Tàu chiến Mỹ, Trung giáp mặt ở Biển Đông

09:21, 09/05/2014
|

(VnMedia) - Tàu USS Blue Ridge – tàu chỉ huy Hạm đội thứ Bảy của Mỹ, đã có cuộc đối đầu với hai tàu chiến của Hải quân Trung Quốc ở Biển Đông hôm 5/5. Thông tin này đã được xác nhận trên website chính thức của Lực lượng Hải quân Mỹ.
 

Ảnh minh họa

Ảnh được cung cấp trên website của Hải quân Mỹ


Theo tin từ Hải quân Mỹ cho biết, hai chiếc tàu chiến của Trung Quốc là Hengshui – một tàu khu trục lớp Type 054A, và Lanzhou – một tàu khu trục lớp Type 052C. Trong cuộc đối đầu, một chiếc trực thăng MH-60 Sea Hawk từ Đội Trực thăng Chiến đấu trên biển số 12 đã nhận được lệnh cất cánh từ bong tàu USS Blue Ridge để đi chụp ảnh hai chiếc tàu chiến của Trung Quốc. 4 trong số những bước ảnh này đã được đưa lên trên trang website của Hải quân Mỹ.
 
Được thiết kế như là một trong hai chiếc tàu chỉ huy lớp Blue Ridge của Hải quân Mỹ, tàu USS Blue Ridge đã bắt đầu được đưa vào phục vụ trong biên chế của hải quân năm 1970. Nhiệm vụ chính của con tàu này là chỉ huy, điều khiển, kiểm soát và hỗ trợ về hoạt động thông tin, tình báo và máy tính cho Chỉ huy và các sĩ quan cấp cao của Hạm đội 7 đóng tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Tàu chiến USS Blue Ridge đang được triển khai đến căn cứ của Hải quân Mỹ ở Yokosuka, Nhật Bản.
 
Vụ đối đầu giữa tàu chiến Mỹ, Trung mới nhất ở Biển Đông nói trên diễn ra chỉ vài tháng sau khi tàu Trung Quốc suýt đâm tàu Mỹ cũng ở vùng biển “sóng gió” này.
 
Hồi tháng 12 năm ngoái, Mỹ từng tố cáo rằng, một tàu của Hải quân Trung Quốc đã táo tợn tìm cách chặn một tàu tên lửa dẫn đường của Mỹ ở vùng lãnh hải quốc tế thuộc Biển Đông. Vụ việc này suýt biến thành một cuộc đụng độ nguy hiểm giữa tàu chiến của hai cường quốc hàng đầu thế giới.
 
Theo giới chức quốc phòng Mỹ, tàu tên lửa USS Cowpens của họ đang thực hiện nhiệm vụ giám sát tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc ở vùng lãnh hải quốc tế thì các tàu chiến của Trung Quốc ra lệnh cho tàu Mỹ không được đi tiếp.
 
Tuy nhiên, tàu USS Cowpens đã kiên quyết từ chối không theo lệnh của phía Trung Quốc bởi tàu của Mỹ đang hoạt động ở khu vực hoàn toàn là vùng lãnh hải quốc tế. Khi tàu Trung Quốc đáp trả bằng cách tiến ngay ra phía trước để chặn đầu tàu tên lửa Cowpens thì tàu Mỹ buộc phải chuyển hướng để tránh một cuộc đụng độ căng thẳng.
 
Giới phân tích tin rằng, những cuộc đối đầu mới nhất xảy ra giữa tàu chiến Mỹ và Trung Quốc cho thấy một thực tế rằng, sau hai thập kỷ tăng cường sự hiện diện của Hải quân, Trung Quốc đang cảm thấy không thoải mái và không muốn chấp nhận sự hiện diện của Mỹ trong khu vực mà họ coi là thuộc ảnh hưởng của họ.
 
Vụ đối đầu giữa tàu chiến Mỹ và Trung Quốc xảy ra ở Biển Đông đúng thời điểm khu vực này đang nóng bỏng hơn bao giờ hết vì hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam của phía Trung Quốc khi ngang nhiên đưa một dàn khoan khổng lồ vào vùng biển của Việt Nam. Không những thế, Trung Quốc còn trắng trợn đưa hàng chục chiếc tàu, trong đó có cả tàu quân sự, vào nơi này để quấy nhiễu, đâm phá các tàu Việt Nam.
 
Những hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng luật pháp Việt Nam cũng như luật pháp quốc tế của Trung Quốc đã vấp phải sự chỉ trích gay gắt của cộng đồng quốc tế và các học giả quốc tế.
 
Mỹ và Nhật Bản ngày hôm qua (8/5) đều lên tiếng bày tỏ sự quan ngại sâu sắc trước hành động thổi bùng ngọn lửa căng thẳng ở Biển Đông lên của phía Trung Quốc. Tokyo đã lên tiếng kêu gọi Bắc Kinh kiềm chế, không đưa ra những hành động “khiêu khích”.
 
"Chúng tôi quan ngại sâu sắc trước việc có thông tin nhiều tàu của Việt Nam bị đâm hỏng và một số người dân Việt Nam bị thương”, Tổng thư ký Nội các Nhật Bản – ông Yoshihide Suga cho các phóng viên ở thủ đô Tokyo biết.
 
"Chúng tôi quan ngại sâu sắc khi căng thẳng khu vực leo thang bởi việc Trung Quốc đơn phương thực hiện các hoạt động khoan thăm dò ở vùng biển tranh chấp” ở Biển Đông, phát ngôn viên hàng đầu của chính phủ Nhật Bản đã nói như vậy.
 
"Chúng tôi thừa nhận, hành động đó là một phần trong những động thái hàng hải đơn phương và mang tính khiêu khích của phía Trung Quốc”, ông Suga phát biểu.
 
Theo Tổng thư ký Nội các Nhật Bản, Trung Quốc nên giải thích với phía Việt Nam và cộng đồng quốc tế về việc họ hành động như vậy trên cơ sở nào. Ông Suga cũng nói thêm rằng, Nhật Bản rất mong muốn Trung Quốc ngừng ngay những động thái khiêu khích đồng thời “hành xử theo một cách kiềm chế”.
 
Về phía Mỹ, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ - ông Daniel Russel hôm qua đã có mặt ở Hà Nội. Ông này đã nói với các phóng viên rằng, Washington tin tưởng chắc chắn vào một điều rằng, tranh chấp chủ quyền cần phải được giải quyết “bằng biện pháp ngoại giao, phù hợp với luật pháp quốc tế”.
 
"Mỹ cực kỳ quan ngại trước bất kỳ cách hành xử nguy hiểm nào trên biển và chúng tôi phản đối bất kỳ hành động dọa dẫm nào của các tàu thuyền, đặc biệt trong những vùng tranh chấp.
 
"Nền kinh tế toàn cầu và khu vực quá quan trọng và quá mỏng manh. Vì thế, tất cả các nước trong khu vực cần phải kiềm chế, không có các hành động đơn phương có thể đe dọa hòa bình và gây căng thẳng”, ông Russel nói.
 
Trước đó, một loạt các quan chức Mỹ cũng lên án gay gắt hành động đưa dàn khoan vào vùng biển Việt Nam của Trung Quốc cũng như việc Trung Quốc đâm tàu Việt Nam, miêu tả đó là những hành động “nguy hiểm”, “khiêu khích” và là sự “dọa dẫm”.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc