(VnMedia) - Tờ Bưu điện Buổi sáng Hoa Nam (South China Morning Post) – một tờ báo hàng đầu của Hồng Kông, hôm 8/6 đã có bài viết về việc Trung Quốc phải đối diện với thực tế mới về việc Mỹ can thiệp vào sân sau của nước này. Trong bài viết đó, tờ báo Hồng Kông cho rằng, nếu Trung Quốc đe dọa các đồng minh của Mỹ thì Washington sẽ sử dụng vũ lực để dạy cho Bắc Kinh một bài học.
|
Tổng thống Barack Obama đã sử dụng bài phát biểu gần đây của ông ở học viện quân sự Westpoint để phác thảo về chính sách đối ngoại của Mỹ trong thời gian còn lại trong nhiệm kỳ cuối cùng của ông này đồng thời đưa ra những nguyên tắc cho vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ trong thời gian dài hạn. Ông chủ Nhà Trắng không đả động trực tiếp nhiều đến Trung Quốc, nói đến tính nghiêm trọng của những cuộc tấn công mạng nhưng không chỉ đích danh Trung Quốc là thủ phạm chính. Tổng thống Mỹ cũng đề cập đến Biển Đông nhưng chỉ nói rằng, Mỹ ủng hộ các quốc gia Đông Nam Á trong nỗ lực giải quyết các cuộc tranh chấp thông qua đàm phán, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Bất chấp việc Tổng thống Obama dùng đến phương pháp tiếp cận ít động chạm đến Trung Quốc, giới phân tích ở Bắc Kinh vẫn cảm thấy có nhiều điều đáng lo ngại hơn trong bài phát biểu của ông chủ Nhà Trắng. Bài phát biểu đó được họ coi là tin mới nhất trong một loạt tin xấu đối với Trung Quốc. Đầu tiên, điểm mấu chốt trong chính sách của Mỹ là nước này có dự định duy trì vị thế cường quốc toàn cầu lớn của mình – “một quốc gia không thể thay thế” trong thời gian còn lại của thế kỷ 21.
Thứ hai, trong khi sức mạnh quân sự vẫn là xương sống trong vai trò lãnh đạo của Mỹ thì Washington cũng sẽ hợp tác với các đồng minh của mình để đạt được các mục tiêu chiến lược.
Thứ ba, Mỹ sẽ sử dụng bất kỳ phương tiện nào trong luật cho phép để buộc Trung Quốc phải tôn trọng các tiêu chuẩn quốc tế trong việc tiếp cận Biển Đông với hậu quả là nếu không làm như thế, Trung Quốc đe dọa các đồng minh của Mỹ và Washington sẽ dùng vũ lực để dạy cho Bắc Kinh một bài học. Cuối cùng, Chú Sam đã bộc lộ đặc điểm chính của mình.
Giới phân tích ở Bắc Kinh đã nhìn thấy những đám mây đen của cơn bão đang tụ về bao phủ mối quan hệ Trung-Mỹ. Mùa hè năm ngoái, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đưa ra ý tưởng về một mô hình mới trong quan hệ giữa các cường quốc lớn trong cuộc gặp với Tổng thống Obama. Trong tương lai lâu dài, Bắc Kinh muốn Washington chấp nhận rằng Đông Á là khu vực ảnh hưởng đặc biệt của Trung Quốc và Mỹ phải kiềm chế không có những động thái can thiệp nhằm chống lại các lợi ích của Trung Quốc ở khu vực sân sau này của họ. Bắc Kinh đưa ra lập luận rằng, phạm vi giới hạn mà Trung Quốc muốn trong các vấn đề toàn cầu là: vị trí bá chủ thế giới của Mỹ được chấp thuận miễn là Mỹ tôn trọng vị trí và lập trường của Trung Quốc ở Châu Á.
Trung Quốc muốn có một độ ổn định trong quan hệ với Mỹ giống như là mối quan hệ mà họ có thể thiết lập được với Nga. Tuy nhiên, để đạt được điều này đòi hỏi sự thỏa hiệp lớn hơn của Mỹ đối với các hành vi trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc nhằm bảo vệ lợi ích cốt lõi, đồng thời Mỹ cũng phải từ bỏ sự ủng hộ đối với các đồng minh Mỹ đang chống lại Trung Quốc. Đây rõ ràng là những chướng ngại vật rất khó vượt qua.
Trên thực tế, điều mà Trung Quốc muốn ở Mỹ thì Mỹ lại làm điều ngược lại – có nghĩa là Mỹ củng cố mối quan hệ đồng minh với Nhật Bản và Philippines – hai nước đang chống Trung Quốc mạnh mẽ. Việc Mỹ phản đối quyết liệt những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ở các vùng biển trong khu vực là điều khiến Bắc Kinh cực kỳ khó chịu và tức giận.
Nhiều nhà phân tích Trung Quốc cho rằng, chuyến thăm gần đây của Tổng thống Obama đến Châu Á cho thấy, chính sách “hợp tác và kiềm chế” cũ của Washington hiện tại đã trở về hình thức đơn giản là kiềm chế và rằng Mỹ vẫn muốn gây xung đột nhất định với Trung Quốc ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
Khi Tổng thống Obama bảo vệ cho chính sách “tái cân bằng” thì Bắc Kinh hiểu rằng đó là chính sách nhằm cân bằng sức mạnh Trung Quốc. Tuy nhiên, khi Mỹ nói nhiều về chính sách đó hơn là hành động cụ thể, nhiều nhà phân tích Trung Quốc bắt đầu hoài nghi về cam kết của ông Obama.
Khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine nổ ra, Trung Quốc đã cảm thấy nhẹ nhõm vì tin rằng Châu Âu một lần nữa sẽ trở thành trọng tâm chiến lược của Mỹ. Tuy nhiên, giờ đây, họ nhận ra rằng, họ đã sai.
Trong những tuần trước chuyến công du Châu Á của ông Obama, Tổng thống Mỹ đã tung ra một loạt phát biểu sắc nhọn nhằm thẳng vào những vấn đề nhạy cảm của Trung Quốc. Ông chủ Nhà Trắng công khai tuyên bố ủng hộ Nhật Bản trong vấn đề tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông trong khi đó Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp gỡ những nhân vật kỳ cựu trong phong trào dân chủ của Hồng Kông ngay tại Nhà Trắng. Mỹ cũng thúc ép Bắc Kinh trong vấn đề Triều Tiên và tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông với Philippines.
Tất cả những diễn biến trên đã cho Bắc Kinh hiểu, Mỹ rất thẳng thắn trong việc coi Trung Quốc là mối đe dọa lâu dài đối với vị thế bá chủ của Mỹ.
Kiệt Linh -
(theo SCMP)
Ý kiến bạn đọc