Bạn bè Châu Á của Trung Quốc đi đâu?

13:30, 07/05/2014
|

(VnMedia) - Cho đến gần đây, Nhật Bản vẫn là một quốc gia mà luật pháp cấm sử dụng chiến tranh như là một cách để giải quyết các cuộc tranh chấp quốc tế. Philippines vẫn chưa được vào trong danh sách ưu tiên của Mỹ. Indonesia là một quốc gia trung lập và không có Tổng thống Mỹ nào đến thăm Malaysia trong vòng 48 năm qua.
 

Ảnh minh họa

Người Philippines biểu tình phản đối Trung Quốc


Tất cả những điều trên giờ đã thay đổi khi Tổng thống Mỹ Barack Obama kết thúc chuyến công du Châu Á mới đây đến các địa điểm dừng chân gồm Nhật Bản, Philippines, Malaysia và Hàn Quốc. Một liên minh giữa các nước Châu Á đang bắt đầu hình thành dưới chính sách chuyến hướng trọng tâm vào Châu Á của Mỹ cùng với một loạt thỏa thuận kinh tế mới. Các mối quan hệ ngoại giao nhen nhóm trở lại.
 
Tuy nhiên, Trung Quốc lại không phải là một phần của liên minh trên. Đó là do thực tế Trung Quốc đang ngày một hung hăng hơn, quyết liệt hơn. Trung Quốc đã biến mình trở thành kẻ thù của hầu hết các nước láng giềng.
 
“Điều đang diễn ra ở Trung Quốc là sự từ bỏ chính sách ‘nổi lên một cách hòa bình’ của nước này, ông Edward Luttwak – một tác giả đang làm cố vấn cho nhiều cơ quan chính phủ Mỹ, trong đó có Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao và Cơ Quan An ninh Quốc gia Mỹ, nhận định.
 
“Sự nổi lên hòa bình” là đường lối mà Đảng Cộng sản Trung Quốc đưa ra khi nói về cách tiếp cận của chính quyền Bắc Kinh trong chính sách đối ngoại. Tuy nhiên, Trung Quốc đã từ bỏ cách tiếp cận trên khi bắt đầu phô trương sức mạnh trong các cuộc tranh chấp ở Biển Đông và biển Hoa Đông. “Đất nước Trung Quốc này đã đem đến sự tồn tại cho một liên minh chống Trung Quốc”, ông Luttwak cho biết, ám chỉ đến cách tiếp cận hung hăng của Bắc Kinh trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải.
 
Trung Quốc có tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông và biển Hoa Đông với một loạt các nước láng giềng xung quanh. Tất cả các nước có đường bờ biển đều đòi chủ quyền ít nhất với một số hòn đảo, quần đảo, bãi cạn, bãi đá hay bãi san hô. Trong khi đó, Trung quốc đòi chủ quyền đối với tất cả.
 
Căng thẳng leo cao vào tháng 11 năm ngoái khi Trung Quốc bất ngờ tuyên bố thành lập vùng nhận diện phòng không ở biển Hoa Đông. Tiếp đó, Trung Quốc tiếp tục đưa ra “quy định đánh bắt cá mới” ở Biển Đông.
 
Giới lãnh đạo Trung Quốc tuyên bố, họ sẽ bảo về vùng phòng không bằng quân sự và vùng đánh cá bằng luật lệ mới. Các nước xung quanh cũng như Mỹ thẳng thắn tuyên bố không thừa nhận cả hai điều mà Bắc Kinh đưa ra ở trên. Căng thẳng leo thang. Tàu chiến Trung Quốc gần như đâm vào các tàu đánh cá và tàu quân sự của các nước khác. Máy bay Trung Quốc bám đuổi theo máy bay các nước khác trong khu vực.
 
Cuối cùng, điều mà Trung Quốc tạo ra là một môi trường căng thẳng – một môi trường mà ở đó các nước  bị đe dọa để phải sợ Trung Quốc và phải từ bỏ các đòi hỏi chủ quyền của mình theo yêu cầu của Trung Quốc. Tuy nhiên, kết quả hóa ra lại đi ngược lại.
 
“Ở Thái Bình Dương, các bạn có nhiều nước với số dân đông hơn Trung Quốc, có GDP lớn hơn Trung Quốc và có công nghệ tốt hơn Trung Quốc. Kết hợp lại, Ấn Độ và Nhật Bản lớn hơn Trung Quốc”, ông Luttwak nói. Ông này cũng cho rằng, sức mạnh của Trung Quốc đang nhạt dần đi do sức tăng trưởng kinh tế đang chậm lại và đặc biệt khi mà Trung Quốc đã khiến các nước láng giềng phải lao vào quân sự hóa và thành lập liên minh nhằm chống lại các hành động của họ.
 
Sự hiện diện của Mỹ giúp tăng thêm sức mạnh cho lực lượng đối trọng với Trung Quốc.
 
Thay vì rút lui, Trung Quốc lại đánh trống to hơn. Trong khi ông Obama đến thăm các nước Châu Á, Nhật Bản thông báo sẽ xây dựng một trạm radar ở đảo Yonaguni, ngay phía đông vùng lãnh thổ Đài Loan. Trung Quốc nhanh chóng đáp trả, tuyên bố sẽ tổ chức các cuộc tập trận, những cuộc tuần tra và nhiều hoạt động quân sự khác gần trạm radar mới của Nhật Bản.
 
Theo chuyên gia June Teufel Dreyer – người từng làm cố vấn chính sách Châu Á cho người phụ trách chiến dịch hải quân Mỹ, cho biết, nhiều nước trong khu vực Châu Á nhận thấy họ đang ở trong một tình huống phức tạp.
 
Tổng thống Obama đã trấn an các nước đang lo ngại về Trung Quốc, Trong khi đó, Trung Quốc được cho là sẽ thử thách quyết tâm trong hành động của Mỹ. “Tôi cho rằng, tình hình này sẽ tiếp tục còn leo thang”, nhà phân tích Dreyer nhận định.
 
Bắc Kinh thực chất cũng đang rơi vào tình thế phức tạp. Nếu họ rút lui, họ sẽ mất thể diện với thế giới nhưng nếu tiếp tục leo thang, các nước khác sẽ tiếp tục lùi ra xa họ.
 
Với trường hợp của Mỹ, Trung Quốc rõ ràng không cố ý giúp siêu cường số 1 thế giới củng cố các mối quan hệ và liên minh ở Châu Á theo cách này.
 
Chỉ cách đây 2 năm, Nhật Bản còn sẵn sàng “đá” quân đội Mỹ ra khỏi quần đảo Okinawa. Giờ đây, lập trường của Nhật Bản về sự hiện diện quân sự của Mỹ ở nước họ đã thay đổi nhanh chóng khi Trung Quốc thông báo lập vùng nhận diện phòng không và bắt đầu đe dọa Nhật Bản, nói rằng Mỹ sẽ không bảo vệ nước này trong trường hợp có một cuộc chiến tranh nổ ra ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
 
Phát biểu trên của Trung Quốc đã buộc Mỹ phải làm rõ mối quan hệ theo hiệp ước phòng thủ chung giữa nước này với Nhật Bản. Và trong chuyến thăm Châu Á gần đây của Tổng thống Obama, ông này đã trực tiếp khẳng định rằng, cam kết bảo vệ Nhật Bản của Mỹ là “tuyệt đối”.


Kiệt Linh - (theo Epoch Times)

Ý kiến bạn đọc