Trung Quốc hung hăng điều thêm tàu, máy bay đến biển Việt Nam

22:52, 15/05/2014
|

(VnMedia) - Từ ngày 01/5/2014, Trung Quốc đã ngang nhiên đưa giàn khoan nước sâu Hải Dương - 981 cùng hơn 80 tàu vũ trang, tàu và máy bay quân sự hộ tống đi vào vùng biển Việt Nam, hạ đặt trái phép giàn khoan này tại vị trí nằm hoàn toàn bên trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam được xác định theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. 
 

Ảnh minh họa

Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan 981 ở vùng biển thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam


Việt Nam đã và đang kiên trì đối thoại, tiến hành giao thiệp nghiêm túc với Trung Quốc ở
nhiều cấp độ, dưới nhiều hình thức, phản đối mạnh mẽ hành vi sai trái của phía Trung Quốc. Đáp lại giao thiệp và thiện chí của Việt Nam, Trung Quốc tiếp tục duy trì và mở rộng hoạt động sai trái, điều thêm nhiều tàu và máy bay đến khu vực nói trên.
 
Theo ông Nguyễn Văn Trung Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho biết trong cuộc họp báo diễn ra chiều nay (15/5) ở thủ đô Hà Nội, số tàu mà Trung Quốc điều đến vùng biển Việt Nam để bảo vệ cho hoạt động phi pháp của giàn khoan 981 đã đã tăng lên đến con số 99 tàu, trong đó có 38 tàu hải cảnh, 19 tàu phục vụ, 8 tàu kéo, 4 tàu chiến và 30 tàu cá vỏ sắt. Cùng với đó, Trung Quốc cũng huy động hàng loạt máy bay các loại tuần thám vây quanh khu vực Trung Quốc hạ đặt giàn khoan 981 (Haiyang Shiyou 981) trái phép..
 
Như vậy, tính đến ngày hôm nay, Trung Quốc vẫn ngang nhiên duy trì sự hiện diện của một lực lượng hùng hậu gồm hàng chục tàu quân sự, hải cảnh, hải giám, hải tuần, ngư chính, tàu cá vỏ sắt, các tàu dịch vụ cùng sự hỗ trợ của nhiều máy bay tại khu vực xung quanh giàn khoan Hải Dương - 981. Trong khi các tàu công vụ, tàu dân sự của Việt Nam hết sức kiềm chế thì Trung Quốc tiếp tục có những hành động hung hăng, đưa tàu, máy bay đến uy hiếp, dùng vòi rồng có công suất lớn nhằm vào các tàu công vụ của Việt Nam đang thực thi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, gây hư hại nhiều tàu và làm nhiều người bị thương.
 
Tiếp tục các biện pháp đấu tranh ngoại giao kiên quyết, ngày 11/5/2014, tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 24 tại Myanmar, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có bài phát biểu quan trọng nhấn mạnh vụ việc là mối đe dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông. Các văn kiện của Hội nghị Cấp cao ASEAN đã nêu vấn đề Biển Đông. Trước đó, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN (AMM), lần đầu tiên từ năm 1995, Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN đã ra Tuyên bố riêng về tình hình Biển Đông, qua đó thể hiện rõ sự đoàn kết, vai trò trung tâm, tinh thần chủ động, trách nhiệm cao và quan ngại sâu sắc của ASEAN đối với hòa bình, ổn định và an ninh ở khu vực.
 
Việt Nam cực lực phản đối việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương - 981 tại khu vực nằm sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam. Đây là hoạt động vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 cũng như tinh thần và lời văn Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Trong bối cảnh các nước trong và ngoài khu vực đang nỗ lực tìm kiếm các biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp và nỗ lực trong việc thúc đẩy tham vấn tích cực và thực chất nhằm tiến tới một Bộ Quy tắc Ứng xử (COC), hành động của Trung Quốc đã làm phức tạp tình hình, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hợp tác và phát triển ở khu vực. Việt Nam kiên quyết yêu cầu phía Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương - 981 cùng toàn bộ tàu và máy bay ra khỏi vùng biển của Việt Nam và không để tái diễn những hành vi tương tự.
 
Nhân đây, Việt Nam xin gửi lời cám ơn trân trọng tới các quốc gia, các cá nhân, tổ chức quốc tế đã lên tiếng phản đối hành động xâm phạm nghiêm trọng này của phía Trung Quốc và ủng hộ yêu cầu hợp pháp và chính đáng của Việt Nam. Xin trân trọng cảm ơn các cơ quan báo chí, truyền thông trong và ngoài nước đã đưa tin trung thực, khách quan, làm rõ các hành vi sai trái của phía Trung Quốc.


Kiệt Linh

Ý kiến bạn đọc