4 sai lầm chiến lược trong vụ đưa giàn khoan ra biển Việt Nam

08:53, 17/05/2014
|

(VnMedia) - Từ hôm 1/5, Trung Quốc đã đưa một giàn khoan tự chế khổng lồ vào hạ đặt ở phía nam của Biển Đông. Địa điểm hạ đặt của giàn khoan 981 chỉ cách bờ biển của Việt Nam có 120 hải lý, nằm trọn trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Để hậu thuẫn cho hành động sai trái và phi pháp của mình, Trung Quốc còn đưa hàng chục tàu thuyền, có lúc lên tới gần 100 chiếc, vào vùng biển Việt Nam. Con số này tiếp tục tăng lên. Các thuyền của nước khác bị cảnh báo tránh xa giàn khoan của họ để đảm bảo an ninh và an toàn.
 

Ảnh minh họa

Trung Quốc mở bạt vũ khí, hung hăng chĩa thẳng về phía tàu Việt Nam (ảnh: TP).


Động thái trên cho thấy một bước leo thang mới đầy nguy hiểm của Trung Quốc. Kể từ năm 2007, Bắc Kinh đã ngày một tỏ ra hung hăng, hiếu chiến trong việc thực hiện tham vọng độc chiếm Biển Đông của nước này. Giới chức Trung Quốc đã tấn công và bắt giữ các ngư dân nước ngoài đang hoạt động trong những ngư trường đánh cá truyền thống của họ ở Biển Đông. Các công ty dầu khí bị gây sức ép buộc phải rút ra khỏi các hợp đồng với những quốc gia Đông Nam Á có chủ quyền ở Biển Đông vì lo ngại sự trả đũa của Trung Quốc.
 
Năm 2009, Bắc Kinh chính thức đưa ra yêu sách đường 9 đoạn hay còn gọi là đường lưỡi bò để đòi chủ quyền đối với hơn 80% Biển Đông. Động thái leo thang này tiếp tục được đẩy lên cao bằng lời khẳng định được đưa ra năm 2010 của giới chức Trung Quốc về việc Biển Đông là một trong những lợi ích cốt lõi của họ. Năm 2012, Trung Quốc đã thiết lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” với phạm vi quản lý hơn 200 đảo nhỏ, bãi cát và bãi đá ngầm ở 3 quần đảo lớn ở Biển Đông, trong đó có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Sau khi dựng lên chính quyền ở đây, Trung Quốc còn đưa quân đến đồn trú ở cái gọi là “thành phố Tam Sa” này. Trong thời gian này, Trung Quốc không ngừng gia tăng năng lực quân sự của nước này ở Biển Đông.
 
Động thái leo thang mới nhất của Trung Quốc ở Biển Đông được đánh giá là một sự tính toán sai lầm nghiêm trọng của giới lập chính sách Trung Quốc. Bắc Kinh đã mắc 4 sai lầm chiến lược. Trước hết, hành động mới của Trung Quốc đã đẩy Việt Nam vào tình thế không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải có phản ứng mạnh mẽ và kiên quyết. Điều 56 của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) đã nói rõ rằng, một quốc gia ven biển có quyền chủ quyền trong việc thăm dò và khai thác, bảo vệ và quản lý các nguồn lực tự nhiên trong vùng đặc quyền kinh tế của họ (EEZ). Vì thế, chẳng có cở sở pháp lý hay lý lẽ nào của UNCLOS có thể giải thích được ý định thăm dò dầu khí của Trung Quốc ở khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
 
Việt Nam đã phải đáp trả một cách mạnh mẽ và quyết liệt hành động của Trung Quốc. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã gọi điện cho Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì để phản đối động thái của Trung Quốc và khẳng định rằng Việt Nam “sẽ áp dụng mọi biện pháp cần thiết và thích hợp  để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam” ở Biển Đông. Tàu của cảnh sát biển và kiểm ngư Việt Nam đã được phái đến khu vực để ngăn chặn việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trong vùng biển của Việt Nam. Trung Quốc đã đưa hàng chục tàu thuyền, có lúc lên 80 hoặc 99 tàu, đến để bảo vệ cho giàn khoan mà họ hạ đặt trái phép ở vùng biển của Việt Nam. Những cuộc đụng độ giữa tàu thuyền hai nước đã diễn ra và sẽ còn nhiều cuộc đụng độ như thế nữa. Diễn biến này chỉ đẩy Việt Nam ra xa hơn nữa với Trung Quốc. Trong khi đó, giới chức Mỹ liên tiếp lên tiếng chỉ trích Trung Quốc về hành động “khiêu khích nguy hiểm” của nước này ở Biển Đông.
 
Sai lầm thứ hai là hành động của Trung Quốc đã vi phạm các nguyên tắc của Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và làm gia tăng hoài nghi của các nước trong khu vực về ý định thực sự của Bắc Kinh. Ngoài Việt Nam và Philippines, Singapore với Malaysia gần đây cũng ngày càng tỏ ra quan ngại về các hành vi xử sự của Bắc Kinh ở trong khu vực. Indonesia – nước từng tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc giữ lập trường trung lập đối với các cuộc tranh chấp ở Biển Đông, giờ đây cũng đã thay đổi quan điểm và đang thách thức đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc. Trên thực tế, tàu thuyền vũ trang của Trung Quốc đã có nhiều lần đối đầu với tàu thuyền của Indonesia trong khu vực mà Jakartar và Bắc Kinh có tranh chấp.
 
Nếu Trung Quốc tiếp tục khoan thăm dò dầu khí ở trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam cùng với việc chiếm bãi cạn Scarborough từ Philippines hồi năm 2012, nước này sẽ lấn về phía nam và các cuộc đụng độ sẽ xảy ra giữa Bắc Kinh với Malaysia và Indonesia. Trong bối cảnh vai trò của Indonesia trong ASEAN, sự thay đổi lập trường gần đây của Jakarta đối với Trung Quốc là một bước thụt lùi đối với Bắc Kinh. Trung Quốc càng hung hăng trong tranh chấp ở Biển Đông, uy tín quốc tế của nước này càng bị tổn hại. Những thành tựu của chính sách “tấn công quyến rũ” của Trung Quốc đối với Đông Nam Á trong những năm 1990 có thể bị cuốn trôi bởi những đợt thủy triều dữ dội của chủ nghĩa dân tộc chống Trung Quốc ở Đông Nam Á. Hôm 10/5, ngoại trưởng các nước ASEAN ra tuyên bố về tình hình Biển Đông, bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về những diễn biến gần đây ở Biển Đông và nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình, an ninh, sự ổn định và sự tự do hàng hải của Biển Đông. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1995, ASEAN ra tuyên bố riêng về Biển Đông, thừa nhận diễn biến hiện nay ở Biển Đông đang đe dọa hòa bình, sự ổn định và an toàn tự do  hàng hải ở khu vực biển này. Đây chính là đòn phản ứng ngoại giao thống nhất của Đông Nam Á nhằm vào Trung Quốc.
 
Thứ ba, Trung Quốc đã đánh mất cái cớ mà họ đưa ra để hiện đại hóa quân đội. Bắc Kinh tuyên bố, chương trình hiện đại hóa quân đội của họ chỉ mang bản chất hòa bình và không làm phương hại đến an ninh khu vực. Trong giai đoạn căng thẳng leo thang ở Biển Đông từ năm 2007 đến 2013, Trung Quốc thường kiềm chế không sử dụng lực lượng hải quân. Thay vào đó, những lực lượng bán quân sự hiện đại như Hải giám Trung Quốc, thường được triển khai để thực hiện tham vọng của họ ở Biển Đông. Trong cuộc đối đầu với Philippines ở bãi cạn Scarborough năm 2012, Trung Quốc không đưa bất kỳ tàu hải quân nào đến khu vực. Trung Quốc đã dùng lực lượng tàu bán quân sự và tàu cá để đẩy Philippines ra khỏi ngư trường đánh cá truyền thống của nước này. Tuy nhiên, hiện giờ, để bảo vệ cho việc hạ đặt trái phép của giàn khoan 981 ở vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Bắc Kinh thậm chí đã phái đi 7 tàu chiến của hải quân để tham gia cùng với 33 tàu hải giám và hàng chục tàu của cảnh sát biển và nhiều loại tàu khác đến biển của Việt Nam. Đây là lần đầu tiên trong những năm trở lại đây, tàu hải quân Trung Quốc tham gia vào một cuộc tranh chấp trực tiếp ở Biển Đông. Các nước khác vì thế có lý do để lo ngại về những ý định, mưu đồ thực sự đằng sau chương trình hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc.
 
Sai lầm chiến lược thứ 4 là động thái của Trung Quốc có thể gây bất ổn cho an ninh khu vực, tạo cản trở cho nỗ lực của Bắc Kinh trong việc tái cơ cấu lại nền kinh tế và duy trì tăng trưởng. Bắc Kinh đang đối mặt với hàng loạt thách thức nghiêm trọng trong nước như môi trường ô nhiễm trầm trọng, dân số già và các phong trào ly khai ở Tây Tạng, Tân Cương. Trong mấy năm gần đây, Trung Quốc liên tục phải đối mặt với những cuộc tấn công khủng bố ở các thành phố lớn, đe dọa sự ổn định xã hội của nước này. Ngoài ra, nền kinh tế của Trung Quốc đang có dấu hiệu phát triển chậm lại. Giới lãnh đạo Trung Quố rất cần một môi trường quốc tế ổn định để tập trung nguồn lực đối phó với các thách thức ở bên trong nội tại nước này. Tuy nhiên, hành động của Trung Quốc ở Biển Đông có thể phá vỡ an ninh khu vực và làm phương hại đến nỗ lực duy trì sự tăng trưởng.


Kiệt Linh - (theo TNI)

Ý kiến bạn đọc