Tại quảng trường Trocadero giữa trung tâm Paris, ngay bên cạnh Bảo tàng Con người, bên kia sông Seine là tháp Eiffel. Khoảng 1.000 người Việt trong đó có hàng trăm sinh viên đang học tập tại Pháp, và thành viên của rất nhiều hội đoàn yêu nước Việt Nam tại Pháp.
Hàng ngàn người tập trung giữa Paris phản đối hành động của Trung Quốc. Ảnh: L.A.H
Tại đây có thể gặp GS - TS Vũ Ngọc Cẩn đại diện MCFV (phong trào người Pháp gốc Việt), ông Nguyễn Thái Sơn (Chủ tịch Hiệp hội Interface Francophone de Paris - Hiệp hội Pháp ngữ); GS sử học Patrice Jorland, Chủ tịch Hội Hữu nghị Pháp - Việt, người từng là tham tán văn hóa Pháp tại VN hai nhiệm kỳ;
Thượng nghị sỹ Helen Luc- người đã từng tích cực giúp đỡ đoàn đàm phán hiệp định Paris của Việt Nam hơn 40 năm về trước, nay là thành viên tích cực trong Hội hữu nghị Pháp - Việt;
Ông André Menras - thành viên Ban tổ chức (tên Việt Nam là Hồ Cương Quyết, người Pháp đã từng đi tù dưới chế độ Việt Nam cộng hòa vì ủng hộ cách mạng VN); ông Nguyễn Hảo Tâm - cố vấn cho chính phủ Pháp trong lĩnh vực quan hệ quốc tế;
Ông Phạm Phú Cường (hội đồng nhân dân vùng Paris); nhóm trí thức Diễn đàn (các GS, TS Hà Dương Tường, Nguyễn Ngọc Giao, Hà Dương Tuấn…), hòa thượng Thích Phước Đường, trụ trì Trúc lâm Thiền viện ở Paris.
Hàng trăm lá cờ đỏ sao vàng của Việt Nam tung bay bên bờ sông Seine, quốc ca Việt Nam vang xa cùng với nhiều bài ca yêu nước, kêu gọi kết đoàn.
Người Việt, người Pháp yêu Việt Nam các thế hệ, có cả những cháu nhỏ đến người già tự hào đeo trên trán dải băng mang dòng chữ “Tôi yêu Việt Nam”. Trên tay họ là những tấm áp phích các kích thước với nhiều ngôn ngữ có nội dung “Trung Quốc hãy ra khỏi vùng biển của Việt Nam”; “Hãy tôn trọng luật pháp quốc tế”; “Trung Quốc hãy là bạn - Đừng là kẻ thù”; “Hãy đưa Trung Quốc ra tòa án quốc tế”.
Đông đảo những người tham gia đã hô vang trên quảng trường Trocadero các khẩu hiệu “Việt Nam yêu hòa bình”, “Việt Nam không muốn chiến tranh”, “Yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan, ngừng các hành động xâm phạm đến chủ quyền của Việt Nam”… bằng tiếng Việt và tiếng Pháp.
Tại cuộc biểu tình, ban tổ chức đã đọc bức thư của các hội đoàn Việt Nam tại Pháp gửi Đại sứ Trung Quốc tại Pháp phản đối nước này có hành động vi phạm chủ quyền Việt Nam.
Phát biểu trước đông đảo người Việt và những bạn bè Pháp có mặt tại cuộc biểu tình, ông André Menras nhấn mạnh: “Chính quyền Trung Quốc đang sử dụng sức mạnh để biến quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam thành sở hữu của Trung Quốc. Chúng ta, những công dân Việt Nam, công dân Pháp và những quốc gia khác yêu hòa bình và công lý, cùng nỗ lực hết sức để phản đối những hành động đó của Trung Quốc”.
GS sử học Patrice Jorland, Chủ tịch Hội Pháp - Việt, cho biết: “Đứng về luật pháp quốc tế, Trung Quốc hoàn toàn sai trái khi đưa giàn khoan lớn với nhiều tàu và dùng vũ lực tại vùng biển thuộc về quyền tài phán của Việt Nam. Hội Pháp - Việt đã ra tuyên bố phản đối mạnh mẽ hành động nguy hiểm này”.
Ông Nguyễn Thái Sơn (Chủ tịch Hiệp hội Interface Francophone de Paris) phát biểu: “Chúng tôi có mặt ở đây để yêu cầu Trung Quốc ngừng ngay những hành động xâm phạm đi ngược lại luật pháp, công lý và những giá trị của một thế giới văn minh. Chính phủ Việt Nam đã khôn ngoan trong cách xử lý một cách kiên nhẫn, nhưng hành động của Trung Quốc là không thể chấp nhận được”.
Ông Michel Strachinescu - người từng lái xe cho bà Nguyễn Thị Bình tại Hội nghị Paris - cũng tham gia biểu tình
Có mặt tại cuộc biểu tình, bên cạnh bà con người Việt, có nhiều người bạn Pháp đã sát cánh với Việt Nam trong hàng chục năm qua trong các cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, như ông Michel Strachinescu – người từng lái xe cho bà Nguyễn Thị Bình thời đấu tranh ngoại giao ký kết Hiệp định Paris.
Một thanh niên Pháp, với băng đô mang dòng chữ: “Tôi yêu Việt Nam” có mặt tại cuộc biểu tình chia sẻ: “Trung Quốc xâm phạm vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Tôi biết những thông tin đó và tôi yêu hòa bình, vì thế tôi quyết định có mặt ở đây cùng các bạn hôm nay”.
Anh Lê Trung Tĩnh, thành viên nhóm Biển Đông tại Pháp, thành viên ban tổ chức cho biết mục đích của cuộc biểu tình hòa bình: “Chúng tôi lên tiếng với tinh thần vừa là người Việt Nam bảo vệ những giá trị về chủ quyền của Việt Nam nhưng yêu công lý và yêu hòa bình. Không thể để một tấc đất, một tấc biển nào của Việt Nam lọt vào tay của nước khác một cách phi lý như vậy”.
Thư của cộng đồng người Việt tại Pháp gửi Đại sứ Trung Quốc tại Pháp:
“Việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương - 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã gây nên sự phẫn nộ của người Việt Nam, các cộng đồng người Việt ở nước ngoài cũng như cộng đồng thế giới.
Ông Michel Strachinescu - người từng lái xe cho bà Nguyễn Thị Bình tại Hội nghị Paris - cũng tham gia biểu tình
Ngài Đại sứ, ông và chính phủ của ông không thể phớt lờ rằng bằng những hành động đó của Trung Quốc đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, đe dọa nghiêm trọng ổn định và hòa bình trong khu vực và đi ngược lại với những cam kết mà chính Trung Quốc đã ký kết trong Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC) ký giữa Trung Quốc với các nước ASEAN năm 2002.
(…) Trong suốt chiều dài lịch sử, nhân dân Việt Nam luôn vươn tới hòa bình và đấu tranh vì hòa bình. Chúng tôi cũng mong muốn có mối quan hệ tốt đẹp với nhân dân Trung Quốc. Tuy nhiên, chúng tôi không thể không hành động trước thực tế là Trung Quốc đang ngày ngày xâm lấn vào vùng biển của chúng tôi. Những gì thuộc về Việt Nam thì phải là của Việt Nam.
Vì thế, chúng tôi, cộng đồng người Việt tại Pháp, lên án cách ứng xử thô bạo và phi pháp của Trung Quốc đối với Việt Nam và yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan Hải Dương 981 và từ bỏ tham vọng chiếm giữ vùng biển của Việt Nam.
Cuối cùng, chúng tôi xin nhắc với Ngài Đại sứ rằng chúng ta đang ở thế kỷ 21. Những mối lo của nhân loại ngày nay phải là cải thiện điều kiện sống của người dân và gìn giữ hành tinh của chúng ta cho các thế hệ tương lai; chứ không phải là việc đi xâm lược các quốc gia khác, cho dù với mục đích nào”.
Ý kiến bạn đọc