(VnMedia) - Ukraine nên công nhận nền độc lập của Crimea, cải cách hiến pháp, giải quyết khủng hoảng ở khu vực miền đông, và đảm bảo quyền lợi cho người dân nói tiếng Nga ở Ukraine nếu nước này muốn sự hỗ trợ tài chính từ phía Moscow. Đó là tuyên bố vừa được Bộ trưởng Tài chính Nga - ông Anton Siluanov đưa ra hôm qua (12/4).
“Nếu Ukraine đáp ứng 4 điều kiện trên, thì Nga có thể sẽ hỗ trợ thêm (cho Ukraine) cả về lĩnh vực khí đốt lẫn tài chính”, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cho biết sau cuộc họp với người đồng cấp Đức – Wolfgang Schauble tại Washington.
Bộ trưởng Tài chính Nga
Ông Siluanov cho rằng, nên giải quyết khủng hoảng Ukraine bằng các giải pháp hòa bình, dựa trên pháp chế của Ukraine “mà không phân biệt đối xử với cộng đồng dân cư nói tiếng Nga, không có nạn nhân, không có đổ máu”.
Ukraine cũng cần tiến hành cải cách hiến pháp, tổ chức bầu cử tổng thống hợp pháp và “thành lập chính phủ có thể thỏa hiệp”, ông nhấn mạnh.
Khoản nợ khí đốt mà Ukraine đang nợ Nga ước tính lên tới 2,2 tỷ USD.
Ông Siluanov cũng tái khẳng định lời đe dọa đối với nền kinh tế Nga, được Tổng thống Putin và Thủ tướng Medvedev tuyên bố trước đó, rằng nếu Kiev không chi trả các hóa đơn khí đốt sớm thì Nga sẽ áp đặt cơ chế buộc Ukraine phải thanh toán trước cho các hợp đồng về sau.
Ông nói: “Chúng tôi đã nghe được thông tin rằng Ukraine không có kế hoạch chi trả các khoản nợ cho Gazprom. Đây không phải là cách các đối tác hợp tác”.
Bộ trưởng Tài chính Nga khẳng định Nga không muốn gây xung đột trong quan hệ với Ukraine. “Chúng tôi không muốn căng thẳng leo thang. Chúng tôi muốn giải quyết trong hòa bình, như những người láng giềng, chúng tôi quan tâm việc phát triển các quan hẹ thương mại… Chúng ta nên ngồi lại và thảo luận để tìm giải pháp”.
Trước đó, hôm 10/4, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã viết thư gửi tới lãnh đạo 18 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU), trong đó có Đức và Pháp, cảnh báo khủng hoảng nợ của Ukraine đã lên tới mức “nguy kịch” và có thể đe dọa lan tới cả châu Âu.
Ông cũng kêu gọi hợp tác khẩn cấp, thúc giục các đối tác của Nga ở phương Tây hành động.
Theo Thủ tướng Đức Angela Merkel, “có nhiều lý do để xem xét nghiêm túc thông điệp này…và để châu Âu đưa ra một phản ứng chung”.
Ý kiến bạn đọc