Nga thản nhiên trước đòn trừng phạt ông Putin của Mỹ

08:22, 22/04/2014
|

(VnMedia) - Mỹ có thể sẽ tung một loạt biện pháp trừng phạt nhằm đích danh vào chính Tổng thống Nga Vladimir Putin vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ - bà Jen Psaki mới đây đã tuyên bố như vậy. Tuy nhiên, bà này cũng nói thêm rằng, những đòn trừng phạt như vậy sẽ không được áp dụng sớm trong thời gian trước mắt.
 

Ảnh minh họa

 Tổng thống Putin


Khi được hỏi bởi đài phát thanh Nga Ekho Moskvy trong một cuộc trả lời phỏng vấn trên Twitter về việc liệu Mỹ có xem xét khả năng trừng phạt trực tiếp Tổng thống Putin hay không, bà Psaki đã trả lời: "Có. Việc đặt ra những hậu quả là rất quan trọng. Mỹ có thể trừng phạt mọi người, các công ty và các lĩnh vực. Mục đích không phải để trừng phạt mà mục đích là làm dịu căng thẳng”.
 
Nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ sau đó nói thêm rằng: "Một loạt các quan chức Nga đang bị xem xét. Rất nhiều người sẽ bị trừng phạt trước khi chúng tôi thảo luận đến trường hợp Tổng thống Putin".
 
Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt như cấm cấp visa và phong tỏa tài sản đối với một loạt quan chức và nghị sĩ cấp cao của Nga mà họ cho là có liên quan đến vụ sáp nhập Crimea vào Nga hồi tháng trước. Washington đã nhằm mục tiêu vào các doanh nhân có mối quan hệ với Tổng thống Putin.
 
Chính quyền của Tổng thống Barack Obama cũng cảnh báo sẽ tung ra thêm nhiều biện pháp trừng phạt nữa có khả năng gây ảnh hưởng đến toàn bộ các lĩnh vực kinh tế nếu Nga không tuân theo thỏa thuận được ký hồi tuần trước ở hội nghị Geneva giữa 4 bên gồm Mỹ, Nga, Liên minh Châu Âu (EU) và Ukraine.
 
Phản ứng trước thông tin về việc Mỹ đang nhăm nhe áp đặt biện pháp trừng phạt lên chính Tổng thống Putin được đăng tải lần đầu tiên trên tờ The Times, thư ký báo chí của Tổng thống Putin – ông Dmitry Peskov đã miêu tả đó là một điều “ngớ ngẩn, lố bịch”.
 
Rõ ràng, đó là một kiểu lừa bịp, ông Peskov đã chỉ trích gay gắt như vậy trên đài phát thanh Echo of Moscow (Tiếng vọng Moscow) hồi cuối tuần vừa rồi. "Phát ngôn viên điện Kremlin coi đó là một trò lố bịch”, bản thông cáo báo chí của đài phát thanh Tiếng vọng Moscow đã cho biết như vậy. “Tại sao lại phải sợ những biện pháp trừng phạt, đặc biệt khi chúng lại là những điều ngớ ngẩn, lố bịch như vậy”, ông Peskov nói.
 
"Trong trường hợp này, ông Peskov cho biết, mọi người chỉ có thể cảm thấy nực cười về điều đó”.
 
Trước đó, tờ The Times dẫn lời một số nguồn tin cho biết, có nhiều khả năng Mỹ sẽ trực tiếp từng phạt Tổng thống Putin nếu binh lính Nga tiến vào lãnh thổ Ukraine. Bài báo trên tờ The Times còn nói rằng, Nhà lãnh đạo Nga đang nắm giữ các tài khoản ở một số ngân hàng Thụy Sỹ trị giá lên tới 40 tỉ USD.
 
Sau vụ sáp nhập Crimea vào Nga hồi tháng trước, Mỹ luôn cáo buộc Nga xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Ukraine. Mỹ cùng với Liên minh Châu Âu (EU) đã trừng phạt một loạt quan chức Nga mà họ đưa vào cái gọi là “danh sách đen”.
 
Các biện pháp trừng phạt của Mỹ và EU nhằm vào Nga đến nay chỉ dừng lại ở mức độ cá nhân như cấm cấp visa hay phong tỏa tài sản. Tuy nhiên, phương Tây đang liên tục đe dọa sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt về kinh tế và cô lập quốc tế nếu căng thẳng trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine tiếp tục leo thang.
 
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov lên án động thái trên, nói rằng, việc Mỹ và phương Tây dùng ngôn ngữ trừng phạt để đối thoại với Nga là “không thích hợp và phản tác dụng”.
 
Quan hệ Putin-Obama ngày càng xa cách
 
Có thể nói, khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine tiếp tục kéo dài nhiều tuần liên tục mà không có dấu hiệu kết thúc thì mối quan hệ giữa Tổng thống Obama và người đồng cấp Putin dường như lại chạm xuống một mức đáy mới.
 
Dù tuần trước Tổng thống Putin đã nói đầy tự tin rằng, ông Obama là một “người tốt, dũng cảm”, và chắc chắn sẽ cứu ông nếu ông rơi xuống nước nhưng người ta tin rằng, nếu có tìm được một giải pháp cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine thì đó sẽ không phải là kết quả từ sức mạnh của mối quan hệ cá nhân giữa hai nhà lãnh đạo Nga, Mỹ.
 
Ông Putin từng tuyên bố, quan hệ Nga, Mỹ đã mất đi sự tin tưởng và niềm tin ở mức nghiêm trọng, và nguyên nhân xuất phát từ Mỹ. Phát biểu này cũng ám chỉ đến cả mối quan hệ cá nhân giữa ông Putin với ông Obama.
 
Trong khi đó, về phía ông chủ Nhà Trắng, thậm chí ngay sau khi các cuộc đàm phán ngoại giao ở Geneva hồi tuần trước đạt được bước đột phá quan trọng đầu tiên trong tiến trình tháo gỡ cuộc khủng hoảng ở miền đông Ukraine, Tổng thống Obama vẫn tỏ ra bi quan về triển vọng hòa bình.
 
"Tôi cho rằng, có khả năng, có triển vọng về việc biện pháp ngoại giao có thể làm dịu tình hình và chúng ta có thể tiến lên phía trước để đạt được mục đích, đó là để người dân Ukraine tự quyết định tương lai của họ. Hy vọng của tôi là chúng ta được chứng kiến mọi việc diễn ra suôn sẻ trong mấy ngày tới. Tuy nhiên, chúng ta phải sẵn sàng chuẩn bị đối phó với khả năng tiếp tục diễn ra những nỗ lực can thiệp vào phía đông và nam Ukraine của Nga”, ông Obama đã nói như vậy. Ông này còn ám chỉ rằng, ông không tin Nga sẽ thay đổi lập trường và bản thân ông này cũng không có niềm tin vào năng lực cá nhân của mình trong việc có thể làm thay đổi cách hành xử của Nga.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc