Chủ tịch Trung Quốc ngầm cảnh báo Châu Á

19:01, 21/05/2014
|

(VnMedia) - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm nay (21/5) dường như đã ngầm lên tiếng cảnh báo một số quốc gia Châu Á về việc củng cố liên minh quân sự chống lại Trung Quốc, nói rằng điều đó chẳng đem lại lợi ích cho an ninh khu vực.
 

Ảnh minh họa

Ông Tập Cận Bình.


Tuy nhiên, ông Tập Cận Bình cũng cam kết sẽ giải quyết hoà bình các tranh chấp lãnh thổ của Trung Quốc với các nước láng giềng. Những cuộc tranh chấp này đang được đẩy lên cao trào trong thời gian gần đây, đặc biệt là ở Biển Đông và biển Hoa Đông.
 
"Việc tăng cường các liên minh quân sự nhằm vào một bên thứ ba không có lợi gì cho việc duy trì an ninh chung trong khu vực”, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói như vậy trong một bài phát biểu. Lời cảnh báo ngầm này được đưa ra khi mà thời gian vừa qua, người ta chứng kiến một loạt nước Châu Á tìm cách tái khẳng định mối quan hệ liên minh an ninh chặt chẽ với Washington.
 
Ông Tập Cận Bình đã nói đến “trò chơi được mất (zero-sum)” – một khái niệm an ninh được đưa ra từ thời Chiến tranh Lạnh. Theo đó, một nước có được điều gì thì đồng nghĩa với việc các nước khác sẽ mất điều tương tự.
  
Trong chuyến công du mới đây nhất đến Châu Á hồi tháng trước, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tìm cách trấn an những nước đồng minh như Nhật Bản và Philippines rằng, cam kết lâu dài của họ về việc chuyển hướng trọng tâm chiến lược vào khu vực Châu Á-Thái Bình Dương là có thật. Chiến lược này được xem là nhằm để chống lại ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc.
 
Ông Tập Cận Bình đã đưa ra lời cảnh báo ngầm về các liên minh quân sự ở khu vực Châu Á tại một hội nghị khu vực ở thành phố Thượng Hải trước nhiều lãnh đạo của các nước Đông Nam Á cũng như Nhật Bản và hơn 40 quốc gia và các tổ chức quốc tế khác. Ông Tập Cận Bình lại không đề cập trực tiếp gì đến Mỹ.
 
Trung Quốc hiện đang có các cuộc đối đầu gay gắt với các nước láng giềng xung quanh, cụ thể là Philippines và Việt Nam, vì cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông. Bắc Kinh cũng tranh giành quyết liệt với Nhật Bản một quần đảo ở biển Hoa Đông.
 
Trong một động thái thể hiện sự leo thang, lấn tới cao nhất trong thời gian gần đây, Trung Quốc đã ngang nhiên đưa giàn khoan khổng lồ 981 cùng hàng chục tàu thuyền vào khu vực vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Động thái này được đưa ra chỉ 3 ngày sau khi Tổng thống Obama vừa rời khu vực Châu Á.
 
Bước đi trên của Trung Quốc là mới nhất trong một loạt cuộc đối đầu giữa nước này với một số nước láng giềng xung quanh vì tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông. Washington đã phản ứng với hành động của Trung Quốc bằng lời chỉ trích gay gắt nhằm vào Bắc Kinh, miêu tả đó là động thái “khiêu khích nguy hiểm”.
 
"Xoa dịu" mối quan ngại Biển Đông bằng thái độ hung hăng hơn

Những hành động hung hăng, quyết liệt gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông đang làm dấy lên mối quan ngại về ý định thực sự của nước này.
 
Tranh thủ cơ hội là nước chủ nhà của Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ tư về phối hợp hành động và các biện pháp củng cố lòng tin ở Châu Á (CICA), Chủ tịch Tập Cận Bình lên tiếng cam kết: "Trung Quốc sẽ tiếp tục theo đuổi việc giải quyết các cuộc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và các quyền, lợi ích hàng hải với các nước khác bằng biện pháp hòa bình”.
 
Trung Quốc đang tranh thủ cơ hội chủ trì diễn đàn CICA – một sáng kiến do Kazakhstan khởi xướng hồi đầu những năm 1990, để tìm cách củng cố ảnh hưởng trong khu vực và xa hơn nữa. Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Iran Hassan Rouhani đều đến tham dự hội nghị này.
 
Tuy nhiên, có vẻ như lời nói của Trung Quốc không đi đôi với hành động khi nước này trong những ngày qua vẫn liên tục có các hành động hung hăng, ngang ngược ở Biển Đông. Trung Quốc tiếp tục huy động số lượng lớn tàu thuyền đến vùng biển Việt Nam để bảo vệ cho giàn khoan mà họ hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Hơn nữa, tàu thuyền của Trung Quốc còn cố tình đâm va, bắn vòi rồng vào tàu của Việt Nam.
 
Đây không phải là lần đầu tiên lời nói của Trung Quốc không đi đôi với hành động. Nhiều người đã thuộc nằm lòng những câu nói cửa miệng của giới lãnh đạo Trung Quốc như: “Trung Quốc kiên trì đi theo con đường phát triển hòa bình, hợp tác với tất cả các nước và không có ý định đe dọa bất kỳ nước nào” hay như “Trung Quốc không bao giờ tìm kiếm vị trí bá chủ thế giới”. Và người ta cũng nhiều lần chứng kiến hành động của Trung Quốc đi ngược lại với “câu thần chú” trên của họ. Hiện tại, điều này đang diễn ra ngay tại Biển Đông, ngay tại vùng biển của Việt Nam.


Vân Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc