Khi Trung Quốc bị thách thức chưa từng có

07:56, 31/05/2014
|

(VnMedia) - Thủ tướng Shinzo Abe hôm qua (30/5) đã thể hiện sự thách thức chưa từng có đối với Trung Quốc khi tuyên bố thúc đẩy tiến trình để Nhật Bản có thể đóng một vai trò lớn hơn trong an ninh khu vực đồng thời khẳng định chắc nịch rằng Tokyo sẽ “giúp đỡ, hậu thuẫn ở mức cao nhất” cho các nước Đông Nam Á, nhiều trong số này đang có tranh chấp hàng hải quyết liệt với Trung Quốc.

 

Ảnh minh họa

Thủ tướng Abe


Trung Quốc đòi chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông, bác bỏ mọi đòi hỏi chủ quyền chính đáng và phù hợp với luật pháp quốc tế của các nước láng giềng như Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Vùng lãnh thổ Đài Loan ở khu vực này. Những hành động ngày một hung hăng và quyết liệt của Trung Quốc ở Biển Đông đã biến tranh chấp ở khu vực này trở thành một trong những cuộc tranh chấp khó giải quyết nhất và tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ bùng nổ thành xung đột vũ trang.

 

Bắc Kinh còn có tranh chấp cả với Nhật Bản xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông.

 

Trong bài diễn văn chính tại Diễn đàn Đối thoại an ninh Shangri-La – nơi quy tụ các quan chức và chuyên gia an ninh hàng đầu của khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, Thủ tướng Abe đã nhấn mạnh việc các nước cần phải tôn trọng luật pháp quốc tế - điều mà Trung Quốc thường bị chỉ trích vì có lập trường hung hăng về mặt quân sự.

 

Trong khi thông báo quyết định về việc phái các tàu của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản đến Việt Nam, Philippines và Indonesia, Thủ tướng Abe nhấn mạnh, Nhật Bản “có kế hoạch tìm kiếm một vai trò tích cực hơn và chủ động hơn” trong khu vực. Cùng với đó, ông Abe đã đưa ra một lời cảnh báo ngầm nhưng đầy mạnh mẽ về những hành vi gần đây của Trung Quốc trong các cuộc tranh chấp hàng hải. "Nhật Bản sẽ cung cấp sự giúp đỡ, hậu thuẫn ở mức tối đa cho những nỗ lực của các quốc gia thành viên của Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) khi họ tìm cách bảo đảm an ninh các vùng biển và bầu trời cũng như duy trì sự tự do hàng hải và tự do bay trên bầu trời của các nước khác”, Thủ tướng Abe đã nói như vậy tại diễn đàn.

 

Bài diễn văn quan trọng trên của ông Abe là bài phát biểu đầu tiên của một nhà lãnh đạo Nhật Bản tại diễn đàn Shangri-La. Nó được đưa ra trùng với thời điểm ông Abe đang nỗ lực tháo bỏ dần những hạn chế xung quanh hiến pháp hòa bình của Nhật Bản – một hiến pháp không cho phép quân đội hoạt động ở bên ngoài kể từ sau cuộc Chiến tranh Thế giới thứ II.

 

"Nhật Bản dự định đóng một vai trò lớn hơn nữa và chủ động hơn trong việc tạo dựng và củng cố hòa bình ở Châu Á cũng như thế giới", Thủ tướng Abe, 59 tuổi, phát biểu. Ông này đã lên cầm quyền hồi năm 2012 trong một nhiệm kỳ thứ hai đầy hiếm hoi. Bất chấp những quá khứ ám ảnh về thời chiếm đóng của phát xít Nhật đối với phần lớn Đông Nam Á, nhiều nước trong khu vực hiện tại được cho là sẽ hoan nghênh, hưởng ứng nhiệt liệt với thông điệp mang đầy tính thách thức và cảnh báo đối với Trung Quốc của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Lý do là bản thân nhiều nước ở Đông Nam Á đang cực kỳ quan ngại về lập trường quyết liệt và hung hăng của Trung Quốc trong thời gian qua.

 

Mỹ cũng ủng hộ lập trường của Nhật Bản. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu Liên quân Mỹ - Tướng Martin Dempsey đã có một cuộc gặp ngắn với Thủ tướng Abe trước khi ông này có bài phát biểu quan trọng ngày hôm qua.

 

Bộ trưởng Hagel cho biết, ông mang đến những lời chúc tốt đẹp nhất từ Tổng thống Barack Obama và nói thêm rằng: "Chúng tôi ủng hộ mạnh mẽ những gì các bạn đang làm để thúc đẩy sáng kiến của các bạn”, ông chủ Lầu Năm Góc đã nói như vậy trong cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Bản.

 

Tại diễn đàn Shangri-La, người ta đã chứng kiến cuộc khẩu chiến qua lại giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Quan hệ giữa hai nước này đang rơi vào giá lạnh vì cuộc tranh chấp ở biển Hoa Đông cũng như sự ám ảnh về thời Nhật Bản chiếm đóng Trung Quốc. Phái đoàn Trung Quốc đến diễn đàn Shangri-La đã lập luận rằng, Nhật Bản đang gây ra một mối nguy cơ lớn hơn cho an ninh khu vực khi lmaf quá lên về mối đe dọa từ những cuộc tranh chấp hàng hải của các nước với Trung Quốc.

 

"Ông ấy (Thủ tướng Abe) đã cố làm cho nó trở thành vấn đề lớn hơn. Điều đó có nghĩa là Trung Quốc với tư cách là một quốc gia đang gây ra mối đe dọa đối với Nhật Bản với tư cách là một quốc gia”, bà Fu Ying – Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Trung Quốc đã nói như vậy trong một cuộc tranh luật trước khi Thủ tướng Abe đọc diễn văn.

 

"Và sau đó, bằng cái cớ đó, Nhật Bản tìm cách sửa đổi chính sách an ninh của Nhật Bản, điều đó gây lo ngại cho khu vực và cho Trung Quốc”, bà Fu nói.

 

Tuy nhiên, thực tế là chính Trung Quốc đang gây lo ngại cho khu vực. Hồi đầu tháng này, Trung Quốc đã ngang nhiên đưa một giàn khoan khổng lồ vào vùng biển của Việt Nam , nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam . Trung Quốc còn trắng trợn kéo hàng chục tàu thuyền, có lúc lên tới 134 chiếc, trong đó có cả tàu chiến, tàu quân sự, đến vùng biển của Việt Nam để bảo vệ cho việc hạ đặt trái phép giàn khoan 981.

 

Hồi đầu tuần, tàu Trung Quốc còn hung hăng đâm chìm một tàu cá của ngư dân Việt Nam, khiến tình hình căng thẳng leo thang. Hành động này của Trung Quốc đã vấp phải làn sóng chỉ trích dữ dội của cộng đồng quốc tế.

 

Đề cập đến tranh chấp ở Biển Đông, Thủ tướng Abe khẳng định chắc nịch rằng: "Chính phủ của tôi ủng hộ mạnh mẽ cho nỗ lực của Philippines trong việc kêu gọi tìm kiếm một giải pháp cho cuộc tranh chấp ở Biển Đông. Chúng tôi cũng ủng hộ Việt Nam trong các nỗ lực nhằm giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán, đối thoại”.

 

Ông Abe cũng kêu gọi ASEAN và Trung Quốc sớm thông qua một bộ quy tắc ứng xử ở BiểnĐông có tình ràng buộc.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc