Phương Tây hứng “đòn đau” vì trừng phạt Nga?

09:43, 11/05/2014
|

(VnMedia) - Một báo cáo bí mật của Liên minh Châu Âu vừa đưa ra cảnh báo, những biện pháp trừng phạt về thương mại và kinh tế mà phương Tây đang nhăm nhe nhằm vào Nga có thể sẽ để lại hậu quả tiêu cực nghiêm trọng đến Đức – nền kinh tế lớn nhất khu vực.
 

Ảnh minh họa

Thủ tướng Đức Merkel (bên trái) và Tổng thống Pháp Hollande.


Theo bản báo cáo bí mật của Ủy ban Châu Âu bị lộ ra bên ngoài, ủy ban này đã đưa ra cảnh báo khiến người Đức phải giật mình. Đó là, nếu phương Tây thực sự tung ra những “đòn” trừng phạt kinh tế và thương mại nhằm vào Nga thì những “đòn” đó sẽ khiến cho tăng trưởng của nền kinh tế Đức sụt giảm gần 1% trong năm nay, đưa nền kinh tế lớn nhất Châu Âu này đến gần hơn với một sự suy thoái và để lại những hệ lụy đáng lo ngại cho khu vực đồng euro đang lao đao.
 
Báo cáo trên là một trong hàng loạt những đánh giá của Brussel về “cái giá” mà mỗi nước thành viên Liên minh Châu Âu (EU) phải trả cho việc phương Tây áp dụng những biện pháp trừng phạt mạnh tay hơn nhằm vào Nga. Những bản đánh giá này được bí mật gửi cho chính phủ các quốc gia Châu Âu ngay trước thềm Lễ Phục Sinh.
 
“Chính phủ các nước Châu Âu sau đó đã có câu trả lời để giúp Ủy ban Châu Âu vạch ra một chương trình cân bằng các biện pháp trừng phạt nhằm đảm bảo rằng những nước thành viên cụ thể như Đức không phải chịu một gánh nặng quá lớn”, một nhà ngoại giao Châu Âu tiết lộ.
 
Bản báo cáo của Ủy ban Châu Âu xem xét sự ảnh hưởng của 3 kịch bản khác nhau đối với các nền kinh tế Châu Âu. Ủy ban này đã phát hiện ra rằng, ảnh hưởng lớn nhất gây ra từ biện pháp trừng phạt đối với hoạt động xuất khẩu khí đốt và dầu mỏ của Nga sẽ là sự tăng trưởng GDP của Đức bị cắt giảm khoảng 0,9% trong năm nay và 0,3% trong năm sau. Theo dự báo gần đây nhất của Ủy ban Châu Âu, tăng trưởng của nền kinh tế Đức trong năm nay đạt khoảng 1,6% và 2% vào năm sau trong bối cảnh nền kinh tế khu vực euro hồi phục yếu ớt sau cuộc khủng hoảng.
 
Các biện pháp trừng phạt nhằm vào ngành năng lượng của Nga không được thảo luận hay bàn bạc công khai tại thời điểm này. Tuy nhiên, bản báo cáo của Ủy ban Châu Âu cảnh báo, trong kịch bản thứ hai, nếu áp đặt lệnh cấm nhập khẩu đối với các sản phảm khác của Nga và các tài khoản của Nga ở Châu Âu bị phong tỏa, điều này có thể sẽ khiến thăng trưởng của Châu Âu giảm 0,3% trong năm nay và 0,1% vào năm sau.
 
Bản báo cáo cảnh báo, ảnh hưởng lâu dài hơn đối với nền kinh tế Đức có thể còn nghiêm trọng hơn thế nhiều bởi ảnh hưởng gây ra đối với các nền kinh tế Đông Âu sẽ gây tổn hại đén mối quan hệ thương mại với Đức.
 
Bản báo cáo của Ủy ban Châu Âu đã nhấn mạnh đến lý do tại sao chính phủ của nữ THủ tướng Đức Angela Merkel đến nay vẫn chần chừ không ủng hộ việc tung ra những biện pháp trừng phạt mạnh tay hơn, quyết liệt hơn nhằm vào Nga bất chấp việc bà này cũng liên tục cảnh báo Nga về những “đòn trừng phạt” nghiêm khắc hơn.
 
