(VnMedia) - Dù là một nước nhỏ nhưng Philippines cũng có thể khiến Trung Quốc phải “toát mồ hôi” bằng việc cho phép Mỹ triển khai binh lính, vũ khí, tàu thuyền, máy bay tới 5 căn cứ quân sự của quốc gia Đông Nam Á này.
Lực lượng Mỹ, Philippines thường xuyên tập trận chung với nhau |
Theo tiết lộ từ nhà đàm phán chính của Philippines về thỏa thuận an ninh mới vừa được ký kết với Mỹ, Philippines sẽ mở cửa tới 5 căn cứ quân sự của mình để cho phép Mỹ triển khai lực lượng gồm binh lính, máy bay, tàu thuyền và vũ khí, thiết bị quân sự đến nơi này trên cơ sở luân phiên. Đây là động thái của Manila nhằm làm đối trọng với sức mạnh ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở khu vực Châu Á.
Mỹ và Philippines đã ký một thỏa thuận quân sự kéo dài 10 năm hồi tuần trước, chỉ vài giờ trước khi Tổng thống Barack Obama có chuyến thăm 2 ngày đến Manila. Ngoài việc cho Mỹ tiếp cận với các căn cứ quân sự ở Philippines, thỏa thuận này còn cho phép Mỹ dự trữ các thiết bị an ninh hàng hải và trợ giúp nhận đạo trên lãnh thổ của Philippines.
"Hiện tại, hai bên đang thảo luận về việc mở cửa từ 3 đến 5 căn cứ của Lực lượng Vũ trang Philippines (AFP)” cho quân Mỹ và vũ khí Mỹ, ông Pio Lorenzo Batino – Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Philippines và là trưởng đoàn đàm phán, cho biết tại cuộc họp báo.
Theo lời ông Batino, căn cứ huấn luyện trong rừng của quân đội Philippines ở Fort Magsaysay, phía bắc thủ đô Manila là “một địa điểm lý tưởng” cho Mỹ bởi hai nước thường xuyên tiến hành những cuộc tập trận chung ở đây.
Các nguồn tin quân sự nắm rõ thông tin về thỏa thuận quân sự giữa Manila và Washington cũng tiết lộ, Mỹ đang đề nghị được tiếp cận với các căn cứ cũ của họ trước đây ở trên lãnh thổ Philippines, đó là căn cứ không quân Clark, căn cứ ở vịnh Subic, Poro Point và doanh trại Aguinaldo – tổng hành dinh của quân đội Philippines ở thủ đô Manila.
Mỹ còn đang cân nhắc về việc đề nghị được tiếp cận 4 sân bay dân sự gồm Palawan, Cebu, General Santos và Laoag cũng như sân bay Batanes để họ thực hiện hoạt động tiếp nhiên liệu và dịch vụ khẩn cấp.
Giới chức quân sự và quốc phòng ở thủ đô Manila cho rằng, Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Nâng cấp (EDCA) sẽ giúp tăng cường năng lực quốc phòng của Philippines.
Philippines giúp Mỹ phô trương uy lực ở Châu Á
Có thể nói, thỏa thuận quân sự mới giữa Mỹ và Philippines đã khiến Trung Quốc thực sự lo ngại bởi nó cho phép Mỹ thể hiện sức mạnh, phô trương uy lực của cường quốc quân sự số 1 thế giới ở khu vực Châu Á.
Chiến lược chuyển hướng trọng tâm vào Châu Á được Lầu Năm Góc quảng bá rầm rộ trong nhiều năm qua đã vấp phải sự chỉ trích dữ dội vì được cho là chỉ trên lời nói là nhiều chứ chẳng có hành động quân sự gì mấy.
Đó là lý do tại sao mà tin tức về việc Mỹ ký thỏa thuận quân sự với Philippines hồi đầu tuần được giới phân tích quốc phòng nhận định là một bước tiến lớn đối với sự hiện diện quân sự của Lầu Năm Góc ở Châu Á. Các điều khoản trong thỏa thuận cho phép Mỹ luân phiên đưa quân và vũ khí đến các căn cứ của Philippines.
Thỏa thuận với Philippines là thứ mà chính quyền Obama đã dốc sức vào để tìm cách đạt được nó trong thời gian ngắn. Căn cứ hải quân ở Vịnh Subic của Philippines từng là căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ ở trên thế giới trước khi chính phủ Philippines đóng cửa nơi nay năm 1991 bằng một sự sửa đổi hiến pháp theo đó cấm các căn cứ quân sự nước ngoài đặt ở nước họ.
Thỏa thuận mới vừa được ký sẽ giúp Mỹ “thoát” được lệnh cấm trên bởi Mỹ có thể dùng các căn cứ trên lãnh thổ Philippines dù chúng không thuộc quyền sở hữu của Mỹ.
Điều đáng chú ý là thỏa thuận quân sự 10 năm giữa Manila và Washington rõ ràng không đặt ra hạn chế gì đốiv ới số tàu thuyền và máy bay chiến đấu Mỹ có thể mang vào lãnh thổ Philippines.
Nhiều người tin rằng, các quan chức của hai nước Mỹ và Philippines cố tình để mập mờ điều khoản nói trên để tránh làm người dân Philippines tức giận. Trước đây, người dân Philippines phản đối mạnh mẽ việc cho quân đội nước ngoài đặt căn cứ ở nước họ cũng như cho phép lực lượng nước ngoài đến đóng ở nước này.
Tuy nhiên, có hai lý do để thỏa thuận quân sự giữa Manila và Washington trở nên dễ dàng đạt được như vậy. Thứ nhất là, Mỹ đã thể hiện vai trò tích cực hàng đầu trong việc cứu hộ, cứu trợ cho Philippines sau khi xảy ra trận bão kinh hoàng Haiyan – trận bão gây chết người nhiều nhất trong lịch sử Philippines với hơn 5.000 người thiệt mạng hối tháng 11 năm ngoái.
Ngay sau khi xảy ra thảm họa trên, Lầu Năm Góc đã ngay lập tức gửi hàng cứu trợ, phái hàng trăm lính thủy đánh bộ cùng một tàu sân bay với 5.000 binh lính và 80 máy bay đến Philippines. Hành động nhanh chóng của Mỹ đã chứng tỏ thiện chí của nước này và khiến người dân Philippines cảm động.
Người dân Philippines cũng dễ dàng đón nhận quân Mỹ vào nước họ hơn trong bối cảnh Philippines đang chịu sức ép mạnh mẽ từ cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải quyết liệt và nóng bỏng ở Biển Đông với nước láng giềng khổng lồ Trung Quốc.
Giới phân tích nhận định rằng, thỏa thuận mà Mỹ và Philippines vừa ký với nhau là một thông điệp sắc nhọn mà hai nước này muốn gửi đến Trung Quốc bởi cả Manila và Washington đếu hướng tới mục tiêu kiềm chế Trung Quốc. Manila muốn bắt tay với Washington để kiềm tỏa Bắc Kinh, không để nước này có cơ hội tung ra những hành động cứng rắn, hung hăng trong các cuộc tranh chấp ở Biển Đông. Trong khi đó, Mỹ không muốn Trung Quốc giành mất ảnh hưởng số 1 của họ ở khu vực cũng như ở thế giới.
Kiệt Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc