Quan chức EU: “Hãy cẩn thận với Nga!”

15:51, 06/05/2014
|

(VnMedia) - Đây là lời cảnh báo được chính các quan chức trong Liên minh Châu Âu đưa ra ngày hôm qua (5/5) khi đánh giá triển vọng tương lai của khu vực trong bối cảnh căng thẳng với Nga đang leo thang vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
 

Ảnh minh họa

Cao uỷ Châu Âu về Các vấn đề Kinh tế-Tiền tệ - ông Siim Kallas


Tiếp tục gây căng thẳng với Nga có thể khiến tăng trưởng của khu vực Châu Âu bị ảnh hưởng trong năm nay và năm sau, Uỷ ban Châu Âu cảnh báo trong bản đánh giá mới nhất của cơ quan này.
 
"Việc gây căng thẳng thêm nữa với Nga có khả năng dẫn đến tình trạng cắt đứt nguồn cung cấp dầu mỏ, khí đốt với giá cả tăng cao, trong tình huống này, ảnh hưởng tiêu cực đối với một số quốc gia thành viên là rất lớn”, Uỷ ban Châu Âu cho biết.
 
Nga đang phải đối mặt với một loạt biện pháp trừng phạt của Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) vì cuộc khủng hoảng ngày một nghiêm trọng ở Ukraine. Giới lãnh đạo phương Tây đổ lỗi cho Moscow về tình hình bất ổn ở Ukraine dù Nga nhiều lần bác bỏ cáo buộc này.
 
Mỹ và Châu Âu mỗi bên đều áp dụng các biện pháp trừng phạt nhằm và một loạt cá nhân và công ty Nga. Trong khi đó, Nga cảnh báo, nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên cho Châu Âu có thể bị ảnh hưởng khi nước này xem xét khả năng cắt đứt nguồn vận chuyển khí đốt qua Ukraine – một tuyến đường cung cấp khi đốt chính cho Châu Âu.
 
Đề cập đến các biện pháp trừng phạt, Cao uỷ Châu Âu về Các vấn đề Kinh tế-Tiền tệ - ông Siim Kallas cho rằng, việc tung thêm các biện pháp trừng vào Nga có thể gây tổn thương nghiêm trọng đến chính nền kinh tế Châu Âu.
 
Tại một cuộc họp báo của Uỷ ban Châu Âu, ông Kallas cho hay, EU đang phân tích toàn diện và kỹ lưỡng về những hậu quả có thể xảy ra từ việc áp đặt các biện pháp trừng phạt thương mại và kinh tế nhằm vào Nga. Ông này nhấn mạnh, có 3 kịch bản có thể xảy ra và kịch bản tồi tệ nhất sẽ là những tổn thất, mất mát nghiêm trọng đối với nền kinh tế Châu Âu.
 
Tuy nhiên, Cao uỷ Châu Âu về Các vấn đề Kinh tế-Tiền tệ cũng chỉ ra rằng, trong trường hợp các biện pháp trừng phạt như thế được Nga áp dụng, ảnh hưởng của chúng đến nền kinh tế của các nước thành iên Châu Âu sẽ không giống nhau. Một số nước như Phần Lan hay Cyprus sẽ dễ bị tổn thương hơn trong khi các nước khác bị ảnh hưởng ở mức độ nhẹ hơn.
 
Theo ông Kallas, trong bối cảnh liên quan đến các biện pháp trừng phạt, Uỷ ban Châu Âu đang tổ chức nhiều cuộc thảo luận về sự phụ thuộc của EU vào Nga về vấn đề năng lượng. Tuy nhiên, ông Kallas nhớ lại rằng, những cuộc hội thảo tương tự đã được tổ chức nhiều lần kể từ năm 2006 khi Ukraine lần đầu tiên ngừng trung chuyển khí đốt từ Nga sang cho Châu Âu. Ông Kallas nhấn mạnh, các nước EU không chỉ tránh xem xét bất kỳ biện pháp trừng phạt nào nhằm vào ngành công nghiệp khí đốt của Nga mà ngược lại còn sợ chính phía Nga có thể giới hạn nguồn cung cấp khí đốt cho Châu Âu.
 
“Tôi không nghĩ bất kỳ người nào ở Nga muốn hạn chế cung cấp khí đốt. Nguồn thu nhập của Nga phụ thuộc khá nhiều vào doanh thu từ ngành khí đốt”, cao uỷ Châu Âu phát biểu.
 
Trong khi đó, một loạt doanh nghiệp và các công ty du lịch của Italia đang làm việc với Nga đã lên tiếng kêu gọi chính phủ nước này cũng như Liên minh Châu Âu hãy áp dụng các biện pháp ngoại giao khẩn cấp để ngăn chặn đổ máu ở Ukraine thay vì dùng đến biện pháp trừng phạt.
 
Trong bức thư có 43 chữ ký, các doanh nghiệp ở Italia đã nói rằng, Châu Âu cần phải đưa mọi việc vào tầm kiểm soát thông qua sáng kiến chính trị. “Lợi ích đầu tiên và trên hết của Châu Âu là duy trì hoà bình và sự ổn định trên lục địa của chúng ta”, bức thư viết.
 
“Liên bang Nga là một quốc gia lớn mà tất cả chúng ta đều cần duy trì mối quan hệ thân thiện cả về thương mai, kinh doanh cũng như trao đổi văn hoá. Nói đến việc thắt chặt hơn nữa các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga là một sai lầm, là điều không thích hợp trong thời đại hiện nay khi nền kinh tế các nước phụ thuộc vào nhau. Những biện pháp trừng phạt đó sẽ quay ngược lại trừng phạt lại chính Châu Âu”, bức thư của các doanh nghiệp Italia đã phân tích như vậy.
 
Theo các doanh nghiệp Italia, “đã đến lúc Châu Âu cần từ bỏ nỗ lực quay trở lại thời Chiến tranh Lạnh và mở ra một thời kỳ chính sách mới của Châu Âu, độc lập và thống nhất, có khả năng đóng vai trò dẫn dắt trong tiến tình hoà bình. Những nỗ lực ngoại giao và đối thoại giữa các bên liên quan là cách duy nhất để thoát ra khỏi tình hình hiện nay”.


Vân Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc