(VnMedia) - Ukraine cần sự giúp đỡ trực tiếp về quân sự của Mỹ, ứng cử viên vừa giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống ở Ukraine đã nói như vậy. Phát biểu này được đưa ra khi mà một chiếc trực thăng của quân Kiev vừa bị bắn hạ ở miền đông. Người ta đang tự hỏi, liệu có phải tân Tổng thống Ukraine đang cầu cứu nước Mỹ.
Ông Poroshenko - người vừa giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống ở Ukraine hôm 25/5 vừa rồi |
Cú giáng mạnh vào quân đội Ukraine
Ngày hôm qua (29/5), lực lượng phòng vệ ở miền đông Ukraine đã bắn hạ một chiếc trực thăng của quân đội, khiến ít nhất 12 binh sĩ và một tướng của chính quyền lâm thời ở Kiev bị thiệt mạng. Đây được xem là một cú giáng mạnh thêm nữa vào lực lượng vũ trang Ukraine.
Tổn thất trên đã một lần nữa phơi bày năng lực yếu kém của quân đội Ukraine cũng như thách thức mà đội quân này phải đối mặt trong cuộc chiến với lực lượng phòng vệ ở miền đông Ukraine.
Trong những ngày gần đây, quân đội Ukraine đã đẩy cao chiến dịch quân sự đặt biệt ở miền đông Ukraine bằng cách sử dụng đạn súng cối và những cuộc không kích để chiếm lại các khu vực, gây thương vong cho dân thường và khiến nhiều người dân phải chạy trốn. Chiến thuật trên chưa đem lại kết quả gì mấy mà chỉ khiến người dân miền đông thêm phẫn nộ, chán ghét chính phủ lâm thời ở Kiev đồng thời nỗi quan ngại của họ cũng tăng lên.
"Họ đang bắn chúng tôi từ những máy phóng lựu. Chúng tôi nghe thấy một loạt tiếng nổ. Cửa sổ của nhà chúng tôi rung lắc liên tục. Tôi có 4 con nhỏ. Thật kinh hoàng khi ở lại đây bởi tôi lo sợ cho tính mạng của các con mình”, bà Olga Mikhailova cho biết. Bà này đã rời Slovyansk để bảo đảm an toàn cho gia đình.
Bộ Ngoại giao Nga đã lên án việc Kiev sử dụng máy bay và đạn pháo chống lại lực lượng phòng vệ ở miền đông. Moscow kêu gọi Kiev chấm dứt “cuộc chiến điên rồ ở miền đông và khởi động một cuộc đối thoại chính trị thực sự với tất cả các đảng phái và đại diện của các khu vực”.
Chiến dịch quân sự đặc biệt ở miền đông Ukraine của Kiev cũng vấp phải khó khăn gây ra từ sự thiếu kinh nghiệm cũng như thiếu phối hợp và liên lạc giữa các lực lượng. Đội quân của Kiev là một lực lượng gồm nhiều thành phần như binh lính, cảnh sát, thành viên của Lực lượng Bảo vệ Quốc gia vừa được thành lập và cả những tình nguyện viên.
"Khi họ có kinh nghiệm hơn, họ sẽ hoạt động hiệu quả hơn. Tuy nhiên, điều này đang bị hạn chế bởi sự thiếu hợp tác, thiếu tổ chức và thiếu phối hợp giữa các đơn vị”, ông Mykola Sungurovskiy – một nhà phân tích quốc phòng thuộc Trung tâm Razumkov ở Kiev, đã nhận định như vậy.
Sự thiếu phối hợp có thể được thấy rõ trong vụ ngày 23/5 khi lực lượng Ukraine bắn nhầm lẫn nhau, khiến 16 binh lính thiệt mạng.
Tinh thần của quân Kiev cũng là một vấn đề. Đài truyền hình NTV mới đây đã cho phát đi hình ảnh cha mẹ của những binh sĩ vừa nhập ngũ của Ukraine đã tụ tập ở bên ngoài trụ sở của Bộ Nội vụ Ukraine ở Luhansk để đòi đưa con họ trở về nhà.
Tinh thần của binh sĩ càng đi xuống khi mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng tạm quyền của Ukraine - ông Mykhailo Koval ra thông báo, không có binh lính nào tham gia chiến dịch ở miền đông Ukraine sẽ được luân phiên tham gia các hoạt động ở bên ngoài khu vực miền đông. Lý do mà ông Koval đưa ra là tình trạng thiếu nhân lực trong quân đội Ukraine.
Nhà phân tích chính trị Vladimir Fesenko cho rằng, sở dĩ quân đội Ukraine vừa rồi đẩy cao chiến dịch quân sự ở miền đông Ukraine bằng những hành động mạnh tay, quyết liệt như dùng chiến đấu cơ để thực hiện các cuộc không kích và dùng vũ khí hạng nặng để bắn phá là do giới chức quân sự đang tìm cách chứng minh năng lực làm việc hiệu quả của họ trước người vừa đắc cử tổng thống Ukraine – ông Poroshenko. “Các tướng lĩnh muốn thể hiện với ông Poroshenko rằng họ có thể làm việc hiệu quả hơn. Nếu chiến dịch ở Donbass không hiệu quả thì ông Poroshenko có thể sẽ thay thế họ khi lên cầm quyền”, ông Fesenko nhận định.
Trong lúc này, lại có một thông tin xấu nữa cho quân đội Ukraine khi Thị trưởng thành phố Slavyansk – ông Vyacheslav Ponomaryov hôm qua cho biết, khoảng 1.200 binh lính, 8 chiếc trực thăng và 15 xe bọc thép của quân đội Ukraine bị phá hủy khi tiến hành chiến dịch quân sự ở đây. Đây rõ ràng không phải là một tổn thất nhỏ đối với quân đội Ukraine.
"Theo thông tin mà chúng tôi có được, quân đội Ukraine đã chịu những tổn thất và mất mát như sau: 1.200-1.300 người bị thiệt mạng, 8 trực thăng và 15 xe bọc thép cùng với 3 khẩu pháo bị phá hủy. Họ đang chịu những tổn thất rất lớn. Tôi chỉ đang nói về những con số ở Slaviansk," ông Ponomaryov cho biết trong cuộc trả lời phỏng vấn đài phát thanh Baltkom của Latvia.
Tân Tổng thống Ukraine cầu cứu Mỹ?
Trong bối cảnh quân đội Ukraine không chứng minh được năng lực trong chiến dịch quân sự ở miền đông, ứng cử viên vừa đắc cử chức tổng thống – ông Poroshenko mới đây đã nói với tờ báo Washington Post của Mỹ rằng, Ukraine rất cần việc trợ và sự giúp đỡ trực tiếp về quân sự từ Mỹ.
“Bây giờ, chúng ta nên ký một thỏa thuận an ninh mới giống như kiểu hiệp ước Thuê-Mượn. Chúng ta nên hợp tác trong vấn đề trợ giúp về mặt kỹ thuật quân sự và cung cấp viện trợ. Chúng tôi sẵn sàng đấu tranh cho nền độc lập và chúng tôi nên xây dựng, củng cố lực lượng vũ trang Ukraine”, ông Poroshenko nhấn mạnh.
Sau khi “cầu cứu” Mỹ, tân Tổng thống Ukraine tiếp tục thể hiện sự thách thức đối với Nga. Tờ Washington Post dẫn lời ông Poroshenko cho rằng, các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga vì lập trường của nước này trong vấn đề Ukraine “là không đủ mạnh”.
“Thách thức đầu tiên của ông ấy sẽ là xây dựng lại một quân đội rệu rã, yếu kém của Ukraine trong khi cố gắng xóa bỏ mối đe dọa” từ cái mà ông Poroshenko gọi là sự can thiệp của Nga vào các sự kiện ở miền đông, tờ The Washington Post đã viết như vậy.
Kiệt Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc