(VnMedia) - Trung Quốc và Nga đến thời điểm hiện tại vẫn chưa thể ký được thoả thuận khí đốt trị giá gần 400 tỉ USD mà cả hai nước đều mong muốn đạt được trong chuyến thăm của Tổng thống Vladimir Putin đến thủ đô Bắc Kinh đợt này.
Tổng thống Putin đang có chuyến thăm đến Trung Quốc. |
Các nhà đàm phán của hai nước đã không thể gạt bỏ được bất đồng trong vấn đề giá cả, một phát ngôn viên của Tổng thống Putin đã cho biết như vậy ở thành phố Thượng Hải. Điều này đồng nghĩa với việc thoả thuận khí đốt giữa Nga và Trung Quốc đã không được ký kết trong ngày hôm qua như nhiều người trong ngành công nghiệp khí đốt ở cả hai nước từng dự đoán.
Tuy nhiên, vẫn có cơ hội để hai nước trên có thể đạt được thoả thuận trước khi Tổng thống Putin chính thức rời Trung Quốc trong ngày hôm nay (21/5) hoặc có khả năng cao hơn là vào thời điểm diễn ra diễn đàn kinh tế ở thành phố St. Petersburg của Nga vào cuối tuần này.
Giải thích về việc chưa ký được hợp đồng khí đốt, ông Mao Zefeng - một phát ngôn viên của Tập đoàn Xăng dầu Quốc gia Trung Quốc – công ty dầu mỏ lớn nhất của nhà nước Trung Quốc, cho tờ Financial Times (Thời báo Tài chính) biết: "Chúng tôi sẽ không ký. Hiện tại, giá nhập khẩu và giá nội địa đang ngược nhau. Chúng tôi đang mất tiền vì nhập khẩu khí đốt và chúng tôi không thể mất tiền thêm nữa”.
Nếu ký được hợp đồng, Nga sẽ cung cấp tới 38 tỉ mét khối khí đốt cho Trung Quốc trong vòng 30 năm, bắt đầu từ năm 2018. Hợp đồng này đã được đàm phán trong thời gian kỷ lục kéo dài hơn một thập kỷ qua.
Moscow rất mong ký được hợp đồng khí đốt với Bắc Kinh bởi với hợp đồng trị giá lên tới gần 400 tỉ USD này, Nga có thể mở rộng thị trường, đa dạng hoá thị trường ngoài Châu Âu – khu vực đang đe doạ trừng phạt ngành khí đốt của Nga vì cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine.
Việc Nga và Trung Quốc đang tiến gần hơn tới việc ký kết một thoả thuận khí đốt "là một dấu hiệu chứng tỏ thực tế rằng Nga luôn luôn có các sự lựa chọn khác để phát triển những mối quan hệ ở các nơi khác. Mối đe doạ về sự cô lập mà phương Tây tung ra nhằm vào Nga sẽ không trọn vẹn được”, ông Sergei Utkin – chuyên gia chính trị tại Học viện Khoa học Nga, nhận định.
Nhu cầu giảm sự phụ thuộc của Nga vào thị trường xuất khẩu Châu Âu trong bối cảnh khủng hoảng chính trị ở Ukraine đã tạo thêm động lực cho Nga và Trung Quốc tăng tốc đàm phán về thoả thuận khí đốt mà họ đã kéo dài dai dẳng suốt bao năm qua.
"Các cuộc đàm phán đang diễn ra. Thoả thuận có thể được ký bất kỳ lúc nào”, phát ngôn viên của Tổng thống Putin – ông Dmitry Peskov cho hãng tin RIA Novosti biết. Nga và Trung Quốc hôm nay đã ký một loạt thoả thuận song phương nhưng trong đó chưa có thoả thuận khí đốt.
Mặc dù về mặt lý thuyết, vẫn có cơ hội để Nga và Trung Quốc ký thoả thuận khí đốt trong ngày hôm nay nhưng một số chuyên gia tỏ ra hoài nghi về điều đó. Bắc Kinh vẫn đang đòi Nga bán khí đốt cho họ với giá khí đốt thấp hơn mức giá mà Moscow cung cấp cho Châu Âu. Hiện Châu Âu đang mua khí đốt của Nga ở mức giá 380,5 USD/1.000 mét khối khí đốt.
"Tôi cho rằng, Tổng thống Nga và Trung Quốc sẽ không ký kết thoả thuận hợp đồng trong ngày hôm nay và đây là điều gây thất vọng”, ông Jonathan Stern – Chủ tịch Chương trình Nghiên cứu Khí đốt Tự nhiên ở Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford, cho biết.
Trung Quốc ủng hộ Nga trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine
Bất chấp sự thất vọng của cả Moscow và Bắc Kinh khi hai nước không ký được thoả thuận khí đốt mà họ chờ mong và xem là thứ có tính quan trọng sống còn đối với lợi ích kinh tế lâu dài của cả hai bên, Tổng thống Putin vẫn nhận được ủng hộ công khai hiếm hoi từ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong vấn đề cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Trong một tuyên bố được phát đi sau khi hai nhà lãnh đạo Putin và Tập Cận Bình gặp nhau, Nga và Trung Quốc đã kêu gọi làm dịu tình hình căng thẳng ở Ukraine và tìm kiếm “giải pháp chính trị, hoà bình để giải quyết những vấn đề đang tồn tại hiện nay” ở Ukraine. Cả Tổng thống Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình đều nói rằng, cuộc khủng hoảng ở Ukraine là “vấn đề nội bộ”.
Tuyên bố chung của Tổng thống Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình chứng tỏ Nga sẽ không bị cô lập trên trường quốc tế vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
"Cả hai bên đều nhấn mạnh đến sự cần thiết phải tôn trọng di sản lịch sử của các nước..., chống lại sự can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác và phản đối ngôn ngữ trừng phạt đơn phương”, tuyên bố chung của ông Putin và ông Tập Cận Bình đã nói như vậy.
Cuộc khủng hoảng ở Ukraine chứng kiến cuộc đối đầu Đông-Tây nghiêm trọng nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh đến giờ.
Mỹ và phương Tây liên tục đổ lỗi cho cho Moscow đã gây ra cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng ở Ukraine cũng như tình hình bất ổn ở miền đông Ukraine hiện giờ. Các nước này đã tung ra hai gói biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga đồng thời tung ra không ít lời cảnh báo, đe dọa nhằm vào giới lãnh đạo ở Moscow vì vấn đề Ukraine.
Đáp lại, Moscow thẳng thừng bác bỏ mọi lời cáo buộc trên. Nga cũng cáo buộc chính Kiev cùng với Mỹ và phương Tây là các lực lượng phải chịu trách nhiệm về tình hình rối loạn, bất ổn ở miền đông nam Ukraine hiện tại.
Mỹ đang tìm cách thuyết phục phương Tây tung ra những đòn trừng phạt kinh tế, thương mại nhằm vào Nga nhưng đây là điều mà giới học giả, phân tích và nhiều chính khách phương Tây phản đối gay gắt. Những người này hiểu rất rõ, hành động đó cũng sẽ chính là “đòn đánh” vào chính nền kinh tế Châu Âu.
Kiệt Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc