3 vũ khí Ấn Độ khiến Trung Quốc “toát mồ hôi”

10:51, 23/06/2014
|

(VnMedia) - Sức mạnh quân sự của Trung Quốc đang gia tăng một cách mạnh mẽ và nước này đang tìm cách vươn lên trở thành cường quốc quân sự hàng đầu khu vực Châu Á. Tuy nhiên, tham vọng của Trung Quốc vấp phải sự cản trở của “kỳ phùng địch thủ” Ấn Độ. Ấn Độ đang rất mạnh tay trong việc đầu tư cho quân sự và nước này đang sở hữu những vũ khí khiến Trung Quốc phải “toát mồ hôi hột” vì lo sợ.
 

Ảnh minh họa


Ảnh minh họa


Ấn Độ và Trung Quốc từng là láng giềng tốt trong hàng nghìn năm. Tuy nhiên, bất chấp lịch sử hòa bình lâu dài giữa hai  nước, cuộc chiến tranh biên giới năm 1962 cùng với những tranh chấp sau đó về lãnh thổ đã khiến quan hệ Trung-Ấn thường xuyên ở trạng thái giá lạnh.
 
Trung Quốc đang đẩy mạnh việc tranh giành chủ quyền với các nước láng giềng xung quanh trong đó có Ấn Độ. Mặc dù Trung Quốc từng đánh bại Ấn Độ trong cuộc chiến tranh năm 1962 nhưng quân đội Ấn Độ giờ đã ở thế hoàn toàn khác. Ấn Độ được đánh giá đã trở thành kỳ phùng địch thủ với Trung Quốc và quân đội Ấn Độ được xem sẽ trở thành đối thủ vô cùng khó chịu đối với cường quốc số 1 Châu Á.
 
Nếu chiến tranh Ấn Độ và Trung Quốc xảy ra, đó sẽ là một cuộc chiến tranh trên biển. Trung Quốc nhập khẩu một số lượng lớn dầu mỏ từ bên ngoài và 2/3 trong số này đi qua Ấn Độ Dương. Ấn Độ lại nằm trên tuyến đường mà nguồn năng lượng nhập khẩu vào Trung Quốc đi qua. Trong trường hợp căng thẳng leo thang, Hải quân Ấn Độ có thể phong tỏa tuyến đường biển quan trọng có tính sống còn đối với Trung Quốc. Và điều này buộc quân đội Trung Quốc phải đi hàng ngàn dặm đến Ấn Độ Dương để đối đầu với Hải quân Ấn Độ. Trong một kịch bản như thế, có 5 loại vũ khí của Ấn Độ mà Trung Quốc sợ phải đương đầu nhất.
 
Tàu sân bay Vikramaditya
 
Ấn Độ đã có tàu sân bay từ hơn 50 năm nay với chiếc tàu đầu tiên gia nhập lực lượng của hải quân là tàu INS Vikrant vào năm 1961. Được đưa vào biên chế của Hải quân Ấn Độ năm 2013, tàu sân bay INS Vikramaditya là chiếc tàu chiến mới nhất và hùng mạnh nhất trong một loạt tàu sân bay của cường quốc Châu Á này.
 
Tàu sân bay INS Vikramaditya là loại tàu sân bay lớp Project 1143.4 do Liên Xô cũ chế tạo. Tàu sân bay này có thể đạt tốc độ tối đa 32 hải lý/giờ và hoạt động liên tục suốt 13.500 hải lý (25.000 km) với vận tốc trung bình là 18 hải lý/giờ.
 
Với chiều dài 283m, rộng 31m, mớn nước 8,2m, lượng giãn nước 45.000 tấn, tàu sân bay INS Vikramaditya có thể mang theo 30 chiếc máy bay chiến đấu MiG-29K và trực thăng chống ngầm Ka-28..
 
Trung Quốc sợ tàu sân bay Vikramaditya bởi vì con tàu này có thể phong tỏa tuyến đường biển của Trung Quốc đồng thời giúp tăng đáng kể tầm hoạt động của hạm đội Ấn Độ. Tàu sân bay Vikramaditya cũng có thể góp phần vào sức mạnh tấn công trên không của Ấn Độ để ngăn chặn bất kỳ hoạt động xuất kích phá vòng vây nào của phía Trung Quốc.
 
Hiện tại, Trung Quốc là nước thứ ba sở hữu trên một tàu sân bay – thứ vũ khí được ví là bá chủ của đại dương.
 
Máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 - FGFA
 
Máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 của Ấn Độ là sản phẩm hợp tác giữa tập đoàn Hindustan Aeronautics Limited của nước này với hãng sản xuất chiến đấu cơ lừng danh của Nga - Sukhoi. Là một sản phẩm xuất phát từ chương trình chiến đấu cơ PAK-FA của Nga, FGFA sẽ đánh dấu một bước đột phá lớn trong năng lực của Không quân Ấn Độ và về mặt lý thuyết loại máy bay chiến đấu đó sẽ giúp Ấn Độ có được một thứ vũ khí tuowgn đương với F-22 của Mỹ và J-20 của Trung Quốc.
 
FGFA là một máy bay đa năng lớn có khả năng vừa tấn công trên không vừa tấn công mặt đất. Máy bay FGFA sẽ sở hữu những đặc điểm, tính năng của máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5, trong đó độ linh hoạt cao, khả năng tàng hình, bay ở tốc độ siêu âm trên Mach 1, khả năng kiểm soát hỏa lực hiện đại và hệ thống radar điện tử chủ động.
 
FGFA có khả năng mang theo vũ khí dẫn đường, trong đó có tới 6 tên lửa được dẫn đường bằng hệ thống radar. FGFA còn có thể được trang bị tên lửa không đối không tự chế Astra – một tên lửa được dẫn đường bởi hệ thống radar với tầm bắn 100 km đang được Ấn Độ phát triển. FGFA còn được cho là sẽ được trang bị phiên bản phóng trên không của tên lửa hành trình siêu âm BrahMos – loại tên lửa có thể tấn công các mục tiêu ở cả trên đất và trên biển.
 
Ấn Độ đầu tư 25 tỉ USD vào dự án vũ khí FGFA với Nga và nước này sẽ tiếp nhận 250 chiến đấu cơ loại này. Hoạt động chuyển giao sẽ được bắt đầu vào năm 2022.
 
Trung Quốc sợ FGFA bởi loại vũ khí này có thể trực tiếp cạnh tranh với J-20 của Trung Quốc. Dù gặp phải một số trục trặc, dòng máy bay FGFA được đánh giá cao bởi nó kế thừa những đặc điểm huyền thoại của tập đoàn lừng danh Sukhoi – tập đòn có trên 70 năm kinh nghiệm chế tạo chiến đấu cơ. Ngược lại, J-20 của Trung Quốc hoàn toàn là một sản phẩm tự chế với những học hỏi, cóp nhặt không sâu từ các phiên bản nước ngoài. Nếu dự án FGFA thành công, loại máy bay này sẽ cho phép Ấn Độ tự tin đối đầu với Trung Quốc.
 
Tên lửa chống hạm BrahMos
 
BrahMos là sản phẩm hợp tác nghiên cứu giữa Cục thiết kế tên lửa NPO Mashinostroeyenia của Nga và Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng (DRPO) bên phía Ấn Độ. BrahMos là từ viết tắt của hai con sông Brahmaputra của Ấn Độ và Moskva của Nga. Cũng là một sản phẩm hợp tác chung giữa Nga và Ấn Độ, BrahMos là loại tên lửa hành trình siêu âm tầm ngắn có khả năng được phóng đi từ đất liền, trên không và cả trên tàu ngầm, tàu nổi. Brahmos là một trong những tên lửa tối tân nhất thế giới, có khả năng bắn trúng mục tiêu trên cả mặt đất và trên biển với độ chính xác cao.
 
Tên lửa BrahMos có tầm bắn khoảng 290 km và có thể mang tới 300 kg đầu đạn thông thường. Tên lửa này có thể đạt tốc độ tối đa là 2,8 Mach, nhanh gấp 3 lần so với tên lửa hành trình siêu thanh Tomahawk của Mỹ. Tên lửa BrahMos được thiết kế dựa trên phiên bản tên lửa 3M55 Yakhont (SS-N-26) của Nga. Tốc độ cao của BrahMos khiến nó có các đặc điểm thâm nhập mục tiêu tốt hơn nhiều so với các tên lửa hoạt động dưới tốc độ âm thanh như Tomahawk – một loại tên lửa thiện chiến của Mỹ.
 
BrahMos là tên lửa hai tầng. Một tầng sử dụng nhiên liệu rắn sẽ giúp tên lửa tăng tốc ban đầu và tầng còn lại dùng động cơ phản lực ramjet chạy nhiên liệu lỏng, có trách nhiệm duy trì tốc độ siêu âm của tên lửa. Việc dùng động cơ ramjet và nhiên liệu lỏng khiến BrahMos có tầm bắn lớn hơn nhiều so với tên lửa chỉ dùng nhiên liệu rắn thông thường.
 
Brahmos được cho là một mối đe dọa lớn đối với Hải quân Trung Quốc. Tốc độ siêu âm của tên lửa đồng nghĩa với việc hệ thống phòng không chưa được kiểm chứng về sức mạnh của Trung Quốc chỉ có vài giây để phản ứng với một cuộc tấn công của Brahmos.


Kiệt Linh - (theo NA)

Ý kiến bạn đọc