Đức, Pháp tiếp tục cảnh báo Nga
 
Trong một diễn biến mới nhất, Pháp và Đức ngày hôm qua (10/5) tiếp tục lên tiếng đe dọa Nga về “hậu quả” nếu Moscow gây cản trở đối với cuộc bầu cử tổng thống ở Ukraine dự kiến diễn ra vào cuối tháng này. Đây cũng là động thái nhằm tăng cường sức ép về ngoại giao trước thềm cuộc trưng cầu dân ý diễn ra ở miền đông Ukraine mà phương Tây miêu tả là “bất hợp pháp”. Phương Tây lo ngại, cuộc trưng cầu dân ý dự kiến diễn ra ngày hôm nay ở đông Ukraine sẽ khiến đất nước Đông Âu này rơi vào tình trạng bị chia rẽ.
 
Trong một tuyên bố chung vừa được phát đi, Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã cho biết, họ nhất trí ủng hộ việc áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt mạnh tay hơn nhằm vào Nga, cụ thể là nhằm vào các ngành kinh tế then chốt của Nga như năng lượng, quốc phòng và tài chính, nếu Moscow cản trở tiến tình bầu cử ở Ukraine.
 
"Nếu cuộc bầu cử tổng thống được quốc tế công nhận ở Ukraine không diễn ra đúng kế hoạch vào ngày 25/5 tới, điều đó sẽ khiến tình hình  nước này thêm bất ổn. Pháp và Đức tin rằng, trong trường hợp đó, cần phải có hậu quả thích đáng. Chúng tôi đã sẵn sàng tung ra những biện pháp trừng phạt khắc nghiệt hơn nhằm vào Nga nếu cuộc bầu cử hôm 25/5 tới ở Ukraine thất bại”, nữ Thủ tướng Đức quyền lực đã nói như vậy tại một cuộc họp báo chung với Tổng thống Pháp Hollande ở cảng Baltic Stralsund.
 
Hai nhà lãnh đạo Đức, Pháp cũng kêu gọi các lực lượng an ninh ở Ukraine ngừng ngay cuộc tấn công nhằm vào lực lượng biểu tình ở các khu vực miền đông trước thềm cuộc bầu cử dự kiến vào cuối tháng này.
 
Lời cảnh báo trên cho thấy, có vẻ như phương Tây sẵn sàng mở rộng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Tuy nhiên, không rõ, sau bản báo cáo được tiết lộ ở trên về việc Đức sẽ hứng “đòn đau” nếu tung ra các biện pháp trừng phạt về kinh tế, thương mại nhằm vào Nga, liệu Thủ tướng Merkel có còn muốn thực hiện bước đi này nữa hay không.
 
Cuộc khủng hoảng ở Ukraine chứng kiến cuộc đối đầu Đông-Tây nghiêm trọng nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh đến giờ.
 
Mỹ và phương Tây liên tục đổ lỗi cho cho Moscow đã gây ra cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng ở Ukraine cũng như tình hình bất ổn ở miền đông Ukraine hiện giờ. Các nước này đã tung ra hai gói biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga đồng thời tung ra không ít lời cảnh báo, đe dọa nhằm vào giới lãnh đạo ở Moscow vì vấn đề Ukraine.
 
Đáp lại, Moscow thẳng thừng bác bỏ mọi lời cáo buộc trên. Nga cũng cáo buộc chính Kiev cùng với Mỹ và phương Tây là các lực lượng phải chịu trách nhiệm về tình hình rối loạn, bất ổn ở miền đông nam Ukraine hiện tại.
 
Mỹ đang tìm cách thuyết phục phương Tây tung ra những đòn trừng phạt kinh tế, thương mại nhằm vào Nga nhưng đây là điều mà giới học giả, phân tích và nhiều chính khách phương Tây phản đối gay gắt. Những người này hiểu rất rõ, hành động đó cũng sẽ chính là “đòn đánh” vào chính nền kinh tế Châu Âu.


Vân Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc