Mỹ, Đức đủ sức bắt Nga trả giá đến đâu?

13:16, 03/05/2014
|

(VnMedia) - Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Barack Obama hôm qua, 2/5, đã thể hiện một mặt trận thống nhất chống lại Nga trong vấn đề Ukraine, khi tuyên bố sẽ tung ra những biện pháp trừng phạt mà lâu nay Châu Âu vẫn ngần ngừ không muốn áp dụng với Moscow.
 

Ảnh minh họa

Thủ tướng Đức Merkel (bên trái) và Tổng thống Mỹ Obama


Hai nhà lãnh đạo Đức, Mỹ đã có cuộc họp báo chung ở Vườn Hồng của Nhà Trắng ở thủ đô Washington. Trong buổi họp báo này, ông Obama và bà Merkel đã cố gắng thể hiện mối đoàn kết xuyên Đại Tây Dương trước nước Nga vì cuộc khủng hoảng nghiêm trọng đang diễn ra ở quốc gia Đông Âu Ukraine.
 
Tổng thống Obama và Thủ tướng Merkel đều đồng loạt lên tiếng cảnh báo rằng, phương Tây đã sẵn sàng “phối hợp hành động” đề cùng lúc tung ra đòn trừng phạt “chí tử” nhằm vào các ngành công nghiệp then chốt của nền kinh tế Nga, nếu Moscow tiếp tục cái mà họ gọi là “chính sách gây bất ổn ở Ukraine”.
 
"Chúng tôi không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc tiến lên phía trước với những biện pháp trừng phạt thêm nữa, và mạnh tay hơn nữa” nếu Nga cản trở tiến trình bầu cử tổng thống ở Ukraine vào ngày 25/5 tới, ông chủ Nhà Trắng đã phát biểu như vậy tại cuộc họp báo chung với nữ Thủ tướng Đức Merkel.
 
"Chúng tôi tự tin rằng, chúng tôi sẽ có một gói trừng phạt có thể gây ảnh hưởng mạnh hơn nữa lên sự phát triển và nền kinh tế của nước Nga”, Tổng thống Obama cho biết đồng thời nói thêm rằng những biện pháp trừng phạt mới có thể nhằm mục tiêu vào các ngành năng lượng, vũ khí và tài chính của Nga.
 
Đồng tình với Tổng thống Mỹ, nữ Thủ tướng quyền lực Merkel tuyên bố, Liên minh Châu Âu (EU) đã sẵn sàng áp dụng một đợt trừng phạt mới đối với Nga với “rất nhiều khả năng”. Theo bà này, các biện pháp trừng phạt sắp tới sẽ thể hiện cho Moscow thấy rằng, “chúng tôi rất nghiêm túc trong những vấn đề thuộc về nguyên tắc”.
 
Nhấn mạnh đến kế hoạch bầu cử ở Ukraine vào ngày 25/5 tới, Thủ tướng Đức Merkel khẳng định quyết tâm để kế hoạch này được thực hiện suôn sẻ. Nhà lãnh đạo Đức cảnh báo, việc Moscow có tiếp tục gây bất ổn ở Ukraine hay không sẽ là động lực thúc đẩy phương Tây có hành động để áp dụng thêm các biện pháp trừng phạt nhằm vào nền kinh tế Nga. “Việc chúng tôi lựa chọn con đường nào sẽ phụ thuộc phần lớn vào Nga”, bà Merkel cho biết.
 
Sự kiện Tổng thống Obama và Thủ tướng Merkel thể hiện một mặt trận thống nhất chung chống lại Nga diễn ra đúng thời điểm khi đất nước Ukraine đang trượt sâu hơn vào viễn cảnh của một cuộc nội chiến và khi mối bất đồng giữa Nga với phương Tây về cuộc khủng hoảng ở quốc gia Đông Âu này đang ngày một bị khoét sâu hơn nữa.
 
Trước đó cùng ngày, các lực lượng an ninh Ukraine đã phát động một chiến dịch đặc biệt nhằm tấn công vào miền đông Ukraine. Nhiều người đã thiệt mạng và 2 chiếc trực thăng của quân đội Ukraine bị bắn rơi.
 
Nga đã lên án gay gắt chiến dịch trên, nói rằng nó đã phá tan mọi hy vọng cuối cùng về khả năng sống sót của thỏa thuận Geneva được ký kết hôm 17/4 giữa 4 bên gồm Nga, Mỹ, EU và Ukraine.
 
Cả Mỹ và EU hồi đầu tuần này đều đã tung ra các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga. Tuy nhiên, đến thời điểm này, giới chức Châu Âu vẫn hoài nghi và lo ngại về việc những biện pháp trừng phạt nhằm vào Moscow có thể gây phản tác dụng bởi Châu Âu đang phụ thuộc vào Nga trong vấn đề năng lượng.
 
Ngày hôm qua, cả Tổng thống Obama và Thủ tướng Merkel đều không cho biết cụ thể về việc họ đã lên kế hoạch như thế nào cho việc tung ra những biện pháp trừng phạt tiềm năng nhằm vào các nghành then chốt trong nền kinh tế Nga.
 
Liệu Mỹ, Đức đủ sức bắt Nga trả giá đến đâu?
 
Mặc dù Tổng thống Obama và Thủ tướng Merkel phát biểu rất hùng hồn về đòn trả đũa mạnh tay hơn nhằm vào Nga nhưng giới phân tích tin rằng, mong muốn của họ sẽ bị cản trở.
 
Sự kiện hai nhà lãnh đạo Mỹ, Đức thể hiện mặt trận thống nhất trong vấn đề Ukraine không đồng nghĩa với việc con đường tiến tới vòng trừng phạt sắp tới nhằm vào ngành công nghiệp năng lượng Nga sẽ diễn ra suôn sẻ. “Trong khi ông Obama và bà Merkel hôm nay đã cố gắng hát chung một bản nhạc nhưng họ sẽ không hoàn toàn đồng điệu trong việc tung ra các biện pháp trừng phạt nhằm vào Moscow”, ông Michael Desch – một nhà khoa học chính trị chuyên về an ninh quốc tế và chính sách đối ngoại của Mỹ ở trường Đại học Notre Dame, đã nhận định như vậy.
 
Mỹ và EU tập trung vào các nhóm người khác nhau trong những vòng trừng phạt ban đầu của họ. Trong khi Mỹ hướng mục tiêu vào những quan chức mà họ miêu tả là “thành phần tâm phúc của Tổng thống Putin” thì EU lại thích lựa chọn mục tiêu là các nhân vật quân sự mà họ nghi ngờ đóng vai trò nào đó trong những hành động của Nga ở Ukraine.
 
Hàng loạt công ty ở Châu Âu có mối quan hệ làm ăn với Nga, có lợi ích kinh tế to lớn ở Nga đang lên tiếng phản đối gay gắt việc EU có ý định áp dụng những biện pháp trừng phạt mạnh tay hơn nhằm vào Moscow.
 
Chính phủ của Thủ tướng Merkel thực sự đang phải đối mặt với áp lực to lớn từ những tập đoàn kinh tế lớn nhất nước Đức. Họ đều đồng loạt kêu gọi Berlin không áp dụng thêm các bước đi thêm nữa nhằm làm tổn hại đến lợi ích của họ ở Nga.
 
Bà Merkel đã phải mang theo một thông điệp rõ ràng từ giới doanh nhân Đức khi đến Nhà Trắng, đó là không tung thêm biện pháp trừng phạt nào thêm nữa nhằm vào Nga.
 
Có thể kể ra ở đây vài cái tên của những tập đoàn kinh tế lớn nhất của Đức phản đối trừng phạt Nga như tập đoàn hóa chất khổng lồ BASF; tập đoàn công nghệ-kỹ thuật nổi tiếng Siemens; tập đoàn Volkswagen; Adidas và Deutsche Bank.
 
Dưới áp lực lớn như trên, người ta tin rằng, lập trường của Đức trong việc tung ra những biện pháp trừng phạt gây tổn hại đến Nga hầu như không thay đổi.
 
Một số nguồn tin nội bộ tiết lộ, khi cuộc khủng hoảng Ukraine ngày một trầm trọng, giới chức của Đức đã liên tiếp nhận được những cú điện thoại từ giới doanh nhân kêu gọi chính phủ không trừng phạt Nga để không làm tổn hại đến lợi ích của họ ở nước này.
 
Không chỉ các doanh nhân mà bản thân nhiều chính khách Châu Âu cũng từng lên tiếng cảnh báo, việc áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga sẽ gây tổn hại cho chính Châu Âu. Nga và Châu Âu có mối quan hệ kinh tế gắn bó chặt chẽ với nhau. Hơn nữa, Châu Âu còn phụ thuộc lớn vào nguồn cung cấp năng lượng từ Nga.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc