“Vì sao Kiev căm ghét chúng tôi đến vậy?”

15:01, 05/05/2014
|

(VnMedia) - “Nổi giận”, “thất vọng” và “tự hào” là 3 từ có thể miêu tả rõ nhất cảm giác của người dân miền đông nam Ukraine lúc này. Tuy nhiên, có một điều mà đa số người dân ở đây khát khao hơn bất kỳ điều gì khác – đó là một cuộc trưng cầu dân ý về tương lai của họ.
 

Ảnh minh họa

Một người dân Slavyansk cầm tấm biển có dòng chữ "Chúng tôi là người biểu tình hoà bình" trước binh lính Kiev


Kênh tài liệu của đài truyền hình RT đã ghi lại được những hình ảnh chưa bao giờ được thấy trước đó, đó là phản ứng của người dân sống ở miền đông Ukraine và cách cuộc sống của họ bị tác động kể từ khi chính phủ lâm thời ở Kiev lên cầm quyền sau một cuộc đảo chính lật đổ Tổng thống Yanukovych hồi cuối tháng 2.
 
“Chúng tôi không phải là những phần tử cực đoan hay ly khai. Tôi sống ở Kharkov và tôi 61 tuổi. Tôi muốn hiểu rõ xem tôi đang sống ở đất nước nào”, một người dân địa phương cho biết.
 
“Khi nào thì họ sẽ ngừng gọi chúng tôi là những phần tử ly khai. Chúng tôi thức dậy mỗi sáng và bắt đầu chào nhau: ‘chào bạn, tôi là một phần tử ly khai, ‘chào bạn, tôi là một kẻ khủng bố”, một phụ nữ sống ở Lugansk cho hay.
 
Người dân miền đông Ukraine đã sẵn sàng cho một con đường đấu tranh dài phía trước. Họ có sự ủng hộ của địa phương và bắt đầu củng cố các thành trì của họ xung quanh những thành phố, thị trấn để chuẩn bị sẵn sàng đối phó với những cuộc tấn công có khả năng xảy ra từ lực lượng trung thành với Kiev. Tuy nhiên, nhiều người hy vọng điều đó sẽ không xảy ra.
 
“Tất cả chúng ta đều là người Slavo. Chúng ta phải chung sống trong hoà bình. Chúng ta là anh em với nhau và chúng ta không nên đánh lẫn nhau. Nhà của chúng ta là Nga”, một nhóm người đàn ông tầm khoảng 50 tuổi nói. “Làm thế nào chúng ta có thể nghe cái gọi là chính phủ ở Kiev ra lệnh cho chúng ta giết người dân của mình ở Slavyansk”, những người đàn ông trên nói tiếp.
 
Slavyansk là thành trì của cuộc nổi dậy chống chính quyền lâm thời ở Kiev. Chỉ cách đây vài tháng, Slavyansk vẫn là một thành phố của khu vực Donetsk và là trung tâm công nghiệp của đất nước. Tuy nhiên, kể từ khi chính phủ lâm thời mới lên cầm quyền ở Kiev và lật đổ Tổng thống Viktor Yanokovich - người được sinh ra ở Enakievo, cách Slavyansk khoảng 100km, mọi thứ bắt đầu đổi thay. Phong trào chống chính quyền lâm thời leo thang từng ngày.
 
“Cả hai người ông của tôi đều thiệt mạng trong Chiến tranh Thế giới thứ II. Tôi sẽ không bao giờ hát ‘Chiến thắng cho Ukraine’ hay ‘Chiến thắng cho Bandera’. Tôi hy vọng họ hiểu được thông điệp đó”, một người đàn ông trung niên ở Slavyansk nói.
 
Đa số những người biểu tình chống Kiev không được trang bị vũ khí. Họ mang theo những cây gậy bóng chày và mặc quân phục. Tuy nhiên, một số người có vũ khí và súng giống như các lực lượng trung thành với chính phủ lâm thời ở Kiev.
 
“Dmitry Yarosh – thủ lĩnh của Nhóm Cánh Hữu đang tập hợp một đội tấn công gọi là ‘Donbass’. Một khi lực lượng này hình thành, ông ta sẽ nhằm mục tiêu vào chúng tôi. Chúng tôi chỉ là những người dân không tấc sắt trong tay và đang cố gắng bảo vệ các lợi ích hợp pháp của mình”, một người dân địa phương khác ở Slavyansk nói.
 
Bộ phim tài liệu của RT đã cho thấy rõ một số người Ukraine nói tiếng Nga đã phải sống chật vật như thế nào ở đất nước họ. Họ bị chặn lại trên đường phố, bị đánh và bị bắt chỉ vì đeo rải ruy băng Thánh George ở trên ngực hay chỉ vì tưởng niệm những người thiệt mạng trong Chiến tranh Thế giới thứ II. Trong khi các nhóm chủ nghĩa dân tộc cực đoan và các nhóm cấp tiến khác đi lại tự do trên đường để reo rắc, kích động và thổi bùng lên ngọn lửa căng thẳng.
 
“Không có sự khác biệt giữa chúng tôi, ngoại trừ chúng tôi không nói tiếng Ukraine. Tại sao họ lại căm ghét chính người dân của mình đến vậy? Tất cả những sự cay đắng và thù ghét này xuất phát từ đâu”, một người phụ nữ gần như phát khóc khi đặt câu hỏi như vậy.
 
Một thanh niên trẻ mới tầm 20 tuổi đang dẫn đầu một cuộc biểu tình của những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan tuyên bố: “Chúng tôi muốn một Châu Âu mà đội quân viễn chinh từng chiến đấu vì nó, một Châu Âu của người da trắng. Những người Hồi giáo đang xúc phạm người bản ngữ và họ đã cướp đất của chúng tôi. Chúng tôi sẽ chiến đấu cho một Châu Âu truyền thống, một Châu Âu da trắng!”
 
Rất khó để những người dân địa phương ở vùng đông nam Ukraine hiểu được vì sao đất nước của họ lại đang tìm cách tấn công họ chỉ bởi vì họ có quan điểm, lập trường khác biệt. Tiếp xúc với các binh lính trung thành với Kiev là điều bình thường và một số binh lính hiểu được tình cảnh khó khăn của người gốc Nga ở Ukraine.
 
Tuy nhiên, không chỉ ở đông nam Ukraine, người dân mới thể hiện sự bất mãn với những gì đang diễn ra ở Ukraine trong mấy tháng qua. Một người đàn ông ở thành phố cảng Odessa cho biết: “Khoảng 80% người dân ở đây chống lại Maidan. Phần còn lại hoặc bị lừa dối hoặc không sống ở đây lâu dài”.
 
Có cảm giác đất nước Ukraine đang sống trong tình trạng vô pháp luật với những người ở miền đông nam đặc biệt cảm thấy dễ bị tổn thương. Những người sống ở các thành phố như Dnepropetrovsk và Odessa cảm thấy họ không được cảnh sát bảo vệ trước những cuộc tấn công từ các phần tử cực đoan của Nhóm Cánh Hữu.
 
Tình hình bất ổn, bạo loạn ở miền đông nam Ukraine hiện nay xuất phát từ việc người dân ở đây cảm thấy bất an trước cách đối xử của chính quyền lâm thời mới ở Kiev với họ. Sau khi lên nắm quyền, chính quyền này đã có những phát biểu và những bước đi thể hiện rõ sự “bài Nga”, phân biệt đối xử với người gốc Nga, nói tiếng Nga đang chiếm đa số ở các khu vực đông nam Ukraine.


Vân Linh - (theo RT)

Ý kiến bạn đọc