(VnMedia) - Cuộc đối đầu Đông Tây căng thẳng ở Ukraine có thể sẽ lên tới một cấp độ leo thang mới: đó là cuộc chiến giữa sát thủ cá heo của Hải quân Nga và Mỹ ở Biển Đen.
Ảnh minh họa |
Theo một nguồn tin từ tờ báo Izvestia của Nga cho biết, Mỹ sẽ triển khai các đơn vị động vật có vú trong biên chế của Lực lượng Hải quân đến Biển Đen trong mùa hè này. Đây là nơi mà lực lượng sát thủ cá heo và sư tử biển của Mỹ có thể sẽ phải đối đầu với những đối thủ đến từ Nga.
Tờ Izvestiya hôm qua (21/4) đưa tin, những con cá heo và sư tử biển được quân đội Mỹ đào tạo sẽ đến tham gia vào các cuộc tập trận quân sự sắp tới của NATO ở Biển Đen.
Tờ báo trên dẫn lời một phát ngôn viên của chương trình phát triển động vật có vú trong Hải quân Mỹ, cho biết, khoảng 20 con cá heo và 10 con sư tử biển sẽ tham gia vào loạt tập trận sắp tới. Các cuộc tập trận này được tổ chức nhằm thử nghiệm những thiết bị mới được thiết kế để “làm mất phương hướng các hệ thống định vị ngầm dưới nước của kẻ thù, trong khi cá heo và sư tử biển đi săn lùng thủy lôi cũng như những thợ lặn quân sự của đối phương”, tờ báo Nga trích dẫn nguồn tin cho hay.
Các bài diễn tập sẽ được tiến hành theo chương trình huấn luyện động vật có vú của Hải quân Mỹ. Đây là chương trình đào tạo, huấn luyện các con vật cho nhiệm vụ bảo vệ tàu thuyền, bến cảng và dò tìm thủy lôi.
"Ngoài ra, chúng tôi có kế hoạch thử một bộ giáp mới cho những con cá heo đang được phát triển bởi một trung tâm nghiên cứu chuyên biệt ở trường Đại học Hawaii”, tờ Izvestiya dẫn lời phát ngôn viên chương trình phát triển động vật có vú trong Hải quân Mỹ - ông Tom LaPuzza cho biết.
Những con cá heo và sư tử biển của Mỹ sẽ được chuyển đến Ukraine bằng máy bay. Đây sẽ là cuộc tập trận đầu tiên của NATO có sự tham gia của các chiến binh cá heo. Quân đội Mỹ được cho là đang sở hữu hơn 100 con cá heo, sư tử biển California và cá voi.
Cuộc tập trận sắp tới được lên kế hoạch kéo dài không quá 2 tuần. Theo một thỏa thuận quốc tế, thời hạn tối đa các nước không được quyền vào Biển Đen có thể ở khu vực này là 21 ngày.
Trước đó cũng có tin, Nga sẽ bắt đầu sử dụng lực lượng cá heo cho các nhiệm vụ của hải quân ở Biển Đen. Hải quân Nga đã tiếp nhận những con cá heo và sư tử biển được Ukraine đào tạo sau khi bán đảo Crimea chính thức sáp nhập vào Nga.
Cuộc đối đầu giữa sát thủ cá heo Nga, Mỹ
Theo thông tin được cung cấp trên website chính thức của Hải quân Ukaine và của nơi quản lý bể cá biển lớn trong quân đội, việc đào tạo những con cá heo cho Hải quân Xô viết ở thành phố cảng Sevastopol đã được thực hiện từ những năm 1960. Những con cá heo được đào tạo để dò tìm thiết bị quân sự như thủy lôi dưới đáy biển, để tấn công những người lặn và giúp phát triển “các phương tiện cho chiến đấu dưới biển”. Vào những năm 1980, cá heo còn được đào tạo cho nhiệm vụ chống phá hoại và các chiến dịch giải cứu trên biển. Sau khi Liên Xô tan vỡ, Hạm đội Biển Đen được chia thành hai phần, một cho Nga và một cho Ukraine. Phần đào tạo cá heo và các chuyên gia trong lĩnh vực này được chuyển sang cho Lực lượng Vũ trang Ukraine.
Tuy nhiên, sau sự kiện sáp nhập Crimea, lực lượng cá heo được huấn luyện ở Sevastopol chính thức được chuyển giao cho Hải quân Nga.
Việc Mỹ đưa hàng chục chiến binh cá heo và sư tử biển đến Biển Đen sẽ đánh dấu lần đầu tiên có sự chạm mặt giữa hai lực lượng sát thủ động vật có vú của hai nước Nga, Mỹ. Nga và Mỹ là hai nước duy nhất được biết đến là đang huấn luyện những con cá heo cho mục đích quân sự.
Hải quân Mỹ tỏ ra không quá lo ngại về những con cá heo đối thủ từ Nga dù chương trình đào tạo, huấn luyện của Nga khá bí mật. "Chúng tôi không có dữ liệu chính thức nào về trung tâm của Nga và tôi không thể nói chúng tôi đánh giá như thế nào về năng lực của lực lượng cá heo của Nga", ông LaPuzza nói. Những con cá heo và sư tử biển của Mỹ có thể ở thế bất lợi. Chúng phải bay một chặng đường dài hàng nghìn km từ căn cứ chính ở San Diego đến Biển Đen. Những con cá heo được đặt trong những bể nước đặc biệt để chúng có thể cảm thấy thoải mái nhất có thể. Cá heo có thể không bị tình trạng mệt mỏi sau một chuyến bay dài nhưng chúng chắc chắn phải có sự thích ứng, điều chỉnh với những thay đổi.
Đầu tiên, lực lượng cá heo, sư tử biển của Mỹ phải thích ứng với vùng biển mới. Biển Đen có độ mặn khoảng 17% trong khi ở Thái Bình Dương – nơi ở chính của những con cá heo Mỹ, độ mặn là 35%. Ngoài ra, nhiệt độ nước của vùng biển cũng khiến cá heo Mỹ phải có sự thích ứng. Hải quân Mỹ không nói đến chuyện liệu độ mặn và nhiệt độ nước có ảnh hưởng thế nào đến đội quân cá heo và sư thử biển của họ. Nếu các chiến binh cá heo của Mỹ và Nga gặp nhau trên biển, ít nhất NATO nên giữa hòa bình. Trừ khi, tất nhiên, chính những chiến binh có vú quyết định gia nhập với nhau thành một đội và lập ra cho chúng một lực lượng Hải quân riêng.
Kiệt Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc