Mỹ trực tiếp cảnh cáo Trung Quốc vụ đưa giàn khoan vào biển Việt Nam

06:35, 14/05/2014
|

(VnMedia) - Ngày 12/5,Mỹ đã trực tiếp cảnh cáo Ngoại trưởng Trung Quốc rằng, việc nước này đưa một giàn khoan vào vùng biển của Việt Nam là “hành động khiêu khích”.

 

Ảnh minh họa

Ngoại trưởng Kerry


Trong cuộc điện đàm vừa diễn ra, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã nói với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị rằng, Mỹ thực sự “rất quan ngại” về những diễn biến gần đây ở Biển Đông.

 

Theo lời ông Kerry, “việc Trung Quốc đưa một giàn khoan cùng hàng loạt tàu của chính phủ nước này vào vùng biển tranh chấp với Việt Nam là một hành động khiêu khích”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ - bà Jen Psaki cho hay.

 

"Ông Kerry đã kêu gọi cả hai nước làm dịu căng thẳng, bảo đảm cho tàu thuyền hai bên hành động một cách an toàn ở trên biển và giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình theo luật quốc tế”.

 

Trong một phát biểu riêng rẽ khác được đưa ra tại một cuộc họp với Ngoại trưởng Singapore trước đó cùng ngày , ông Kerry đã thẳng thắng miêu tả hành động của Trung Quốc là “hung hăng, hiếu chiến”.

 

Đáp lại lời chỉ trích và cảnh báo của ông Kerry, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã kêu gọi người đồng cấp Mỹ “nói và hành động thận trọng” cũng như giữ lập trường “khách quan trong vấn đề”, một nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết.

 

Những chỉ trích thẳng thắn trên được Ngoại trưởng Kerry đưa ra trong bối cảnh Tổng Tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc bắt đầu có chuyến thăm đến Mỹ trong một nỗ lực nhằm tăng cường quan hệ hợp tác quân sự Mỹ-Trung và giảm căng thẳng hàng hải ở khu vực Châu Á.

 

Giới phân tích tin rằng, các cuộc tranh chấp ở Biển Đông có thể được đưa ra thảo luận trong chuyến thăm của Tổng Tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc Fang Fenghui đến Washington .

 

Giới chức Mỹ gần đây liên tục bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về hành động hung hăng và hiếu chiến của Trung Quốc ở vùng biển của Việt Nam .

 

6 thượng nghị sĩ của cả Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ Mỹ cách đây mấy ngày đã ra một tuyên bố, trong đó nói rằng, “hành động di chuyển dàn khoan và những động thái hung hăng, hiếu chiến sau đó của các tàu thuyền Trung Quốc là cực kỳ đáng lo ngại".

 

Trước đó, nghị sĩ Eliot Engel của New York – thành viên hàng đầu của Đảng Dân chủ trong Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, đã miêu tả hành động của Trung Quốc là “khiêu khích một cách không cần thiết”.

 

Sáng 9/5, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki đã phát đi một tuyên bố trong đó khẳng định, "quyết định của Trung Quốc trong việc đưa giàn khoan dầu cùng với nhiều tàu của chính phủ lần đầu đến vùng biển tranh chấp với Việt Nam là hành động khiêu khích và gây ra căng thẳng. Hành động đơn phương này là một phần trong kế hoạch hành động lớn hơn của Trung Quốc nhằm đẩy mạnh tuyên bố chủ quyền ở những khu vực lãnh thổ tranh chấp theo cách làm giảm hòa bình và ổn định trong khu vực. Chúng tôi cũng rất quan ngại về cách làm nguy hiểm này cũng như sự đe dọa của các tàu đang hoạt động trong khu vực này. Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên hãy hành động một cách thận trọng và chuyên nghiệp, duy trì tự do hàng hải, kiềm chế và giải quyết các tranh chấp chủ quyền một cách hòa bình và phù hợp với luật pháp quốc tế… Các quốc gia đang đòi hỏi chủ quyền cần phải chứng tỏ các tuyên bố của mình phù hợp với luật pháp quốc tế và đạt được thỏa thuận bằng cách cư xử và hành động phù hợp…".

 

Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf cũng miêu tả, việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng biển Việt Nam là một hành động khiêu khích và vô cùng nguy hiểm, nó có thể dẫn đến những tính toán sai lầm và kéo theo các hành động khiêu khích khác, làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông.

 

Hiện tại, Trung Quốc đang có những cuộc đối đầu nóng bỏng và quyết liệt với cả Việt Nam Philippines ở Biển Đông.

 

Hôm 1/5, Cơ quan chức năng Việt Nam đã phát hiện giàn khoan 981 và 3 tàu dịch vụ dầu khí của phía Trung Quốc di chuyển từ Tây Bắc đảo Tri Tôn (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) xuống phía Nam. Đến 16 giờ ngày 2/5, giàn khoan 981 được thả trôi tại tọa độ 15 độ 29’58” vĩ Bắc - 111 độ 12’06” kinh Đông, phía nam đảo Tri Tôn. Vị trí này nằm sâu trong thềm lục địa của Việt Nam 80 hải lý, cách đảo Lý Sơn 119 hải lý, cách bờ biển Việt Nam 130 hải lý.

 

Trung Quốc hạ đặt giàn khoan 981 để tiến hành khoan thăm dò thềm lục địa của Việt Nam và huy động hàng chục tàu bảo vệ đi cùng. Hiện nay, số lượng tàu của Trung Quốc bảo vệ giàn khoan có lúc lên cao nhất là gần 90 tàu, trong đó có nhiều tàu quân sự. Các tàu này đã cố tình đâm va, bắn vòi rồng vào các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam đang hoạt động chấp pháp tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam , làm bị thương một số thủy thủ và gây thiệt hại về tài sản cho phía Việt Nam .

 

Hành động bất chấp pháp luật Việt Nam, bất chấp luật pháp quốc tế, chà đạp lên mọi thỏa thuận, cam kết mà Trung Quốc đã đưa ra trước đó đã vấp phải sự phản đối gay gắt của cộng đồng quốc tế.

 

Trung Quốc đưa ra yêu sách đường 9 đoạn để đòi chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông. Đây là điều mà các nước có liên quan và ngay cả cộng đồng quốc tế cũng không thể chấp nhận.

 

Ngoài đối đầu căng thẳng với Việt Nam , Trung Quốc cũng đang “đấu” quyết liệt với Philippines ở Biển Đông. Mới đây nhất, giới chức Manila đã bắt giữ và buộc tội 9 ngư dân Trung Quốc vì tội xâm phạm vào vùng biển của họ.

 

Philippines đang trong quá trình đưa tranh chấp ở Biển Đông với Trung Quốc ra giải quyết tại tòa án quốc tế. Gần đây, Manila cũng ký một thỏa thuận an ninh mới với Mỹ, trong đó cho phép siêu cường số 1 thế giới tăng cường sự hiện diện quân sự ở lãnh thổ của quốc gia Đông Nam Á này. Thỏa thuận này được cho là một thông điệp mạnh mẽ của Manila nhằm vào Trung Quốc.

 

Sự thách thức của Manila đối với Bắc Kinh đã khiến báo giới Trung Quốc nổi giận đưa ra lời cảnh báo rằng, nếu Philippines còn tiếp tục thách thức họ thì nước này sẽ phải “trả một cái giá cực kỳ đắt”.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc