Nữ Thủ tướng Thái xinh đẹp buộc phải từ chức

14:16, 07/05/2014
|

(VnMedia) - Đúng như dự đoán, Tòa án Hiến pháp Thái Lan trưa nay (7/5) đã chính thức đưa ra phán quyết chống lại nữ Thủ tướng xinh đẹp Yingluck Shinawatra, buộc bà phải từ chức khi chưa hết nhiệm kỳ đầu tiên.

 

Ảnh minh họa

Nữ Thủ tướng đầu tiên của đất nước Thái Lan đã chính thức bị truất quyền bằng một phán quyết của Tòa án Hiến pháp


Phán quyết của Tòa án Hiến pháp Thái Lan nói rằng, Thủ tướng Yingluck đã hành động bất hợp pháp khi điều chuyển Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia. Theo đó, bà Yingluck sẽ phải từ chức vì tội lạm dụng quyền lực.

 

Phán quyết trên được đưa ra sau nhiều tháng trời Thái Lan rơi vào tình trạng bế tắc chính trị khi phe đối lập tiến hành các cuộc biểu tình gây sức ép đòi chính phủ của Thủ tướng Yingluck từ chức.

 

Lực lượng biểu tình chống chính phủ đã tìm cách lật đổ nữ Thủ tướng Yingluck từ hồi tháng 11 năm ngoái. Họ đã phát động một chiến dịch biểu tình kéo dài, phong tỏa thủ đô Bangkok .

 

Sau nhiều tháng trời gây sức ép bằng những cuộc biểu tình rầm rộ có cả bạo lực, phe đối lập vẫn không thể lật đổ được chính phủ của bà Yingluck. Một số người tin rằng, trong bối cảnh như thế, phe đối lập đã quay sang dùng đến các biện pháp khác, đó là “cuộc chiến pháp lý”. Liên tiếp sau đó, bà Yingluck phải đối diện với một loạt cáo buộc tham nhũng, lơ là trách nhiệm và lạm dụng quyền lực trong chương trình trợ cấp giá gạo và vấn đề điều chuyển cán bộ.


Bà Yingluck bị cáo buộc vi phạm hiến pháp trong việc điều chuyển ông Thawil Pliensri khỏi vị trí Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia năm 2011 nhằm làm lợi cho Đảng Pheu Thai của bà.

 

Ông Thawil đã bị điều chuyển khỏi vị trí trên hồi tháng 9 năm 2011, mở đường cho cảnh sát trưởng quốc gia Wichean lên thay thế ông này. Trong khi đó, ông Priewpan Damapong lên tiếp nhận vị trí cảnh sát trưởng quốc gia.

 

Một nhóm thượng nghị sĩ do ông Paiboon dẫn đầu đã đệ đơn kiện lên Tòa án Hiến pháp vụ việc điều chuyển ông Thawil sau khi Tòa án Tối cao Hành chính đưa ra phán quyết gây bất lợi cho bà Yingluck.

 

Xuất hiện tại tòa ngày hôm qua (6/5), Thủ tướng Yingluck bác bỏ cáo buộc trên, khẳng định đảng của bà chẳng được lợi lộc gì từ quyết định điều chuyển ông Thawil của bà. Nữ Thủ tướng khẳng định, bà đã thực hiện việc điều chuyển cán bộ theo đúng luật pháp, nói rằng bà chẳng làm điều gì sai trái trong khi thực hiện quyền hành của mình. Nữ Thủ tướng Thái Lan xinh đẹp cũng nhấn mạnh, bà không lạm dụng quyền lực bởi bà được phép theo luật pháp để điều chuyển các cán bộ trong bộ máy nhà nước.

 

Nữ Thủ tướng Yingluck cũng khẳng định, nội các của bà chẳng được lợi gì từ quyết định điều chuyển đó và rằng bà cũng không làm lợi cho bản thân từ việc bổ nhiệm ông Priewpan làm cảnh sát trưởng quốc gia.

