Không dung thứ hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông

07:51, 12/05/2014
|

(VnMedia) - Cộng đồng quốc tế không bao giờ chấp nhận cũng không dung thứ cho các hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông, tờ báo Yomiuri Shimbun của Nhật Bản đã viết như vậy trong bài báo được đăng tải trên số ra ngày hôm qua (11/5).
 

Ảnh minh họa

Tàu Trung Quốc hung hăng bắn vòi rồng vào tàu Việt Nam ở ngay giữa vùng biển thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam.


Các tàu tuần tra của Trung Quốc và Việt Nam đang đối đầu gay gắt ở Biển Đông, tạo ra một tình huống có thể bùng nổ thành một cuộc xung đột quân sự nếu bất kỳ bên nào có một bước đi sai lầm. Vì thế, theo tờ báo của Nhật Bản, việc hai bên kiềm chế là điều rất quan trọng.
 
Trong những ngày qua, nhiều tàu của Trung Quốc đã ngang nhiên và trắng trợn đâm vào tàu Việt Nam ở ngay giữa vùng biển của Việt Nam ở gần quần đảo Trường Sa thuộc Biển Đông. Một số thủy thủ Việt Nam đã bị thương.
 
Tình trạng trên được châm ngòi từ việc Trung Quốc ngang ngược đưa một giàn khoan dầu khổng lồ được gọi là  HD 981 vào vùng biển của Việt Nam. Hung hăng hơn, Trung Quốc còn kéo hàng chục tàu, trong đó có cả tàu quân sự, vào vùng biển Việt Nam để bảo vệ cho hoạt động phi pháp của giàn khoan HD 981.  
 
Tổng thư ký nội các Nhật Bản Yoshihide Suga miêu tả các hoạt động khoan thăm dò dầu mỏ của Trung Quốc là “một bước tiến khiêu khích và đơn phương” của Trung Quốc trong tranh chấp ở Biển Đông trong khi phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định, động thái của Trung Quốc làm dấy lên căng thẳng trong khu vực.
 
Dĩ nhiên là cộng đồng quốc tế buộc phải lên án Trung Quốc bởi nước này có lỗi trong tình hình hiện nay ở Biển Đông, tờ Yomiuri Shimbun đã viết như vậy.
 
Trung Quốc khăng khăng đòi chủ quyền theo yêu sách “đường 9 đoạn”. Đường 9 đoạn gần như bao trọn toàn bộ Biển Đông. Tuy nhiên, yêu sách này chẳng có bất kỳ cơ sở pháp lý nào theo luật pháp quốc tế cũng chẳng được bất kỳ nước nào có liên quan công nhận, tờ báo của Nhật Bản nhấn mạnh.
 
Hành động khoan thăm dò dầu khí không phải là hành động đầu tiên của Trung Quốc nhằm làm thay đổi thế nguyên trạng ở Biển Đông. Trong một động thái tương tự, Trung Quốc từng đòi các tàu cá nước ngoài phải xin phép giới chức nước họ để vào hoạt động ở Biển Đông. Hành động ngang ngược, độc đoán của Trung Quốc cũng được thấy rõ trong những vụ việc như tàu Trung Quốc chặn tàu Mỹ hay tàu Philippines, gây cản trở cho hoạt động tự do hàng hải, tờ báo của Nhật Bản thẳng thừng chỉ trích.
 
Theo tờ Yomiuri Shimbun, với nguyện vọng trở thành một cường quốc hàng hải, Trung Quốc cũng đang thúc đẩy thực hiện các dự án phát triển dầu khí ở biển Hoa Đông, thách thức lập trường của Nhật Bản và đơn phương lập ra vùng nhận diện phòng không ở khu vực này. Hành động của Trung Quốc ở cả Biển Đông và biển Hoa Đông không bao giờ được dung thứ.
 
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tái khẳng định chính sách chuyển hướng trọng tâm vào Châu Á trong chuyến thăm đến khu vực này hồi tháng 4 vừa rồi. Cùng với chuyến công du này, một thỏa thuận quân sự giữa Mỹ và Philippines đã được ký kết, mở dudongf cho quân đội Mỹ vào đóng tại chính nước này. Chúng tôi xem đó là một diễn biến có ý nghĩa, tờ báo của Nhật Bản cho hay.
 
Hồi đầu tháng này, tàu tuần tra Philippinese đã bắt một tàu cá của Trung Quốc đang hoạt động bất hợp pháp ở Biển Đông. Theo tờ Yomiuri Shimbun, Philippines có thể đã không hành động mạnh mẽ như vậy nếu như nước này không củng cố mối quan hệ liên minh với Mỹ.
 
Không còn nghi ngờ gì nữa, việc củng cố mối quan hệ liên minh giữa Mỹ và Châu Á cùng với các nước Thái Bình Dương, trong đó có Mỹ-Nhật Bản, Mỹ-Australia và Mỹ-Philippines, sẽ là lực lượng răn đe hiệu quả nhất đối với  Trung Quốc, tờ báo của Nhật Bản đã khẳng định như vậy.
 
Cộng đồng quốc tế cũng nên đặt ra các quy định quốc tế dựa trên pháp quyền và đưa Trung Quốc vào khuôn khổ những luật lệ đó.
 
Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á và Trung Quốc đã bắt đầu đàm phán về một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông nhằm mục tiêu tạo ra những quy định có tình ràng buộc về mặt pháp lý để các nước hành động theo đó. Việc cộng đồng quốc tế ủng hộ nỗ lực tìm kiếm một bộ quy tắc ứng xử như thế là điều rất quan trọng, tờ Yomiuri Shimbun nói thêm.
 
Hôm 1/5, Cơ quan chức năng Việt Nam đã phát hiện giàn khoan HD 981 và 3 tàu dịch vụ dầu khí của phía Trung Quốc di chuyển từ Tây Bắc đảo Tri Tôn (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) xuống phía Nam. Đến 16 giờ ngày 2/5, giàn khoan HD 981 được thả trôi tại tọa độ 15 độ 29’58” vĩ Bắc - 111 độ 12’06” kinh Đông, phía nam đảo Tri Tôn. Vị trí này nằm sâu trong thềm lục địa của Việt Nam 80 hải lý, cách đảo Lý Sơn 119 hải lý, cách bờ biển Việt Nam 130 hải lý.
 
Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD 981 để tiến hành khoan thăm dò thềm lục địa của Việt Nam và huy động nhiều tàu bảo vệ đi cùng. Hiện nay, số lượng tàu của Trung Quốc bảo vệ giàn khoan có lúc lên cao nhất đã là 80 tàu, trong đó có cả tàu quân sự. Các tàu này đã cố tình đâm va vào các tàu thực thi pháp luật gồm tàu cảnh sát biển và tàu kiểm ngư của Việt Nam đang hoạt động chấp pháp tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, làm bị thương một số thủy thủ và gây thiệt hại về tài sản cho phía Việt Nam.
 
Một loạt hành động ngang ngược và vi phạm luật quốc tế cũng như luật pháp Việt Nam nói trên của Trung Quốc ở Biển Đông đang vấp phải sự phản đối liên tiếp và dồn dập không chỉ của dư luận, cộng đồng quốc tế mà còn cả các học giả, giới phân tích và quan sát trên thế giới.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc