(VnMedia) - Trung Quốc đang khiến cho không chỉ người dân của các nước láng giềng xung quanh mà cả cộng đồng quốc tế phẫn nộ khi hết lần này đến lần khác có những hành động ngang ngược và bội ước trong tranh chấp ở Biển Đông.
Tàu Trung Quốc hung hăng đâm vào tàu Việt Nam ở ngay giữa vùng biển thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam. |
Trung Quốc “vừa ăn cướp vừa la làng”
Hôm 1/5, Cơ quan chức năng Việt Nam đã phát hiện giàn khoan HD 981 và 3 tàu dịch vụ dầu khí của phía Trung Quốc di chuyển từ Tây Bắc đảo Tri Tôn (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) xuống phía Nam. Đến 16 giờ ngày 2/5, giàn khoan HD 981 được thả trôi tại tọa độ 15 độ 29’58” vĩ Bắc - 111 độ 12’06” kinh Đông, phía nam đảo Tri Tôn. Vị trí này nằm sâu trong thềm lục địa của Việt Nam 80 hải lý, cách đảo Lý Sơn 119 hải lý, cách bờ biển Việt Nam 130 hải lý.
Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD 981 để tiến hành khoan thăm dò thềm lục địa của Việt Nam và huy động nhiều tàu bảo vệ đi cùng. Hiện nay, số lượng tàu của Trung Quốc bảo vệ giàn khoan có lúc lên cao nhất đã là 80 tàu, trong đó có cả tàu quân sự. Các tàu này đã cố tình đâm va vào các tàu thực thi pháp luật gồm tàu cảnh sát biển và tàu kiểm ngư của Việt Nam đang hoạt động chấp pháp tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, làm bị thương một số thủy thủ và gây thiệt hại về tài sản cho phía Việt Nam.
Trung Quốc đã thể hiện sự ngang ngược đến mức không thể chấp nhận được khi ngang nhiên đưa một dàn khoan khổng lồ vào vùng biển Việt Nam, ngang nhiên quấy nhiễu, bắn vòi rồng và đâm tàu Việt Nam ở ngay giữa vùng biển của Việt Nam. Hành động bất chấp pháp luật Việt Nam, bất chấp luật pháp quốc tế, chà đạp lên mọi thỏa thuận, cam kết mà Trung Quốc đã đưa ra trước đó hoàn toàn không phải là cách hành xử của một cường quốc, một nước lớn có trách nhiệm trên trường quốc tế. Rõ ràng, Trung Quốc đang tự hủy hoại uy tín, danh dự của mình bằng những hành động trắng trợn, ngang nhiên của họ ở Biển Đông.
Trắng trợn hơn nữa, Trung Quốc còn “vừa ăn cướp vừa la làng” khi cáo buộc tàu Việt Nam đâm tàu của họ ở vùng biển Việt Nam. Lời cáo buộc này chẳng thể làm ai tin được khi mà Trung Quốc hùng hổ đưa vào vùng biển Việt Nam hàng chục tàu các loại, trong đó có cả tàu chiến, và máy bay quân sự, chiến đấu cơ để bảo vệ cho hoạt động phi pháp của giàn khoan HD 981.
Ngày hôm qua (12/5), Trung Quốc còn thể hiện sự thách thức dư luận và sự ngang ngược kiểu nước lớn bắt nạt nước bé bằng tuyên bố cho rằng, Việt Nam đã “thất bại trong việc tập hợp sự ủng hộ” trong cuộc tranh chấp với họ ở Biển Đông.
Phát biểu tại một cuộc họp báo một ngày sau khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Myanmar, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hua Chunying đã nói rằng: “Thực tế cho thấy Việt Nam đang nỗ lực tập hợp sự ủng hộ của các bên để gây sức ép lên Trung Quốc nhưng họ sẽ không đạt được mục đích”. Phát ngôn viên này còn kêu gọi Việt Nam “đối diện với thực tế” và “không quấy rối các hoạt động của Trung Quốc”.
Tuy nhiên, thực tế mà bất cứ người dân thế giới nào cũng thấy rõ là Việt Nam đang tập hợp được sự ủng hộ mạnh mẽ của hàng chục triệu người dân trong nước cũng như dư luận và cộng đồng thế giới trong việc phản đối quyết liệt hành động ngang ngược, bất chấp pháp luật của Trung Quốc.
Những ngày qua, cả nước Việt Nam đang đồng lòng hướng về Biển Đông. Đã có hàng loạt cuộc biểu tình hòa bình diễn ra nhằm phản đối Trung Quốc đưa giàn khoan HD 981 vào vùng biển Việt Nam cũng như những hành động quấy nhiễu, dọa dẫm của tàu thuyền Trung Quốc đối với lực lượng thực thi pháp luật Việt Nam. Không chỉ người dân trong nước, những người con của Việt Nam đang sinh sống và làm việc ở nhiều nước trên khắp thế giới cũng đã lên tiếng bày tỏ sự phản đối gay gắt và thể hiện quyết tâm bảo vệ đất nước trước hành động xâm phạm chủ quyền Việt Nam một cách nghiêm trọng của phía Trung Quốc.
Cùng với người dân Việt Nam, dư luận, cộng đồng quốc tế với rất nhiều nước, nhiều người dân thế giới cũng như các nhà phân tích, học giả khắp nơi đều thể hiện một thái độ lên án trước hành động đơn phương xâm phạm chủ quyền Việt Nam và đi ngược lại luật pháp quốc tế của phía Trung Quốc.
Lần đầu tiên ASEAN đã thể hiện một lập trường chung thống nhất về tình hình Biển Đông khi bày tỏ sự quan ngại về hành động đưa giàn khoan HD 981 của Trung Quốc vào vùng biển Việt Nam cũng như những diễn sau đó. Điều này không chỉ phản ánh mối quan ngại ngày càng tăng của các nước ASEAN đối với lập trường hung hăng của Trung Quốc trong các cuộc tranh chấp mà còn thể hiện tình đoàn kết được củng cố của khối liên minh khu vực này.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cùng hàng loạt quan chức, thượng nghị sĩ Mỹ đã phản đối hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, miêu tả đó là “sự khiêu khích nguy hiểm”.
Hành động di chuyển dàn khoan và “những động thái hung hăng, hiếu chiến sau đó” của các tàu thuyền Trung Quốc “là cực kỳ đáng lo ngại”, các quan chức Mỹ đã phát biểu thẳng thắn như vậy.
Cùng với Mỹ, Liên minh Châu Âu cũng ra tuyên bố bày tỏ sự quan ngại về hành động của Trung Quốc ở Biển Đông gần đây. "Chúng tôi quan ngại về những diễn biến gần đây giữa Việt Nam và Trung Quốc liên quan đến việc di chuyển giàn khoan HD981 của Trung Quốc. Liên minh Châu Âu đặc biệt quan ngại rằng, những hành động đơn phương có thể gây ảnh hưởng đến môi trường an ninh trong khu vực như đã được thể hiện trong các báo cáo về vụ va chạm gần đây giữa các tàu cá Việt Nam và Trung Quốc”.
Giới chức và báo chí Nhật Bản cũng góp một tiếng nói mạnh mẽ trong việc lên án hành động ngang ngược của Trung Quốc ở vùng biển Việt Nam. Căng thẳng đang leo thang một cách nguy hiểm ở Biển Đông. “ Trung Quốc không có quyền đơn phương thực hiện một hoạt động kinh tế ở vùng biển của Việt Nam. Phía Trung Quốc cần phải chấm dứt ngay hành động đó”, một bài báo trên tờ Asahi Shimbun của Nhật Bản đã viết như vậy.
Ấn Độ những ngày qua cũng bày tỏ sự lo ngại về hành động của Trung Quốc ở vùng biển của Việt Nam.
Ngạc nhiên về sự bội ước của Trung Quốc
Ngoài sự bội ước thể hiện trong việc Trung Quốc đi ngược lại hoàn toàn với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 mà Trung Quốc là một nước đã ký tham gia, Trung Quốc vi phạm thỏa thuận giải quyết các vấn đề trên biển Đông giữa các nước ASEAN và Trung Quốc trong Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) mà Bắc Kinh ký kết với các nước ASEAN năm 2002, Trung Quốc còn phá bỏ những gì cam kết trong chuyến thăm gần đây của Thủ tướng Lý Khắc Cường.
Hồi tháng 10 năm ngoái, Thủ tướng Trung Quốc từng thực hiện một chuyến thăm đến Việt Nam nhằm tăng cường quan hệ song phương. Trong khi ở thăm Hà Nội, ông Lý Khắc Cường đã nói, Trung Quốc và Việt Nam sẽ thành lập một nhóm để thảo luận về sự phát triển hàng hải chung. Ông Wu Shicun, người đứng đầu Viện Nghiên cứu Biển Đông của Trung Quốc, còn cho biết, hai bên đã “đạt được sự thống nhất trong việc cùng nhau kiểm soát cuộc khủng hoảng ở Biển Đông” và sẽ “tránh mâu thuẫn hàng hải”.
Vậy mà chỉ 6 tháng sau, Trung Quốc đã đưa một giàn khoan khổng lồ vào vùng biển Việt Nam, đốt nóng lên ngọn lửa căng thẳng ở Biển Đông.
Rõ ràng, vì hành động ngang ngược, trắng trợn và bội ước của Trung Quốc ở vùng biển của Việt Nam, Trung Quốc đang tự bôi xấu hình ảnh của mình trong con mắt của cộng đồng thế giới. Là một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, một cường quốc của thế giới nhưng Trung Quốc vẫn sẵn sàng chà đạp lên pháp luật quốc tế, các công ước quốc tế và các thỏa thuận mà nước này từng cam kết.
Kiệt Linh
Ý kiến bạn đọc