Không cho phép Trung Quốc tiếp cận vùng khai thác của Việt Nam

09:24, 08/05/2014
|

(VnMedia) - Về câu hỏi liệu Trung Quốc có lấn tới tiếp cận các khu vực mà Việt Nam đang khai thác hay không, ông Đỗ Văn Hậu, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam cho hay, "tất cả những khu vực chúng ta đang khai thác dầu khí đều nằm trong thềm lục địa của Việt Nam, hầu hết đang nằm sâu trong vùng biển Việt Nam. Chúng tôi tin rằng, với lực lượng bảo vệ của chúng ta, Việt Nam sẽ không cho phép Trung Quốc tiếp cận những nơi mà chúng ta đang khai thác trong bất luận trường hợp nào”. 
 

Ảnh minh họa

Trung Quốc đang hung hăng dùng cả tàu và máy bay để uy hiếp tàu thuyền Việt Nam


Trong khi đó, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Hải quân Việt Nam có kế hoạch gì liên quan đến việc Trung Quốc hạ đặt dàn khoan HD 981 trong vùng biển của Việt Nam, ông Ngô Ngọc Thu, Phó Tư lệnh Tham mưu trưởng, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, hôm qua (7/5) cho biết đến thời điểm này, Hải quân Việt Nam chưa tham gia vào tranh chấp với Trung Quốc và hiện Hải quân Việt Nam cũng chưa có mặt trực tiếp tại thực địa.

Về câu hỏi liệu Việt Nam có bất ngờ khi Trung Quốc đưa dàn khoan HD 981 vào vùng biển Việt Nam hay không, ông Ngô Ngọc Thu trả lời: “Chúng tôi đã theo dõi và giám sát rất chặt hoạt động di chuyển của HD 981. Tuy nhiên, theo Công ước quốc tế về Luật Biển thì các tàu thuyền, phương tiện nổi được quyền di chuyển bình thường ở các vùng đặc quyền kinh tế. Chỉ khi nào dàn khoan đó hạ đặt và tiến hành khoan thăm dò thì mới là hành động vi phạm pháp luật”.
 
Việc Trung Quốc hạ đặt dàn khoan và đưa tàu thuyền vào vùng biển của Việt Nam là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam. Việt Nam sẽ kiên quyết đấu tranh trên cơ sở đảm bảo hòa bình, an ninh khu vực, và khi cần sẽ có các biện pháp thiết thực, Phó Tư lệnh Tham mưu trưởng, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam tuyên bố.
 
Về vấn đề liệu Trung Quốc đã thực sự khoan thăm dò dưới đáy biển Việt Nam hay chưa, ông Ngô Ngọc Thu cho biết, cho đến thời điểm này, dàn khoan HD 981 của Trung Quốc đã được định vị ở vị trí nằm sâu trong thềm lục địa Việt Nam và và hiện nay, sau định vị, dàn khoan của Trung Quốc đang tiến hành tác nghiệp, làm các thủ tục chuẩn bị để tiến tới khoan thăm dò.
 
“Trước đây, Trung Quốc đã nhiều lần tiến hành thăm dò ở khu vực này và chúng ta đã kiên quyết đấu tranh, buộc Trung Quốc phải rút tàu. Trung Quốc cũng từng thuê dàn khoan của các nhà thầu nước ngoài đến để tiến hành khoan thăm dò ở vùng biển Việt Nam. Chúng ta đã đấu tranh quyết liệt, kể cả gặp trực tiếp nhà thầu đó để đấu tranh nên chưa xảy ra việc Trung Quốc khoan thăm dò trên vùng biển của Việt Nam”, ông Ngô Ngọc Thu cho hay.
 
Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên Trung Quốc đưa dàn khoan tự chế của họ đến tiến hành khoan thăm dò ở vùng biển Việt Nam”, ông Ngô Ngọc Thu cho biết đồng thời nhấn mạnh “chúng ta sẽ phải quyết tâm đấu tranh bằng mọi biện pháp để bảo vệ các quyền và lợi ích của chúng ta Chúng ta theo đuổi các biện pháp hòa bình, trong đó ưu tiên đàm phán, thương lượng với các bên liên quan”
 
Rõ ràng, diễn biến tình hình phức tạp vừa qua ở Biển Đông đã đặt ra thách thức đối với vai trò của Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2002 (DOC) trong việc xử lý các tranh chấp ở Biển Đông. Do vậy, Việt Nam kêu gọi tất cả các bên cần triệt để tuân thủ các quy định trong tuyên bố DOC vì hòa bình, ổn định và sự phát triển trong khu vực. Đối với Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC), Việt Nam chia sẻ quan điểm chung của các nước ASEAN là cần phải có một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông có tính ràng buộc pháp lý và điều chỉnh toàn diện các khía cạnh xung quanh tranh chấp ở Biển Đông vì hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực trên cơ sở quyền và lợi ích chính đáng của các quốc gia ven biển, tuân theo luật quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982. Việt Nam hoan nghênh và tích cực tham gia vào nỗ lực chung của các nước để thúc đẩy việc thông qua COC
 
Cũng tại cuôc họp báo chiều ngày hôm qua, ông Trần Duy  Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia, Bộ Ngoại giao, đã phát biểu: “Việt Nam là một đất nước yêu chuộng hòa bình. Chúng ta đã trải qua rất nhiều cuộc chiến tranh. Chúng ta mong hòa bình và kiên trì theo đuổi các biện pháp hòa bình. Tất nhiên, vấn đề chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng với mỗi dân tộc, nhất là với dân tộc Việt Nam, cho nên Việt Nam sẽ phải sử dụng tất cả các biện pháp được quy định bởi Hiến chương Liên Hợp Quốc để bảo vệ chủ quyền của mình”.
 
Trả lời câu hỏi của phóng viên Đức về việc liệu Việt Nam có theo gương Philippines kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế hay không, ông Trần Duy Hải cho biết: "Việt Nam kiên định sử dụng mọi biện pháp hòa bình, không loại trừ biện pháp nào. Tất cả các biện pháp hòa bình đều có thể được sử dụng và chúng ta ưu tiên đàm phán, thương lượng".
 
Liên quan đến việc phía Trung Quốc cáo buộc, Lực lượng Vũ trang Việt Nam hôm qua khống chế một số ngư dân của nước này, phía Việt Nam khẳng định, các lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam không hề bắt giữ, khống chế bất kỳ đối tượng Trung Quốc nào.
 
Khi sự việc căng thẳng liên quan đến dàn khoan HD 981 xảy ra, Việt Nam và Trung Quốc đã sử dụng đường dây nóng cấp cao giữa hai nước để giải quyết các vấn đề trên biển, ông Trần Duy Hải cho hay. Việt Nam cũng đã thông báo với các nước khác, các nước ASEAN về diễn biến này. Các nước đều bày tỏ sự quan ngại trước hành động của Trung Quốc.
 
Về câu hỏi liệu Trung Quốc có lấn tới tiếp cận các khu vực mà Việt Nam đang khai thác hay không, ông Đỗ Văn Hậu, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam cho hay, "tất cả những khu vực chúng ta đang khai thác dầu khí đều nằm trong thềm lục địa của Việt Nam, hầu hết đang nằm sâu trong vùng biển Việt Nam. Chúng tôi tin rằng, với lực lượng bảo vệ của chúng ta, Việt Nam sẽ không cho phép Trung Quốc tiếp cận những nơi mà chúng ta đang khai thác trong bất luận trường hợp nào”.
 
Ở vị trí mà dàn khoan HD 981 của Trung Quốc đang hạ đặt, Việt Nam đã thăm dò từ những năm 1970 (từ thời Việt Nam cộng hòa) nhưng chưa có phát hiện gì, ông Hậu cho biết. Đây là vùng nước sâu, nếu có phát hiện gì thì để khai thác đòi hỏi phải vượt qua rất nhiều khó khăn về mặt kỹ thuật và xây dựng cơ sở hạ tầng cũng như rất tốn kém. Khai thác vùng nước sâu là mục tiêu của chúng ta trong tương lai lâu dài. “Chúng tôi không tin rằng, trong tương lai gần có thể khai thác được gì ở khu vực này”.
 
Ông Hậu cũng nhắc lại việc Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã gửi thư phản đối tới Tập đoàn dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC),  yêu cầu dừng ngay mọi hoạt động trái phép trên thềm lục địa Việt Nam.


Hải Yến

Ý kiến bạn đọc