 

Ông Priewpan là anh trai của bà Khunying Potjaman na Pombejra – vợ cũ của cựu Thủ tướng Thaksin. Theo lập luận của bà Yingluck, việc bổ nhiệm ông Priewpan không được thực hiện vì quyền lợi gia đình bà bởi thực tế là anh trai bà – ông Thaksin đã ly dị người vợ Khunying Potjaman khi quyết định điều chuyển cán bộ của bà được đưa ra.

 

Tuy nhiên, Tòa án Hiến pháp đã không đứng về phía Thủ tướng Yingluck.

 

"Vị thế của Thủ tướng đã chính thức chấm dứt. Bà Yingluck không thể tiếp tục cầm quyền”, một thẩm phán của Tòa án Hiến pháp Thái Lan đã tuyên bố như vậy.

 

Phán quyết trên của Tòa án Hiến pháp Thái Lan được cho là sẽ châm ngòi cho một cơn “bùng nổ” mới trên chính trường Thái Lan khi phe áo đỏ ủng hộ bà Yingluck tuyên bố sẽ biểu tình rầm rộ để phản đối đến cùng cái mà họ gọi là một “cuộc đảo chính pháp lý”.

 

Trước đó, phe áo đỏ nhiều lần tuyên bố sẽ chiến đấu đến cùng để bảo vệ Thủ tướng Yingluck.

 

Phe áo đỏ tin rằng, Tòa án Hiến pháp đang đứng về người biểu tình chống chính phủ và phán quyết vừa được đưa ra là do những phe nhóm chống chính phủ dàn xếp với quyết tâm lật đổ cho bằng được chính phủ của Thủ tướng Yingluck.

 

Năm 2008, tòa án từng truất quyền hai Thủ tướng thân Thaksin bằng các phán quyết của họ. Khả năng cao là bà Yingluck cũng phải chịu chung số phận như vậy. Vì thế, sẽ khó có thể tránh được việc phe áo đỏ ủng hộ chính phủ nghi ngờ tính công bằng của hệ thống tòa án Thái Lan. Lực lượng này luôn tin rằng, hệ thống tòa án Thái Lan luôn có định kiến với những chính phủ thân Thaksin.

Thái Lan đã ở trong vòng xoáy bất ổn chính trị kéo dài suốt 8 năm qua. Cuộc khủng hoảng này xuất phát từ cuộc đối đầu gay gắt và không khoan nhượng giữa một bên là lực lượng áo vàng chống cựu Thủ tướng Thaksin và bên kia là lực lượng áo đỏ ủng hộ ông này.
 
Mặc dù ông Thaksin đã rời xa chính trường và đã phải đi sống lưu vong ở nước ngoài kể từ sau khi ông bị lật đổ trong một cuộc đảo chính quân sự không đổ máu năm 2006 nhưng vị cựu chính khách này vẫn là một nhân vật đầy ảnh hưởng và quyền lực trên chính trường Thái Lan. Ông Thaksin là nguyên nhân chính gây ra sự chia rẽ sâu sắc trong xã hội Thái Lan ngày nay. Trong khi cựu Thủ tướng Thaksin bị các tầng lớp hoàng gia, trung lưu và thành thị ghét cay ghét đắng thì ông này lại rất được lòng người dân ở các vùng nông thôn. Nhờ một loạt chính sách dân túy làm lợi cho người dân nghèo, người dân nông thôn, ông Thaksin đã xây dựng cho mình một lực lượng ủng hộ rộng khắp, chiếm đa số trong dân chúng Thái Lan. Đó là lý do khiến ông cùng với các đồng minh của mình giành chiến thắng trong mọi cuộc bầu cử được tổ chức kể từ năm 2001 đến giờ.
 
Cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay ở Thái Lan được châm ngòi từ hồi tháng 11 năm ngoái. Lực lượng biểu tình (thực chất là phe áo vàng) đang dồn ép chính quyền của nữ Thủ tướng Yingluck để buộc bà này phải từ chức. Mục tiêu mà lực lượng biểu tình tuyên bố hướng tới là xóa sạch ảnh hưởng của ông Thaksin và gia đình Shinawatra ra khỏi chính trường Thái Lan.


Vân Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc