(VnMedia) - Nữ Thủ tướng xinh đẹp của Thái Lan – bà Yingluck Shinawatra sẽ tiếp tục tại vị hay bị lật đổ, điều này sẽ được định đoạt trong vài giờ tới, vào buổi trưa ngày hôm nay (7/5) khi Tòa án Hiến pháp ra phán quyết cuối cùng về cáo buộc bà lạm dụng quyền lực trong việc điều chuyển cán bộ.
Nữ Thủ tướng Yingluck |
Số phận nữ Thủ tướng Yingluck đang “ngàn cân treo sợi tóc”
Theo thông báo, Tòa án Hiến pháp Thái Lan hôm nay sẽ ra phán quyết về vị thế của Thủ tướng Yingluck trong vụ việc liên quan đến quyết định điều chuyển Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Thawil Pliensri hồi năm 2011.
Bà Yingluck bị cáo buộc vi phạm hiến pháp trong việc điều chuyển ông Thawil nhằm làm lợi cho Đảng Pheu Thai của bà. Một phán quyết bất lợi sẽ khiến Thủ tướng Yingluck và toàn bộ nội các của bà sụp đổ.
Tòa án Hiến pháp sẽ đưa ra quyết định vào trưa nay sau khi ngày hôm qua (6/5), tòa án trực tiếp nghe lời khai và những lập luận của các bên gồm Thủ tướng Yingluck, cựu Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Thawil, cựu cảnh sát trưởng Wichean Potephosree và Thượng nghị sĩ Paiboon Nititawan.
Trước đó, hôm 7/3, Tòa án Hành chính Tối cao Thái Lan đã ra phán quyết cho rằng, quyết định điều chuyển ông Thawil khỏi vị trí Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Thái Lan của Thủ tướng Yingluck là bất hợp pháp và tòa án này đã ra lệnh bổ nhiệm ông này trở lại vị trí cũ.
Ông Thawil đã bị điều chuyển khỏi vị trí trên hồi tháng 9 năm 2011, mở đường cho cảnh sát trưởng quốc gia Wichean lên thay thế ông này. Trong khi đó, ông Priewpan Damapong lên tiếp nhận vị trí cảnh sát trưởng quốc gia.
Một nhóm thượng nghị sĩ do ông Paiboon dẫn đầu đã đệ đơn kiện lên Tòa án Hiến pháp vụ việc điều chuyển ông Thawil sau khi Tòa án Tối cao Hành chính đưa ra phán quyết gây bất lợi cho bà Yingluck.
Thượng nghị sĩ Paiboon hôm qua đã cáo buộc bà Yingluck lạm dụng quyền hành bằng cách điều chuyển ông Thawil để mở đường cho ông Priewpan trở thành cảnh sát trưởng quốc gia.
Tuy nhiên, bà Yingluck đã đáp trả lại cáo buộc trên bằng lời khẳng định, bà đã thực hiện việc điều chuyển cán bộ theo đúng luật pháp, nói rằng bà chẳng làm điều gì sai trái trong khi thực hiện quyền hành của mình. Nữ Thủ tướng Thái Lan xinh đẹp cũng nhấn mạnh, bà không lạm dụng quyền lực bởi bà được phép theo luật pháp để điều chuyển các cán bộ trong bộ máy nhà nước.
Nữ Thủ tướng Yingluck cũng khẳng định, nội các của bà chẳng được lợi gì từ quyết định điều chuyển đó và rằng bà cũng không làm lợi cho bản thân từ việc bổ nhiệm ông Priewpan làm cảnh sát trưởng quốc gia.
Ông Priewpan là anh trai của bà Khunying Potjaman na Pombejra – vợ cũ của cựu Thủ tướng Thaksin. Theo lập luận của bà Yingluck, việc bổ nhiệm ông Priewpan không được thực hiện vì quyền lợi gia đình bà bởi thực tế là anh trai bà – ông Thaksin đã ly dị người vợ Khunying Potjaman khi quyết định điều chuyển cán bộ của bà được đưa ra.
Về phần mình, ông Thawil đã nói trước tòa rằng, vụ điều chuyển ông không thể vì mục đích làm lợi cho đất nước bởi ông Wichean đã bị ép từ chức cảnh sát trưởng quốc gia để nhường đường cho ông Priewpan.
Tuy nhiên, bản thân ông Wichean lại thẳng thừng lên tiếng bác bỏ lời khai trên của ông Thawil, khẳng định rằng, ông rút khỏi chiếc ghế cảnh sát trưởng quốc gia một cách tự nguyện và việc bổ nhiệm ông vào vị trí Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia là hợp pháp.
Người ta tin rằng, Tòa án Hiến pháp Thái Lan gần như chắc chắn sẽ ra phán quyết chống lại Thủ tướng Yingluck và điều này đồng nghĩa với việc bà sẽ bị tước quyền.
Thái Lan sẽ bùng nổ?
Khả năng Thái Lan sẽ bùng nổ sau phán quyết của Tòa án Hiến pháp Thái Lan trưa ngày hôm nay là rất cao bởi phe áo đỏ tuyên bố đã sẵn sàng đứng lên bảo vệ nữ Thủ tướng Yingluck chống lại cái mà họ miêu tả là “một cuộc đảo chính pháp lý” – điều từng xảy ra trong quá khứ với các chính phủ thân Thaksin.
Hàng ngàn người áo đỏ ủng hộ chính phủ Thái Lan cho biết, họ đang chuẩn bị đổ về thủ đô Bangkok sau khi Tòa án Hiến pháp Thái Lan đưa ra phán quyết gây bất lợi cho nữ Thủ tướng của họ.
Nếu bị kết tội trong vụ án điều chuyển cán bộ, bà Yingluck – nữ Thủ tướng đầu tiên của đất nước Thái Lan, sẽ bị truất quyền ngay lập tức mà không được quyền kháng án. Diễn biến này có thể thổi bùng ngọn lửa tức giận trong lực lượng ủng hộ đông đảo của bà. Phe áo đỏ tin rằng, bà Yingluck là một nạn nhân tiếp theo “của một cuộc đảo chính pháp lý” được dàn dựng bởi những nhân vật có ảnh hưởng trong thành phần hoàng gia và quân sự đầy quyền lực ở Thái Lan.
Lời đe dọa đổ về thủ đô của phe áo đỏ đang làm dấy lên nỗi quan ngại về một cuộc bùng nổ bạo lực giữa lực lượng này với những người biểu tình chống chính phủ đã cắm chốt ở Bangkok trong suốt 6 tháng qua. Nếu điều này thực sự xảy ra thì tình hình Thái Lan sẽ vô cùng bất ổn và rối loạn.
Theo lời ông Anutin Tinnaraj – Chủ tịch chi nhánh đông bắc của Mặt trận Dân chủ Thống nhất Chống Độc tài (phe áo đỏ), khoảng 100.000 người đến từ 20 tỉnh thành khách nhau đã sẵn sàng tràn về thủ đô để phản đối phán quyết của Tòa án Hiến pháp Thái Lan.
Ông Tinnaraj tin rằng, phán quyết sắp tới được dựng lên bởi những phe nhóm chống chính phủ đang quyết tâm lật đổ cho bằng được chính phủ của Thủ tướng Yingluck.
Giới thủ lĩnh áo đỏ cho biết, họ sẽ sớm thông báo về các địa điểm biểu tình sau khi Tòa án Hiến pháp Thái Lan ra phán quyết bất lợi cho bà Yingluck.
Năm 2008, tòa án từng truất quyền hai Thủ tướng thân Thaksin bằng các phán quyết của họ. Khả năng cao là bà Yingluck cũng phải chịu chung số phận như vậy. Vì thế, sẽ khó có thể tránh được việc phe áo đỏ ủng hộ chính phủ nghi ngờ tính công bằng của hệ thống tòa án Thái Lan. Lực lượng này luôn tin rằng, tòa án Thái Lan ngả về phía phe đối lập và luôn có định kiến với những chính phủ thân Thaksin.
Kiệt Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc