(VnMedia) - Chỉ chưa đầy 6 tháng sau khi Thủ tướng Lý Khắc Cường đến Việt Nam nói về hòa bình, về mối quan hệ truyền thống hữu nghị và về “phương châm 16 chữ và tinh thần 4 tốt”, nước này đã nhanh chóng tung ra hành động đi ngược lại hoàn toàn với thông điệp trên. Thay vì hợp tác cùng phát triển, Trung Quốc ngang nhiên xâm phạm một cách trắng trợn và nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông đồng thời hành động một cách ngang ngược, bất chấp mọi cam kết và tuyên bố mà nước này liên tục đưa ra và mới nhất là hồi tháng 11 năm ngoái.
Tàu Trung Quốc hung hăng bắn vòi rồng vào tàu Việt Nam. |
Tháng 11 năm ngoái, báo chí thế giới và báo chí Trung Quốc, Việt Nam đã đăng tải một loạt bài viết nhận định về mối quan hệ song phương phát triển một cách tốt đẹp giữa hai nước láng giềng sau khi Thủ tướng Lý Khắc Cường lần đầu tiên có chuyến thăm đến Việt Nam trên cương vị mới.
Chuyến thăm của Thủ tướng Lý Khắc Cường được Bắc Kinh tuyên bố là nhằm để “thể hiện quyết tâm của Đảng, Chính phủ Trung Quốc trong việc làm sâu sắc thêm tình hữu nghị truyền thống, mở rộng hợp tác cùng có lợi, thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc đạt được những tiến triển mới theo phương châm 16 chữ và tinh thần 4 tốt”.
Ngoài những thỏa thuận hợp tác kinh tế, thương mại song phương, một trong những kết quả nổi bật trong chuyến công du đến Việt Nam của Thủ tướng Lý Khắc Cường chính là việc lãnh đạo hai nước đã thống nhất thành lập Nhóm công tác bàn bạc về hợp tác cùng phát triển trên biển trong khuôn khổ Đoàn đàm phán cấp Chính phủ về biên giới lãnh thổ Việt Nam-Trung Quốc. Nhiệm vụ của nhóm này là bám sát Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc đã đạt được trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tháng 10/2011 và nhận thức chung của lãnh đạo hai nước, căn cứ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, trên nguyên tắc tuần tự từng bước, từ dễ đến khó, bàn bạc, nghiên cứu khả năng hợp tác cùng phát triển tại Biển Đông.
Việt Nam và Trung Quốc đã thống nhất cùng kiên trì thông qua hiệp thương và đàm phán hữu nghị, tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được, tích cực nghiên cứu giải pháp mang tính quá độ không ảnh hưởng đến lập trường và chủ trương của mỗi bên, bao gồm tích cực nghiên cứu và bàn bạc về vấn đề hợp tác cùng phát triển.
Hai bên nhất trí kiểm soát tốt những bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, sử dụng tốt đường dây nóng quản lý, kiểm soát tranh chấp trên biển giữa Bộ Ngoại giao hai nước, đường dây nóng về các vụ việc phát sinh đột xuất của hoạt động nghề cá trên biển giữa Bộ Nông nghiệp hai nước, xử lý kịp thời, thỏa đáng các vấn đề nảy sinh, đồng thời tiếp tục tích cực trao đổi và tìm kiếm các biện pháp có hiệu quả để kiểm soát tranh chấp, duy trì đại cục quan hệ Việt-Trung và hòa bình, ổn định trên Biển Đông.
Lãnh đạo hai nước Việt, Trung cũng nhất trí thực hiện đầy đủ, hiệu quả “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC), tăng cường tin cậy, thúc đẩy hợp tác, cùng nhau duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông, theo tinh thần và nguyên tắc của “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC), trên cơ sở đồng thuận, nỗ lực hướng tới thông qua “Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông” (COC).
Việt Nam và Trung Quốc còn nhấn mạnh đến “điều quan trọng là các bên liên quan cần phải có thiện chí và phải tuân thủ luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982”.
Những cam kết và thỏa thuận được đưa ra trong chuyến thăm của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đến Việt Nam hồi cuối năm ngoái nói trên đã thể hiện rõ tinh thần chủ động, tích cực, thiện chí, mong muốn từng bước giải quyết ổn thỏa vấn đề Biển Đông, đóng góp thiết thực vào việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông, thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị giữa các bên liên quan.
Trung Quốc đã làm gì với cam kết của mình?
Tất cả những cam kết, những tuyên bố và những thỏa thuận được đưa ra trong chuyến thăm của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đến Việt Nam đã đem đến sự lạc quan về triển vọng phát triển của mối quan hệ láng giềng Việt-Trung. Điều này đã từng được nhận định trong nhiều bài phân tích, nhận định trên báo chí Trung Quốc, Việt Nam và cả thế giới.
Tuy vậy, điều đáng tiếc là chỉ chưa đầy 6 tháng sau, Trung Quốc đã nhanh chóng có hành động đi ngược lại hoàn toàn những gì họ đã cam kết trước đó.
Miệng tuyên bố hợp tác cùng phát triển nhưng Trung Quốc rõ ràng đang hành động một cách đơn phương, bất chấp luật pháp Việt Nam cũng như luật phát quốc tế khi ngang nhiên đưa giàn khoan 981 cùng hàng chục tàu thuyền, trong đó có cả tàu chiến, tàu quân sự, vào vùng biển của Việt Nam.
Với hành động đưa giàn khoan vào vùng biển Việt Nam, Trung Quốc đã chà đạp lên Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc đã đạt được trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tháng 10/2011; “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC) cũng như luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982,
Không chỉ xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, chà đạp lên luật pháp quốc tế và các thỏa thuận song phương, Trung Quốc còn không ngần ngại phá bỏ cam kết về việc kiểm soát tốt những bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp.
Nghiêm trọng hơn, Trung Quốc còn liên tiếp có những hành động có khả năng phá vỡ hòa bình, châm ngòi cho xung đột khi dàn hàng chục tàu thuyền, có lúc đỉnh điểm lên đến gần 90 tàu, ở vùng biển của Việt Nam, phá rối, quấy nhiễu, bắn súng vòi rồng và đâm tàu của Việt Nam. Điều đáng nói là Trung Quốc đã đưa cả tàu chiến, các loại tàu quân sự và máy bay chiến đấu vào tham gia hành động xâm phạm chủ quyền Việt Nam và khiêu khích tàu thuyền Việt Nam đang thực hiện các hoạt động chấp pháp trong vùng biển của Việt Nam.
Việc Trung Quốc vừa miệng nói hòa bình vừa tiến hành các hoạt động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam đã một lần nữa cho thấy cách hành xử tiền hậu bất nhất của Bắc Kinh. Đây không phải là lần đầu tiên lời nói của Trung Quốc không đi đôi với hành động. Vì thế, người ta không thất kỳ lạ hay bất ngờ trước động thái mới nhất của phía Trung Quốc. Trước đó, nhiều người đã tỏ ra hoài nghi về sự thực xung quanh những phát biểu đầy tốt đẹp của giới chức Trung Quốc về hòa bình, sự ổn định, phát triển và thịnh vượng trong khu vực.
Sự thực, nhiều người đã thuộc nằm lòng những câu nói cửa miệng của giới lãnh đạo Trung Quốc như: “Trung Quốc kiên trì đi theo con đường phát triển hòa bình, hợp tác với tất cả các nước và không có ý định đe dọa bất kỳ nước nào” hay như “Trung Quốc không bao giờ tìm kiếm vị trí bá chủ thế giới”. Và người ta cũng nhiều lần chứng kiến hành động của Trung Quốc đi ngược lại với “câu thần chú” trên của họ.
Rõ ràng, người xưa đã đúng khi nói: Hãy nhìn vào việc các nước làm chứ không nên nghe những gì họ nói. Dù luôn miệng nói những lời “mật ngọt” về hòa bình, hữu nghị, quan hệ hợp tác, láng giềng thân thiện nhưng Trung Quốc liên tục gây căng thẳng ở Biển Đông bằng những hành động xâm phạm chủ quyền nước khác một cách ngang nhiên và trắng trợn.
Ý kiến bạn đọc