỉ trích mà Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đưa ra tại cuộc Đối thoại Shangri-La - một diễn đàn an ninh quốc tế, vừa diễn ra hồi cuối tuần. Bộ trưởng Hagel khi đó nhấn mạnh, Mỹ “sẽ không nhìn sang hướng khác khi các nguyên tắc cơ bản của trật tự quốc tế bị thách thức”.
 
"Người Mỹ ngay lúc này đây đang mắc những sai lầm chiến lược hết sức nghiêm trọng", Thiếu tướng Zhu đã bình luận như vậy trên tờ Thời báo Phố Wall đồng thời nói thêm rằng những ngôn ngữ hiếu chiến được sử dụng nhằm công kích Trung Quốc có thể buộc chính phủ nước này phải bắt đầu đối xử với Mỹ như là một kẻ thù không đội trời chung chứ không chỉ sử dụng những ngôn ngữ thận trọng và theo đuổi mối quan hệ với Mỹ.
 
"Nếu bạn coi Trung Quốc là một kẻ thù, Trung Quốc chắc chắn sẽ trở thành kẻ thù của Mỹ”, Thiếu tướng Zhu cảnh báo. "Nếu Mỹ xem Trung Quốc là một kẻ thù, chúng tôi - Trung Quốc phải có những bước đi để biến mình thành một kẻ thù tương xứng với Mỹ. Nhưng nếu Mỹ coi Trung Quốc là bạn, Trung Quốc sẽ là một người bạn rất trung thành; và nếu Mỹ coi Trung Quốc là một đối tác, Trung Quốc sẽ là một đối tác rất hợp tác”, vị quan chức quân sự cấp cao của Trung Quốc đã nói như vậy..
 
Tướng Zhu cũng cáo buộc Mỹ không “có hành động đi đôi với lời nói” và rằng chính phủ Trung Quốc “không ngốc” đến mức tin rằng Washington muốn làm việc với Trung Quốc hoặc chính phủ Mỹ thực sự “đứng trung lập” trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc với các đồng minh của Mỹ.
 
Các cuộc tranh chấp giữa Trung Quốc với Việt Nam và Philippines ở Biển Đông đang leo thang trong những tháng gần đây cũng như cuộc tranh chấp giữa Trung Quốc với Nhật Bản ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông. Một trong những diễn biến đặc biệt leo thang nghiêm trọng trong các tranh chấp ở Châu Á thời gian qua chính là việc Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển của Việt Nam, nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Điều đáng lo ngại là Trung Quốc còn đưa hàng chục tàu thuyền, có lúc lên tới 134 chiếc, trong đó có rất nhiều tàu quân sự và tàu chiến, vào vùng biển Việt Nam để bảo vệ cho việc hạ đặt trái phép giàn khoan 981. Lực lượng tàu Trung Quốc tỏ ra rất hung hăng, ngang ngược khi thường xuyên chủ động đâm va, bắn súng vòi rồng và dồn ép các tàu Việt Nam. Gần đây, tàu Trung Quốc đã đâm chìm một tàu cá của ngư dân Việt Nam đang hoạt động hợp pháp trong vùng biển thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam. Bất chấp sự phản đối quyết liệt của Việt Nam nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung, chính phủ Trung Quốc vẫn tuyên bố, nước này “không thể lùi dù chỉ 1cm" trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông và rằng nước này vẫn tiếp tục hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển của Việt Nam.
 
Trong khi đó, Philippines đang có tranh chấp với Trung Quốc ở một loạt bãi cạn, bãi đá trên Biển Đông. Căng thẳng leo thang khi chính phủ Philippines bắt giữ 11 ngư dân Trung Quốc vì tội đánh bắt loài rùa biển quý hiếm đang được bảo vệ theo luật của Philippines ở trong vùng biển đang nằm trong tranh chấp giữa hai nước.
 
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Philippines Benigno Aquino III hồi tháng 5 đã nhất trí ủng hộ nhau trong việc chống lại các hoạt động bất hợp pháp của Trung Quốc ở trong những vùng lãnh thổ, lãnh hải của họ. Hai nước Việt Nam và Philippines đã kêu gọi cộng đồng quốc tế lên án hành động hung hăng của Trung Quốc trong tranh chấp biển đảo. Chính phủ Nhật Bản cũng đã góp tiếng nói trong việc này, chỉ trích gay gắt những hành động của Trung Quốc gần đây ở Biển Đông đồng thời bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ các nước Đông Nam Á trong việc “bảo vệ vùng biển và vùng trời của họ”.
 
Liên quan đến cuộc tranh chấp ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông, Tổng thống Mỹ Obama trong chuyến thăm vừa rồi đến Nhật Bản đã khẳng định rằng, Mỹ có nghĩa vụ bảo vệ chủ quyền của Nhật Bản trước các cuộc tấn công từ bên ngoài theo hiệp  ước phòng thủ chung mà hai nước ký kết với nhau. Ông chủ Nhà Trắng đã nói rõ rằng, bất kỳ sự áp đặt nào trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư từ phía Trung Quốc đều được coi là hành động vi phạm chủ quyền và là một điều mà Mỹ chắc chắn sẽ phản ứng bằng hành động quân sự. Phát biểu này của ông Obama đã khiến Bắc Kinh nổi giận đùng đùng, tuôn ra không ít lời chỉ trích, cảnh báo.
 
Rõ ràng, kể từ khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển của Việt Nam, gây ra trận “sóng to gió lớn” nghiêm trọng ở Biển Đông, nước này liên tục vấp phải sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế.
 
Gần đây nhất, tại diễn đàn an ninh Đối thoại Shangri-La hồi cuối tuần vừa rồi, phái đoàn Trung Quốc đã bị rất nhiều nước “chĩa mũi dùi tấn công” vào những hành động ngày một hung hăng, quyết liệt của họ trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải trong khu vực. Các nước như Mỹ, Nhật Bản, Australia đều đồng loạt lên tiếng phản đối việc Trung Quốc đang tìm cách thay đổi thế nguyên trạng ở các khu vực tranh chấp trên Biển Đông, biển Hoa Đông cũng như có những hành động gây bất ổn trong khu vực, vi phạm luật pháp và các tiêu chuẩn quốc tế.


Kiệt Linh - (theo Breitbart)

Ý kiến bạn đọc