Hậu quả của việc Trung Quốc hung hăng ở Biển Đông

08:14, 10/05/2014
|

(VnMedia) - Tờ Bưu điện Buổi sáng Hoa Nam của Hồng Kông, Trung Quốc hôm qua (9/5) đã có bài viết cảnh báo rằng những hành động leo thang của Trung Quốc ở Biển Đông sẽ thúc đẩy các quốc gia Đông Nam Á tăng cường sức mạnh quân sự đồng thời mở rộng vòng tay đón Mỹ vào khu vực.

 

Ảnh minh họa

Tàu Trung Quốc hung hăng bắn vòi rồng vào tàu của Việt Nam


Giới phân tích và quan sát hầu hết đều có chung nhận định, những cuộc đối đầu căng thẳng và ngày càng leo thang giữa Trung Quốc với Philippines và giữa Trung Quốc với Việt Nam ở Biển Đông sẽ thúc đẩy các nước Đông Nam Á phát triển hơn nữa năng lực hàng hải của mình.

 

Các nước cũng có thể sẽ mở rộng vòng tay hơn nữa để cho Mỹ tăng cường sự hiện diện quân sự lớn hơn trong khu vực, khiến Bắc Kinh luôn ở trong tình trạng bất an, khó chịu, các nhà phân tích cho hay. Họ đã chỉ ra bằng chứng mới nhất cho nhận định trên chính là cuộc tập trận hải quân rầm rộ giữa Mỹ và Philippines đang diễn ra ở Biển Đông hiện nay.

 

Căng thẳng kéo dài âm ỉ giữa Trung Quốc và Việt Nam đã bùng lên trong những ngày gần đây khi Trung Quốc ngang nhiên đưa vào thềm lục địa Việt Nam một dàn khoan khổng lồ và tuyên bố kế hoạch khoan thăm dò dầu khí ở khu vực vốn thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam.

 

Cùng lúc, Bắc Kinh đang sùng sục đòi Manila phải phóng thích một tàu cá và 11 ngư dân của họ bị Philippines bắt giữ vì bị tình nghi xâm phạm bất hợp pháp lãnh hải của Philippines và đánh bắt loài rùa biển đang có nguy cơ tuyệt chủng.

 

"Thái độ của Trung Quốc khó hiểu và gây bối rối. Nước này luôn miệng nói rằng, họ muốn duy trì một mối quan hệ tốt đẹp với các nước láng giềng, nhưng lại cố tình ngày một trở nên hung hăng, quyết liệt”, Tiến sĩ Oh Ei Sun – một nhà nghiên cứu cấp cao thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, đã phát biểu như vậy.

 

Khi những căng thẳng tiếp tục leo thang ở Biển Đông, một hệ quả tất yếu là các nước khác đang có tranh chấp với Trung Quốc cũng phải tìm cách củng cố sức mạnh của lực lượng hải quân và tiến ngày một gần hơn về phía Washington, các nhà phân tích cho hay. Ví dụ như Malaysia , nước này đã nâng cấp mối quan hệ với Mỹ lên mức “đối tác toàn diện”.

 

Trong khi đó, lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ và Philippines đang tập trận trên kịch bản giả định là một phát động một cuộc tấn công vào một bờ biển ở Biển Đông. Các quan chức ở Manila và Washington đều tuyên bố, các cuộc diễn tập kiểu này của họ đã được lên kế hoạch từ nhiều năm và họ không nhằm mục tiêu vào kẻ thù cụ thể nào. Tuy nhiên, cuộc tập trận lần này diễn ra đúng thời điểm quân Mỹ vừa được phép tiếp cận vào các căn cứ quân sự của Philippines theo một thỏa thuận quân sự vừa mới được ký kết.

 

"Cả cuộc tập trận hải quân và thỏa thuận quân sự đều cho thấy, Mỹ đang hối hả và tăng cường thực hiện chiến lược chuyển hướng trọng tâm vào Châu Á”, chuyên gia hải quân ở thủ đô Bắc Kinh – ông Li Jie cho biết. Theo ông này, “Mỹ sẽ giúp đỡ bất kỳ nước nào đang có tranh chấp hàng hải với Trung Quốc”.

 

Việt Nam và Philippines được cho là sẽ thể hiện một lập trường thống nhất trong việc thúc đẩy một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông có tình ràng buộc tại cuộc họp của Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ở Myanmar vào cuối tuần này.

 

Sóng gió Biển Đông đang “sôi lên sùng sục” sau khi cơ quan chức năng Việt Nam hôm 1/5 phát hiện giàn khoan nước sâu Hai Yang Shi You 981 (mà Việt Nam vẫn thường gọi là HD 981) và 3 tàu dịch vụ dầu khí của phía Trung Quốc di chuyển từ Tây Bắc đảo Tri Tôn (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) xuống phía Nam. Đến 16 giờ ngày 2/5, giàn khoan HD 981 được thả trôi tại tọa độ 15 độ 29’58” vĩ Bắc - 111 độ 12’06” kinh Đông, phía nam đảo Tri Tôn. Vị trí này nằm sâu trong thềm lục địa của Việt Nam 80 hải lý, cách đảo Lý Sơn 119 hải lý, cách bờ biển Việt Nam 130 hải lý.

 

Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD 981 để tiến hành khoan thăm dò thềm lục địa của Việt Nam và huy động nhiều tàu bảo vệ đi cùng. Hiện nay, số lượng tàu của Trung Quốc bảo vệ giàn khoan có lúc lên cao nhất đã là 80 tàu, trong đó có cả tàu quân sự. Các tàu này đã cố tình đâm va vào các tàu thực thi pháp luật gồm tàu cảnh sát biển và tàu kiểm ngư của Việt Nam đang hoạt động chấp pháp tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, làm bị thương một số thủy thủ và gây thiệt hại về tài sản cho phía Việt Nam.

 

Hành động trên của Trung Quốc đang vấp phải sự chỉ trích dữ dội của cộng đồng quốc tế và giới chuyên gia, học giả. Hành động của Trung Quốc đã đi ngược lại với tinh thần của các công ước Liên Hợp Quốc và những thỏa thuận mà Bắc Kinh ký kết với các nước Đông Nam Á về việc không đơn phương có các hành động làm leo thang căng thẳng ở những khu vực có tranh chấp.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc