(VnMedia) - Cả hai bên – chính quyền lâm thời ở Kiev và người dân miền đông Ukraine – đều đang phải chôn cất người của họ khi đất nước này đang sầm sập tiến sâu hơn vào một cuộc nội chiến “huynh đệ tương tàn” với bên thân phương Tây và bên ủng hộ Nga tiếp tục đổ lỗi, cáo buộc nhau về việc đã chia rẽ, xé tan đất nước.
Bạo lực tiếp tục gia tăng ở miền đông Ukraine |
Ngày hôm qua (6/5) khá yên bình so với những ngày trước đó ở khu vực đông và nam Ukraine. Tuy nhên, bạo lực vẫn bùng lên vào lúc chạng vạng tối qua ở cảng phía đông Mariupol. Một thành viên của lực lượng phòng vệ địa phương cho hãng tin Itar-Tass của Nga cho biết, một người đã thiệt mạng và 3 người khác bị thương trong cuộc tấn công của quân Kiev nhằm vào một chốt chặn an ninh ở Mariupol.
Ở Kramatorsk – một thành phố khác thuộc miền đông Ukraine, người ta chứng kiến cảnh một cỗ quan tài bên trong là một y tá trẻ mới 21 tuổi Yulia Izotova đang nằm như ngủ được đưa đi khắp các con đường đang được phong tỏa bởi những chướng ngại vật là thân cây và lốp xe. Dọc con đường đi, người ta rải đầy những bông hoa cẩm chướng màu đỏ.
Tại Nhà thờ Chúa Ba Ngôi, 7 thầy tu đang làm lễ cầu nguyện cho một người phụ nữ thiệt mạng vì trúng đạn hạng nặng và và người dân trong vùng tin rằng, đó là do binh lính Ukraine gây ra.
"Họ bắn chúng tôi. Tại sao? Bởi chúng tôi không muốn sống với những kẻ phát xít ư?", một người chụp ảnh hộ chiếu 58 tuổi có tên là Sergei Fominsky đứng cạnh vợ của mình trong đám tang cho biết. “Chúng tôi không phải là nô lệ. Chúng tôi sẽ không quỳ gối trước bất kỳ ai”.
Ở Odessa – nơi từng là một cảng đầy yên bình ở Biển Đen với nhiều dân tộc sống chung với nhau, hơn 40 người đã thiệt mạng hôm 2/5 – ngày đẫm máu nhất kể từ khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine bùng lên hồi tháng 2.
“Chính phủ đã chẳng thể bảo vệ nổi người dân. Cảnh sát cũng thất bại thảm hại”, một người dân có tên là Nikita, 56 tuổi, than phiền.
Trong khi đó, một người khác tên là Sergei, tầm 40 tuổi, nói rằng “bạo lực đã xâm nhập vào Odessa. Chúng tôi từng tự hào trước việc Odessa là nơi duy nhất mà mọi người dân sống với nhau một cách hòa bình, bất kể họ theo tôn giáo nào, ở chủng tộc nào. Bây giờ thì mọi thứ đều đã biến mất”.
Cảnh báo chiến tranh
Tình trạng bạo lực leo thang ở miền đông nam Ukraine cũng đã thực sự gây lo ngại cho cộng đồng quốc tế. Thậm chí một số quốc gia Châu Âu vốn rất thận trọng thì giờ đây cũng phải lên tiếng cảnh báo về viễn cảnh bùng nổ một cuộc nội chiến ở đất nước 45 triệu dân.
Ukraine đang tiến sát gần tới chiến tranh, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier đã cảnh báo như vậy trong bài phỏng vấn được đăng trên 4 tờ báo Châu Âu ngày hôm qua (6/5).
Hàng chục người đã chết ở thành phố Odessa hồi tuần trước khi lực lượng biểu tình ở miền đông đụng độ với những thành phần đối lập và lực lượng của chính quyền lâm thời ở Kiev.
"Bức tranh đẫm máu ở Odesssa đã chỉ cho chúng ta thấy rằng, chúng ta chỉ còn cách vài bước là đến một cuộc đối đầu quân sự”, Ngoại trưởng Steinmeier đã nói như vậy trên các tờ El Pais, Le Monde, La Repubblica và Gazeta Wyborcza. Ông này cũng nói thêm rằng, cuộc đối đầu đã leo thang đến mức độ "mà cách đây không lâu chúng ta không nghĩ là nó sẽ xảy ra".
Ngoại trưởng Đức Steinmeier cũng cảnh báo người dân nước này đừng đi du lịch đến Cirmea – nơi vừa được sáp nhập vào Nga, cũng như các khu vực miền đông Ukraine.
Một vài ngày tới được xem là thời điểm mang tính quyết định khi người dân ở miền đông Ukraine tuyên bố tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về tương lai của họ vào ngày 11/5 tới, giống với cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea.
Bộ Ngoại giao Mỹ đã lên án bất kỳ nỗ lực nào nhằm thực hiện một cuộc trưng cầu dân ý như trên đồng thời đe dọa sẽ tung ra thêm nhiều biện pháp trừng phạt nếu Nga đưa quân vào Ukraine. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tuyên bố, ông sẽ gặp gỡ với các bộ trưởng ở Châu Âu trong tuần tới để thảo luận các bước tiếp theo liên quan đến tình hình Ukraine..
Hai ngày trước khi diễn ra cuộc trưng cầu dân ý – 9/5 là ngày Nga kỷ niệm chiến thắng vĩ đại của Hồng quân Liên Xô trước phát xít Đức. Moscow gần đây đã công khai so sánh chính quyền lâm thời ở Kiev với phát xít và giới chức Ukraine lo ngại ngày 9/5 là ngày có thể chứng kiến tình trạng bạo lực leo thang. Ở thủ đô Moscow, sẽ có một cuộc diễu binh quân sự rầm rộ với những vũ khí hạng nặng ở Quảng trường Đỏ - đây là truyền thống có từ thời Xô-viết và đã được Tổng thống Putin khôi phục lại.
Những ngày vừa qua chứng kiến quân đội Ukraine tăng cường chiến dịch tấn công vào miền đông nam Ukraine nhưng không đạt được mấy bước tiến bởi lực lượng phòng vệ địa phương đã nắm rất chắc quyền kiểm soát ở tiền đồn chính trước cửa ngõ thành phố Slavyansk và đã bắn hạ 3 chiếc trực thăng của Kiev.
Bộ trưởng Nội vụ tạm quyền Ukraine Arsen Avakov hôm qua thông báo, hơn 30 thành viên của lực lượng phòng vệ ở Slavyansk đã bị thiệt mạng nhưng không có nguồn tin nào xác nhận về tính chính xác của con số trên..
"Chúng tôi đang có hai sự lựa chọn, một là sử dụng pháo hạng nặng để xóa sổ toàn bộ nơi đây, dựng lên lá cờ của mình và thông báo mọi việc đã hoàn tất. Lựa chọn thứ hai là dần dần phong tỏa, tiêu diệt những kẻ khiêu khích và phá hoại để tránh thương vong cho người dân. Chúng tôi đang thực hiện kịch bản thứ hai”, Bộ trưởng Quốc phòng tạm quyền của Ukraine – ông Mykhailo Koval đã nói như vậy khi giải thích về việc tại sao chiến dịch tấn công của quân Kiev lại diễn ra lâu như vậy mà hầu như chẳng đạt được gì mấy.
Kiệt Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc