Phương Tây sẽ chảy máu nếu chiến tranh khí đốt với Nga

15:32, 18/04/2014
|

(VnMedia) - Cơ hội để phương Tây làm tổn thương nền kinh tế của Nga là hạn chế. Liên minh Châu Âu (EU) không thể ngừng mua khí đốt của Nga mà không tự làm hại chính mình và nếu Mỹ tìm cách hạ giá dầu mỏ thì đồng đô la sẽ phải hứng chịu hậu quả, Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm qua (17/4) đã nói như vậy.
 

Ảnh minh họa

Ảnh minh hoạ


Nếu phương Tây tìm cách gây tổn hại đến ảnh hưởng của Nga trên thị trường năng lượng thế giới, những nỗ lực của họ sẽ phản tác dụng, Tổng thống Nga trong biết trong cuộc trả lời trực tuyến với người dân lầh thứ 12 diễn ra ngày hôm qua.
 
Để thực sự gây ảnh hưởng được trên thị trường dầu mỏ thế giới, một nước cần phải tăng cường sản xuất và giảm giá cả. Đây là điều mà chỉ có Ả-rập Xê-út mới có thể làm được, ông Putin nói. Nhà lãnh đạo nước Nga nói thêm rằng, ông không nghĩ là Ả-rập Xê-út sẽ làm như thế bởi nước này có “mối quan hệ rất tốt đẹp” với Nga. Hơn nữa, Ả-rập Xê-út cũng sẽ không chọn cách giảm giá bởi điều đó có thể gây tổn thất cho nền kinh tế của họ.
 
Nếu sản xuất dầu mỏ của thế giới tăng lên, giá có thể giảm xuống khoảng 85 USD/1 thùng. “Đối với chúng tôi, giá giảm từ 90 USD xuống 85 USD không phải là vấn đề”, ông Putin cho biết đồng thời nói thêm rằng đối với Ả-rập Xê-út, mọi việc sẽ nhạy cảm hơn.
 
Theo ông chủ điện Kremlin, là một thành viên của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), Ả-rập Xê-út cần phải phối hợp hành động với tổ chức này, vì thế, mọi việc “sẽ rất phức tạp”.
 
Trong khi đó, Nga cung cấp khoảng 1/3 nhu cầu năng lượng của Châu Âu. Ví dụ như Phần Lan phụ thuộc chặt chẽ vào Nga trong lĩnh vực kinh tế, khi nước này nhập khẩu đến 70% nhu cầu khí đốt từ Nga.
 
“Liệu Châu Âu có thể ngừng mua khí đốt của Nga hay không? Tôi cho rằng, đó là điều không thể … Liệu điều đó có khiến họ bị chảy máu hay không? Rất khó để có thể tưởng tượng”, Tổng thống Nga cho biết.
 
Vì dầu mỏ được bán trên thị trường toàn cầu, việc cắt giảm giá đồng nghĩa với tình hình lưu thông đồng đô la giảm đi, làm suy yếu giá trị của đồng tiền Mỹ trên thị trường tiền tệ quốc tế.
 
Nền kinh tế của Nga phụ thuộc chủ yếu vào hoạt động xuất khẩu năng lượng. Năm 2013, hơn 50% nguồn ngân sách quốc gia là từ doanh thu xuất khẩu dầu mỏ, khí đốt. Doanh thu chính từ dầu mỏ hồi năm ngoái là 191 tỉ USD trong khi khí đốt là 28 tỉ USD.
 
“Doanh thu từ dầu mỏ và khí đốt đóng góp rất lớn cho ngân sách Nga, một phần lớn cho chúng tôi khi chúng tôi quyết định các chương trình của chính phủ và tất nhiên đáp ứng các nghĩa vụ xã hội của chúng tôi”, ông Putin cho biết.
 
Châu Âu có nguy cơ mất 215 tỉ USD nếu ngừng nhập khẩu khí đốt từ Nga
 
Công ty nghiên cứu tài chính Sanford C. Bernstein & Co của Mỹ gần đây đã đưa ra đánh giá rằng, Châu Âu sẽ phải mất tới 215 tỉ USD tiền đầu tư nếu ngừng mua khí đốt từ Nga.
 
"Châu Âu cần phải giảm nhu cầu khí đốt tự nhiên xuống 15 tỉ mét khối nếu muốn ngừng nhập khẩu khí đốt tự nhiên từ Nga. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc liên minh này sẽ phải sử dụng khoảng 40 tỉ USD vào những nguồn năng lượng thay thế đắt đỏ hơn”, công ty Sanford C. Bernstein & Co cho biết trong một tuyên bố.
 
Ngừng nhập khẩu khí đốt từ Nga sẽ dẫn tới tình huống mà “tất cả người Châu Âu sẽ phải tắm nước lạnh một lần một tháng, khí thải CO2 sẽ tăng thêm 300 triệu tấn/1 năm, khoảng giảm thuế ưu đại cho sản xuất khí đốt ở Na-uy sẽ lên tới 12 tỉ USD, nguồn năng lượng hạt nhân của Châu Âu sẽ tăng 5% và hầu hết các doanh nghiệp tiêu thụ khối lượng lớn khí đốt tự nhiên sẽ phải đóng cửa”, công ty của Mỹ đã phân tích như vậy.
 
"Chúng tôi đã xem xét nhiều kịch bản Châu Âu từ chối nguồn cung cấp khí đốt từ Nga nhưng chẳng có kịch bản nào là hấp dẫn”, công ty trên cho biết thêm.
 
Trong khi đó, một nhà phân tích năng lượng cấp cao khác của công ty IHS ở Colorado cho rằng, Châu Âu chưa tìm được nguồn thay thế năng lượng thực tế nào nếu ngừng nhập khí đốt từ Nga.
 
 " EU phụ thuộc đến 30% nhu cầu khí đốt vào Nga và điều đó đồng nghĩa với việc không có nguồn thay thế thực tế nào để giúp EU tránh sự phụ thuộc vào nguồn cung cấp năng lượng từ Nga", nhà phân tích Andrew Neff cho hay.
 
Cuộc khủng hoảng ở Ukraine hiện nay đã dẫn tới việc huỷ bỏ các hợp đồng khí đốt giữa Ukraine và Nga. Moscow đã rút lại các chính sách giảm giá khí đốt cho Ukraine.
 
Mâu thuẫn trên đã gây lo ngại cho các khách hàng khí đốt của Nga ở Châu Âu bởi 80% nguồn cung cấp khi đốt cho Châu Âu từ Nga là đi qua đường ống dẫn khí ở Ukraine.  
 
Với việc Nga cũng phụ thuộc vào Châu Âu như là thị trường xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt chính, những lời đe doạ, cảnh báo mang tính chính trị về việc giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga sẽ chẳng có ích gì  ngoài việc làm xấu đi mối quan hệ vốn đã khó khăn và phức tạp giữa hai bên, ông Neff cho biết thêm.
 
Cả Nga và EU đều không muốn rơi vào tình thế đối đầu với nhau, gây ảnh hưởng đến cả hai. Vì vậy, Moscow đã tìm cách trấn an EU bằng tuyên bố đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng cho khu vực này. Trong khi đó, EU chần chừ không muốn theo Mỹ trừng phạt Nga.


Vân Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc