Trung Quốc hành động trắng trợn và bất chấp pháp luật quốc tế

10:36, 09/05/2014
|

Việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam là hoàn toàn sai trái, vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam. Trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Quân đội nhân dânngày 8-5, Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ, cho rằng Việt Nam đã rất kiềm chế nhưng mọi sự kiềm chế đều có giới hạn.

Ảnh minh họa

-  Xin ông nói  rõ hơn về  hành động sai trái  của Trung Quốc chiểu theo luật pháp quốc tế?

- Tiến sĩ Trần Công Trục:Thông tin về hành động của Trung Quốc đã được nêu trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tôi xin giải thích cụ thể sai phạm này đối chiếu Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982).

Trước hết, tọa độ mà phía Trung Quốc hạ đặt giàn khoan nằm cách đảo Lý Sơn 119 hải lý, cách đảo Tri Tôn 18 hải lý về phía Nam. Vị trí này hoàn toàn nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, tính từ đường cơ sở ven bờ lục địa Việt Nam mà Nhà nước Việt Nam đã công bố đúng theo UNCLOS 1982.

Việc Trung Quốc chọn vị trí này nhằm thực hiện ý đồ từng bước hiện thực hóa yêu sách đường lưỡi bò sai trái. Phải khẳng định rõ ràng, vị trí này nằm hoàn toàn trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Tất cả các yếu tố pháp lý và khoa học đều cho thấy, vùng này không phải là vùng chồng lấn, không hề có tranh chấp.

- Năm 2011, Việt Nam và Trung Quốc đã  ký Thỏa thuận về Nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển. Theo ông, hành động hiện nay của Trung Quốc đã vi phạm Thỏa thuận này như thế nào?

- Tiến sĩ Trần Công Trục:Hành động của Trung Quốc chắc chắn đã vi phạm Thỏa thuận. Tuy nhiên, họ lại ngụy biện với thế giới là Việt Nam vi phạm. Tại sao Việt Nam lại có thể phá vỡ Thỏa thuận khi Việt Nam luôn muốn duy trì quan hệ tốt với Trung Quốc và luôn thiện chí trong việc giải quyết những bất đồng còn tồn tại.

- Thưa ông, hành động của Trung Quốc ảnh hưởng như thế nào tới an ninh khu vực?

- Tiến sĩ Trần Công Trục:Đây là hành động bất chấp luật pháp và dư luận quốc tế, bất chấp các mối quan hệ chính trị, ngoại giao với các nước láng giềng gắn bó như Việt Nam. Trung Quốc cũng bất chấp các cam kết cấp cao vì mục đích của họ. Đương nhiên, các nước có liên quan sẽ phản ứng. Đây là quy luật của cuộc sống, là truyền thống lịch sử.

 - Học giả Ô-xtrây-li-a C. Thay-ơ (C. Thayer) cho rằng, Việt Nam không nên sử dụng lực lượng quân sự trong xử lý vấn đề và nên phản đối qua kênh ngoại giao ở cấp cao hơn. Ông nhận định thế nào về ý kiến này?

- Tiến sĩ Trần Công Trục:Ông C. Thay-ơ là một chuyên gia nổi tiếng, thường có những ý kiến khách quan và xây dựng về vấn đề Biển Đông. Ý kiến ông ta đưa ra như vậy là hợp lý, xuất phát từ băn khoăn, lo lắng và hiểu biết về hành động của Trung Quốc từ xưa đến nay. Ông ta muốn Việt Nam bình tĩnh xử lý, không để Trung Quốc lợi dụng, tạo cớ thực hiện những hành vi sai trái nguy hiểm hơn. Việt Nam đã rất kiềm chế và không bao giờ làm điều gì vượt quá những khuôn khổ cần thiết để Trung Quốc có thể lợi dụng. Thậm chí, sự kiềm chế của Việt Nam còn khiến một số người hiểu lầm là Việt Nam nhu nhược. Nhưng không phải vậy. Việt Nam đã có những tính toán phù hợp. Theo tôi, Việt Nam sẽ tiếp tục kiềm chế. Tuy nhiên, mỗi con người, mỗi dân tộc đều có giới hạn chịu đựng. Việt Nam biết khi nào phải hành động vì lợi ích của Việt Nam, khu vực và thế giới.

Vừa qua, Việt Nam đã tiến hành đấu tranh ngoại giao khá mạnh mẽ. Tuy nhiên, việc đấu tranh đó phải nâng lên nữa vì sự việc này rất nghiêm trọng. Những văn bản phản đối Trung Quốc cần phải được gửi tới Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế để lưu chiểu bởi hành động của Trung Quốc đã vi phạm luật pháp quốc tế và lợi ích chung của cộng đồng quốc tế.

Theo tôi, trong bối cảnh này, người Việt Nam cần bình tĩnh, đồng lòng để cùng các cấp lãnh đạo đưa ra những giải pháp cần thiết và thích hợp nhất. Không nên manh động dẫn đến tình thế trống đánh xuôi, kèn thổi ngược, làm giảm sức mạnh của toàn dân tộc.


(Theo QĐND)

Ý kiến bạn đọc