(VnMedia) - Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier mới đây đã công khai lên tiếng kêu gọi các nước kiềm chế, không áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga khi giới chính khách, doanh nhân và công chúng ở Đức đang ngày càng trở nên hoài nghi về việc gây áp lực hơn nữa đối với Moscow.
Người Đức biểu tình phản đối trừng phạt Nga |
Ngoại trưởng Steinmeier đã biện hộ cho những biện pháp trừng phạt mà các nước phương Tây đang áp đặt lên Nga nhưng vẫn khẳng định rằng, ông thích phương án “hợp tác hơn thay vì là đối đầu” với Moscow.
“Chúng ta cần phải tránh kiểu tự động đưa ra các biện pháp trừng phạt, điều đó chỉ làm vấn đề thêm bế tắc và khiến chúng ta không có thêm các lựa chọn chính sách khác”, Ngoại trưởng Steinmeier đã nói như vậy trong cuộc trả lời phỏng vấn Thüringische Landeszeitung hôm 17/5.
Lời phát biểu trên được đưa ra cùng ngày khi mà Ngoại trưởng lâm thời của Ukraine Andriy Deshchytsia lên tiếng kêu gọi phương Tây áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt mạnh tay hơn nhằm vào Nga trong cuộc trả lời phỏng vấn của ông này với tờ báo Đức Die Welt. Đây có vẻ như là câu trả lời của Berlin đối với đề nghị của chính quyền lâm thời ở thủ đô Kiev.
Ý tưởng áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga dường như không nhận được sự ủng hộ của người dân Đức. Điều đó đã được thể hiện hồi tuần trước khi Thủ tướng Đức Angela Merkel đến tham dự một sự kiện vận động tranh cử cho đảng của bà ở thủ đô Berlin, bà đã bị la ó bởi một nhóm người biểu tình cầm băng rôn ghi khẩu hiệu “Châu Âu chỉ mạnh khi có Nga” hay “Chặn ngay chủ nghĩa phát xít ở Ukraine”.
Giới doanh nhân Đức cũng bất mãn với những nỗ lực nhằm trừng phạt mạnh tay Moscow. Họ đã gửi một bức thư mật cho chính phủ Đức, trong đó cảnh báo hậu quả “gậy ông đập lưng ông” nếu Đức cùng Châu Âu trừng phạt Nga thêm nữa. Bức thư này sau đó đã bị rò rỉ ra bên ngoài.
"Những biện pháp trừng phạt kinh tế mạnh hơn sẽ dẫn đến tình huống các hợp đồng sẽ được trao nhiều hơn cho các công ty nội địa, các dự án sẽ bị phía Nga hủy bỏ hoặc trì hoãn, nền công nghiệp và các chính khách Nga sẽ quay sang Châu Á, cụ thể là Trung Quốc”, bức thư của giới doanh nhân Đức đã viết như vậy.
Bức thư gửi chính phủ Đức cũng nói rằng, việc mất thị phần của các công ty Đức và Châu Âu gây ra từ những đòn trừng phạt nhằm vào Nga sẽ “lâu dài và liên tục”, gây “tổn thất không thể đền bù được” cho vị thế cạnh tranh của Đức.
Hơn 6.000 công ty Đức đang làm ăn ở Nga và thương mại giữa hai nước cung cấp việc làm cho 300.000 người Đức.
Các nguy cơ kinh tế trên đến nay vẫn không ngăn được Thủ tướng Đức Merkel tung ra những lời đe dọa trừng phạt thêm nữa Nga. Bà này đã bị chỉ trích bởi những người tiền nhiệm như cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schroeder và Helmut Schmidt.
Ông Schmidt hồi cuối tuần trước vừa lên án giới chức của Liên minh Châu Âu (EU), cáo buộc họ mắc chứng “hoang tưởng tự đại” và đang tìm cách “sáp nhập Ukraine”. Cựu Thủ tướng Đức đã nói với tờ Bild Daily rằng, “giới quan chức ở Brussels ... đang ép Ukraine phải lựa chọn giữa Đông và Tây”.
Bộ trưởng Kinh tế Đức và Phó Thủ tướng Sigmar Gabriel cũng chia sẻ quan điểm trên. Trong khi hai vị chính khách trên vẫn đổ lỗi phần lớn cho Nga về cuộc khủng hoảng ở Ukraine nhưng họ cũng thừa nhận những khiếm khuyết và sai lầm trong chính sách của EU.
"Chắc chắn, việc tạo ra ấn tượng ở Ukraine rằng họ phải quyết định lựa chọn giữa Nga hay EU là điều không khôn ngoan", ông Gabriel nói.
Những tiếng nói phản đối đang ngày càng tăng lên nhưng điều đó không thể ngăn cản giới chức ở Brussel tung ra những lời đe dọa trừng phạt Nga thêm nữa, ông John Laughland - giám đốc Viện Dân chủ và Hợp tác - một tổ chức cố vấn ở thủ đô Paris, cho biết.
Kiệt Linh -
(theo RT)
Ý kiến bạn đọc