Báo Hồng Kông: “Trung Quốc ngạo mạn một cách nguy hiểm ở Biển Đông”

07:52, 20/05/2014
|

(VnMedia) - Tờ South China Morning Post (Bưu điện Buổi sáng Hoa Nam) – một tờ báo nổi tiếng hàng đầu ở Hồng Kông, Trung Quốc, mới đây đã đăng tải một bài viết có nhan đề “Sự ngạo mạn nguy hiểm của Trung Quốc ở Biển Đông”, trong đó chỉ trích kịch liệt cách hành xử “hung hăng, ngạo mạn và chủ nghĩa nước lớn” của nước này.

 

Ảnh minh họa

Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Trung Quốc còn trắng trợn kéo hàng chục tàu thuyền, có lúc lên gần 100 tàu, vào vùng biển Việt Nam để bảo vệ cho hoạt động phi pháp của giàn khoan 981.


Tác giả của bài báo nói trên là phóng viên, nhà phân tích kỳ cựu Philip Bowring.

Ông này đã sống ở Châu Á suốt 39 năm qua và chuyên viết về mảng chính trị, tài chính khu vực. Ông Bowring phụ trách một chuyên mục cho tờ Bưu điện Buổi sáng Hoa Nam từ giữa những năm 1990 và cho tờ International Herald Tribune từ năm 1992 đến 2011. Ông Bowring cũng thường xuyên đóng góp bài cho tờ Thời báo Phố Wall, cho www.asiasentinel.com – một website mà ông này là một người sáng lập, cùng nhiều hãng tin khác. Trước năm 1992, ông Bowring từng viết cho tờ Far Eastern Economic Review và sau đó trở thành biên tập của tờ báo này.

 

“Sự mặc cảm tự tôn và cách hiểu lịch sử Đông Nam Á một cách có lựa chọn của Bắc Kinh đã trở thành thứ rượu độc đốt nóng lên tình hình căng thẳng ở Biển Đông”, ông Bowring đã viết như vậy.

 

Theo chuyên gia Bowring, cách hành xử hiện nay của Trung Quốc đối với các nước láng giềng ở Biển Đông là "hung hăng, ngạo mạn, mang tư tưởng chủ nghĩa sô –vanh nước lớn hay chủ nghĩa Hoa mãn (bành trướng người Hoa ra toàn thế giới) và chủ nghĩa vị chủng (coi dân tộc mình là trên hết”. Đi ngược lại với việc thể hiện niềm tự hào dân tộc, Trung Quốc đang gán cho lòng yêu nước một cái tên rất xấu. Những người Hồng Kông yêu nước nên thừa nhận đúng thực tế vấn đề - đó là một thủ đoạn nguy hiểm".

 

“Bắc Kinh không chỉ thể hiện chủ nghĩa bành trướng với Việt Nam và Philippines mà còn đang thành công trong việc biến Indonesia từ một nước ở vị trí trung gian hòa giải giữa Trung Quốc và các nước khác ở Biển Đông thành một nước đối đầu với Trung Quốc. Hai lần trong những tháng gần đây, Indonesia đã phải lên tiếng cáo buộc Trung Quốc tranh giành một phần của quần đảo Natuna của họ. Điều đó là quá đà đối với “sự nổi lên một cách hòa bình” khi bạn chọc tức các nước láng giềng có dân số hơn 400 triệu người mà bạn cho là yếu hơn mình”, phóng viên Bowring cho biết.

 

Tất cả những đòi hỏi chủ quyền thái quá của Trung Quốc hiện nay được gói gọn trong yêu sách đường 9 đoạn hay còn gọi là đường lưỡi bò. Theo đó, đường này mở rộng tới hơn 1.000 hải lý, kéo dài từ các đường bờ biển ở Quảng Đông và Hải Nam đến sát Borneo – một hòn đảo được chia sẻ giữa Malaysia, Indonesia và Brunei, và bao gồm gần như toàn bộ vùng biển giữa Việt Nam và Philippines. Đòi hỏi chủ quyền này bao trọn hơn 90% Biển Đông bất chấp việc Trung Quốc (trong đó có cả Vùng lãnh thổ Đài Loan) chỉ có khoảng 20% đường bờ biển ở biển này.

 

“Tất cả những đòi hỏi chủ quyền trên dựa trên yếu tố lịch sử có chọn lọc, phớt lờ sự tồn tại rõ ràng của những dân tộc khác và lịch sử đi biển cũng như giao thương trên biển của họ có từ cách đây 2.000 năm, trước khi Trung Quốc bắt đầu tiến ra biển phía nam và vươn xa hơn. Người Indonesia đã đến Châu Phi và chiếm Madagascar làm thuộc địa từ cách đây 500 năm, trước cả Trịnh Hòa. Đến lượt mình, người dân ở các nước Đông Nam Á tiếp nhận nhiều hơn từ Ấn Độ và thế giới Hồi giáo chứ không phải Trung Quốc”, phóng viên Bowring nhận định.


Kiệt Linh - (theo SCMP)

Ý kiến bạn đọc