Ông Putin lệnh rút quân khỏi biên giới Ukraine

07:46, 01/04/2014
|

(VnMedia) - Nga đang rút một tiểu đoàn bộ binh cơ giới ra khỏi một khu vực gần biên giới phía đông với Ukraine , Bộ Quốc phòng Nga hôm qua (31/3) cho biết. Một tiểu đoàn thường có quân số từ 300 đến 1.2000 binh lính.

 

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa


Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố, họ đang rút dần quân ra khỏi khu vực Rostov gần biên giới với Ukraine sau cuộc tập trận quân sự kéo dài một tháng.

 

"Tiểu đoàn của chúng tôi đã hoàn thành cuộc tập trận trên thực địa ở bãi tập Kadamovsky thuộc khu vực Rostov và đang bắt đầu quay trở về căn cứ của mình ở khu vực Samara", Bộ Quốc phòng Nga thông báo.

 

Moscow liên tục khẳng định, việc triển khai quân gần biên giới với Ukraine của nước này chỉ là một phần của một cuộc tập trận quân sự và Nga hoàn toàn không có kế hoạch đưa quân vào xâm lược Ukraine như cáo buộc một số nước khác.

 

Mỹ và NATO liên tục bày tỏ lo ngại về ý định của Moscow sau khi sáp nhập Crimea vào Nga. Giới chức phương Tây khăng khăng đòi Nga phải rút quân ra khu vực biên giới với Ukraine Moscow đã nhiều lần khẳng định nước này đang có một cuộc tập trận quân sự. Mỹ còn nói rằng, tiến bộ đạt được trong việc tháo gỡ cuộc đối đầu Đông-Tây ở Ukraine phụ thuộc vào việc Nga rút quân khỏi biên giới.

 

Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố rút quân vì đã hoàn thành cuộc tập trận. Tuy nhiên, giới chức phương Tây tin rằng, cuộc đối đầu ngoại giao căng thẳng Đông-Tây đang dịu dần và điều đó đã khiến Nga quyết định rút quân.

 

Tổng thống Vladimir Putin hôm qua đã đích thân gọi điện cho Thủ tướng Đức Angela Merkel để thông báo về quyết định rút một phần quân của nước này ra khỏi khu vực biên giới với Ukraine , văn phòng của bà Merkel cho biết.

 

Ông chủ điện Kremlin không nói rõ cụ thể về kế hoạch rút quân và hai nhà lãnh đạo Nga, Đức sau đó đã bàn thảo về vấn đề Ukraine, trong đó có “khả năng cần đến sự giúp đỡ của quốc tế để khôi phục ổn định” ở quốc gia Đông Âu này.

 

Hiện tại, chi tiết về kế hoạch rút quân của Tổng thống Putin chưa được công bố nhưng một kế hoạch rút quân dần dần cũng đã giúp làm dịu tình hình căng thẳng đang sôi lên sùng sục sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào nước này, gây ra một cuộc đối đầu Đông-Tây nghiêm trọng nhất từ trước đến nay.

 

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ - bà Jen Psaki cho biết, nếu thông tin về việc Nga rút quân ra khỏi biên giới là chính xác thì đây sẽ là một bước đi ban đầu đáng hoan nghênh”.

 

"Chúng tôi sẽ kêu gọi đẩy nhanh tiến trình này. Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục kêu gọi Nga tham gia đàm phán với chính phủ ở Kiev để làm dịu tình hình", bà Psaki cho hay.

 

Có thể nói, giới chức lâm thời mới ở Ukraine cùng với các quan chức phương Tây trong những ngày qua không rõ vì lý do gì cứ liên tục tung ra các thông tin về hoạt động triển khai quân của Nga ở khu vực biên giới với những con số được cung cấp từ mỗi nguồn tin lại khác nhau. Ukraine thì tố cáo, Nga dồn 100.000 quân về biên giới. Trong khi phương Tây đưa ra con số là khoảng 40.000 hoặc 25.000 binh lính. Những con số mâu thuẫn này đủ khiến người ta hoài nghi về tính chính xác của thông tin. Ngoài ra, Ukraine và phương Tây cũng ra sức cáo buộc Nga đang chuẩn bị xâm lược Ukraine .

 

Nga, Mỹ tìm được tiếng nói chung trong vấn đề Ukraine

 

Thông báo rút quân của Nga cũng được đưa ra sau cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Sergei Lavrov và người đồng cấp Mỹ ở thủ đô Paris của Pháp hôm 30/3 nhằm tìm kiếm một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine . Cả hai nhà lãnh đạo này được cho là đã thể hiện sự nhất trí về sự cần thiết phải thiết lập một hiến pháp liên bang cho Ukraine .

 

Cuộc đàm phán giữa Nga, Mỹ cho thấy tín hiệu về sự khởi đầu của một tiến trình làm dịu căng thawgnr trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine – nơi các khu vực nói tiếng Nga ở đông nam đất nước nhất định không chịu thừa nhận tính hợp pháp của chính phủ lâm thời mới được dựng lên ở Kiev hồi tháng trước. Một hình thức chính phủ liên bang sẽ là cách để bảo vệ quyền của những người thiểu số ở Ukraine đồng thời vẫn bảo vệ được một quốc gia Ukraine thống nhất. Trong thời gian qua, những người thiểu số ở Ukraine luôn cảm thấy bị đe dọa trước giới lãnh đạo lâm thời mới ở Kiev bởi chính quyền này được cho là có chứa nhiều phần tử theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan và bài Nga.

 

Trên đường trở về từ chuyến thăm Trung Đông, Ngoại trưởng Nga đã bất ngờ dừng chân ở Pháp để có cuộc gặp với người đồng cấp Nga Lavrov, gần 2 tuần sau khi Crimea sáp nhập trở lại Nga.

 

“Chúng tôi có chung quan điểm thống nhất với ông John Kerry rằng, giới lãnh đạo hiện nay ở Kiev phải tạo cơ hội cho tất cả các khu vực được tham gia bình đẳng vào tiến trình thành lập hiến pháp mới”, Ngoại trưởng Lavrov phát biểu.

 

Nhà ngoại giao hàng đầu của Nga cũng kêu gọi tìm kiếm một biện pháp thỏa hiệp được các bên chấp nhận để bảo vệ Ukraine với tư cách là một quốc gia thống nhất. Nước này hiện giờ đang bị chia rẽ sâu sắc giữa một bên là khu vực phía tây nói tiếng Ukraine và khu vực phía đông nói tiếng Nga.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc