Thực hư lính Nga ở miền đông Ukraine

18:32, 05/05/2014
|

(VnMedia) - Các lực lượng phòng vệ ở thành trì chống Kiev - Slavyansk là người Ukraine chứ không phải người Nga. Đó là những người không tin tưởng vào chính quyền lâm thời mới ở Kiev, cũng như các cường quốc phương Tây hậu thuẫn cho họ, phóng viên của tờ New York Times cho biết. Các lực lượng ở Slavyask cũng khẳng định, họ không được trả tiền để chiến đấu.

Ảnh minh họa

Lực lượng phòng vệ ở Slavyansk


Hai phóng viên của tờ New York Times, Mỹ, đã ở cả tuần tại thành phố Slavyansk , phía đông Ukraine và nói chuyện với rất nhiều thành viên của lực lượng phòng vệ địa phương. Hai phóng viên này đã đến thăm các chốt chặn an ninh của lực lượng phòng vệ và quan sát lực lượng này khi họ chiến đấu với binh lính Ukraine trong chiến dịch đàn áp quân sự của Kiev hôm thứ Sáu (2/5).

 

Lực lượng phòng vệ địa phương phủ nhận hoàn toàn những cáo buộc của Kiev và phương Tây cho rằng họ đang được Nga hoặc các nhà tài phiệt trả tiền để chiến đấu. “Đây không phải là một công việc. Đó là một sự phục vụ”, một trong những nhà hoạt động ở Slavyansk cho hai phóng viên New York Times biết.

 

Được trang bị vũ khí cũ kỹ, lực lượng phòng vệ ở Slavyansk cho biết, họ đáng ra đã mua vũ khí mới nếu họ thực sự được ủng hộ về tài chính. Phóng viên của tờ New York Times cho biết, họ nhìn thấy vũ khí trong kho và tại các chốt chặn an ninh của lực lượng phòng vệ ở miền đông Ukraine đều là những loại vũ khí có từ thời những năm 1980 và 1990.

 

Các nhà hoạt động giải thích, họ đã mua một số vũ khí từ những binh lính tham nhũng của Ukraine và chiếm được một số khác từ những trụ sở cảnh sát mà họ chiếm đóng. Ngoài ra, lực lượng phòng vệ Slavyansk  còn tịch thu được một số vũ khí từ những chiếc xe bọc thép mà họ chiếm được của quân đội Ukraine .

 

“Phần lớn kho vũ khí của họ giống hệt với những vũ khí được nhìn thấy trong tay của binh lính Ukraine và của lực lượng đặc nhiệm thuộc Bộ Nội vụ Ukraine đang đứng gác tại một số căn cứ của chính phủ ở bên ngoài thành phố”, hai phóng viên của tờ New York Times cho biết trong một bài báo vừa được đăng tải hôm 3/5.

 

“Những vũ khí đó bao gồm súng lục Makarov loại 9 milli, súng trường tấn công Kalashnikov, một vài khẩu súng trường bắn tỉa Dragunov, súng máy hạng nhẹ RPK và một số rocket chống tăng vác vai, trong đó có những loại được dán mác sản xuất từ những năm 1980 và đầu những năm 1990.”

 

Người đứng đầu lực lượng phòng vệ của Slavyansk – ông Yury đã cười lặng lẽ trước cáo buộc của giới chức lâm thời ở Kiev và phương Tây về việc người Nga đang chiến đấu bên cạnh họ.

 

“Chúng tôi không có người Nga ở đây. Tôi có đủ kinh nghiệm chiến đấu”, ông Yury cho các phóng viên biết.

 

Nhiều trong số 119 thành viên của lực lượng phòng vệ thuộc Đại đội số 12 có tầm tuổi từ 20 đến 50 và từng phục vụ trong quân đội Xô-viết hoặc Ukraine ở cả bộ binh, không quân, đặc nhiệm hay phòng không. Ông Yury, trong tầm tuổi 50, cho biết, ông có 4 năm kinh nghiệm làm chỉ huy trong một đơn vị nhỏ của Xô-viết ở Kandahar , Afghanistan trong những năm 1980.

 

“Rõ ràng không có mối liên quan nào đến Nga trong kho vũ khí của Đại đội số 12”, hai phóng viên của tờ New York Times khẳng định.

 

Trong khi đến thăm các chốt chặn an ninh ở Slavyansk trong hơn một tuần, các phóng viên của tờ báo Mỹ cho biết, họ chủ yếu thấy lực lượng phòng vệ này nhận được sự giúp đỡ, hậu thuẫn từ những người dân địa phương. Người dân cung cấp cho họ lương thực.

 

“Đối với những người ở Kiev , chúng tôi là các phần tử ly khai và những kẻ khủng bố. Nhưng đối với người dân ở đây, chúng tôi là những người bảo vệ, những người bảo hộ cho họ”, ông Yury nói.

 

Người dân ở miền đông Ukraine đã thể hiện một sự “thiếu tin tưởng rất lớn” đối với chính quyền lâm thời ở Kiev . Họ cảm thấy bị đe doạ sau khi Kiev hồi tháng 2 đề nghị tước bỏ vị thế ngôn ngữ chính thức đối với tiếng Nga – thứ ngôn ngữ duy nhất mà hầu hết người dân trong khu vực đang sử dụng.

 

“Đó chính là thời điểm bước ngoặt”, ông Maksim – một trong những nhà hoạt động ở Slavyansk cho biết.

 

Đối với người Ukraine ở miền đông, nhiều trong số họ có mối quan hệ gắn bó mật thiết với Nga và có gia đình của họ đang sinh sống ở nước Nga, động thái của Kiev trong việc đòi huỷ bỏ vị thế chính thức của ngôn ngữ Nga là “một cuộc tấn công về văn hoá”.

 

“Tất cả đều thể hiện sự căm phẫn đối với giới chức cầm quyền ở Kiev ”, hai phóng viên của tờ New York Times cho hay.

 

Người miền đông Ukraine đã quyết định, ông Yury cho biết, nói thêm rằng họ đòi phải tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý và sẽ tiếp tục cuộc chiến nếu bị từ chối. Ông Yury còn cho biết, người dân trong khu vực đang bối rối, khó hiểu vì sự ủng hộ của phương Tây đối với cuộc đảo chính ở Kiev, trong khi trắng trợn phớt lờ quyền và ý kiến của người dân miền đông Ukraine.

 

“Tại sao người Mỹ lại ủng hộ những hành động đó nhưng lại phản đối chúng tôi. Có sự mâu thuẫn trong cách hành xử của phương Tây”, ông Maksim - một cựu lính dù cáo buộc.


Kiệt Linh - (theo RT)

Ý kiến bạn đọc