Mỹ “tung đòn” trừng phạt uy hiếp Tổng thống Putin

06:37, 29/04/2014
|

(VnMedia) - Mỹ hôm qua (28/4) đã “tung” đòn trừng phạt nhằm vào 7 quan chức chính phủ . Đây được xem là hành động nhằm uy hiếp, gây sức ép buộc ông chủ điện Kremlin phải thay đổi lập trường về cuộc khủng hoảng ở Ukraine .

 

Ảnh minh họa

Tổng thống Obama


Theo thông báo của phía Mỹ, 7 cá nhân người Nga rơi vào danh sách trừng phạt lần này của Mỹ gồm có Phó Thủ tướng Nga Dmitry Kozak; Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Nga Aleksey Pushkov; Chánh văn phòng điện Kremlin Vyacheslav Volodin và Giám đốc Tập đoàn dầu mỏ Rosneft Igor Sechin.

 

Nhà Trắng cho rằng, những người bị họ đưa vào “danh sách đen” trong đợt trừng phạt mới có mối quan hệ cá nhân thân thiết với Tổng thống Putin. Những người này sẽ bị phong tỏa tài sản nếu có ở Mỹ và bị cấm đến Mỹ.

 

Danh sách 17 công ty Nga bị Mỹ trừng phạt hầu hết thuộc lĩnh vực ngân hàng, xây dựng và vận tải.

 

Ngoài ra, Mỹ cũng từ chối cấp giấy phép xuất khẩu cho bất kỳ mặt hàng công nghệ cao nào giúp Nga tăng năng lực quân sự. Bộ Thương mại và Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ hủy bỏ các giấy phép xuất khẩu hiện nay nếu chúng rơi vào trường hợp nói trên, Nhà Trắng cho hay.

 

Đây là vòng trừng phạt thứ ba mà Mỹ áp đặt vào Nga vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine . Tất cả các biện pháp trừng phạt đều nhằm vào những cá nhân và công ty cụ thể.

 

Nhà Trắng tuyên bố, họ tung ra đòn trừng phạt mới nhằm vào Nga, cụ thể hơn là những cá nhân và doanh nghiệp thân với Tổng thống Putin, là để đáp trả cái mà họ cáo buộc là sự không tuân thủ thỏa thuận được ký kết giữa 4 bên ở Geneva hôm 17/4 của phía Nga. Chính quyền lâm thời ở Kiev cùng với Mỹ và phương Tây liên tục đổ lỗi cho Nga đã gây ra tình hình bất ổn và rối loạn ở miền đông Ukraine . Họ cũng cáo buộc Moscow không thực hiện cam kết đưa ra trong thỏa thuận Geneva nhằm làm dịu tình hình căng thẳng ở Ukraine . Tuy nhiên, Moscow đã bác bỏ những cáo buộc trên, tố cáo rằng chính Kiev mới là lực lượng không thực hiện nghiêm túc thỏa thuận Geneva .

 

Mỹ chuẩn bị sẵn các biện pháp trừng phạt mạnh tay hơn nhằm vào Nga

Tổng thống Obama và các đồng minh của Mỹ tuyên bố sẽ chuẩn bị sẵn các biện pháp trừng phạt mạnh tay hơn nhằm vào những lĩnh vực then chốt trong nền kinh tế của Nga như dịch vụ tài chính, năng lượng, kim loại, khai mỏ, quốc phòng và kỹ thuật nếu Nga đưa quân vào xâm lược Ukraine. Ông chủ Nhà Trắng thừa nhận, ông không chắc chắn về việc liệu những biện pháp trong vòng trừng phạt thứ ba mới nhất mà Mỹ vừa tung ra có hiệu quả hay không.

 

“Mục tiêu không phải là theo đuổi cá nhân Tổng thống Putin, mục tiêu là thay đổi sự tính toán của ông ấy, khuyến khích ông ấy hành động chứ không chỉ nói không" để thực hiện biện pháp ngoại giao nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine, Tổng thống Obama đã phát biểu như vậy trong chuyến thăm đến thủ đô Manila, Philippines.

 

Khi Mỹ ra sức thúc đẩy việc “tung” ra thêm nhiều đòn trừng phạt Nga thì đồng minh của họ - các nước thành viên của Liên minh Châu Âu (EU) vẫn còn mâu thuẫn, chia rẽ nhau trong vấn đề nên áp dụng các biện pháp trừng phạt nào nhằm vào Nga. Nhiều người Châu Âu phản đối các biện pháp trừng phạt nhằm mục tiêu vào nền kinh tế Nga bởi hành động trừng phạt về kinh tế sẽ làm tổn thương đến chính nền kinh tế của Châu Âu chẳng khác gì với Nga. Mỹ - nước có mối quan hệ kinh tế với Nga ở mức độ thấp hơn nhiều so với Châu Âu, khẳng định họ sẽ không đơn phương áp đặt các biện pháp trừng phạt về kinh tế. Mỹ muốn EU cùng phối hợp “tung” đòn trừng phạt về kinh tế nhằm vào Nga. Tuy nhiên, điều này xem ra là rất khó.

 

“Tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu tất cả các nước Châu Âu tìm được tiếng nói chung, lập trường chung trong vấn đề trừng phạt về kinh tế” nhằm vào Nga, ông Thierry Mariani – một quan chức cấp cao của Pháp, đã nói như vậy với hãng tin RT. “Khi một nước tuyên bố ‘chúng tôi không nói đến tài chính’... và một nước khác nhấn mạnh ‘chúng tôi không nói về năng lượng’ thì chúng ta sẽ chẳng nói được về điều gì. Đó là lý do tại sao chúng ta phải đưa ra các biện pháp trừng phạt nhằm vào cá nhân – những biện pháp trừng phạt kiểu đó thực chất hoàn toàn chẳng có ý nghĩa gì”.

 

Giới lãnh đạo Nga tỏ ra xem thường mọi lời đe dọa trừng phạt từ Mỹ và phương Tây. Moscow khẳng định, những đòn trừng phạt đó chẳng đem lại kết quả gì mà về lâu về dài còn khiến nền kinh tế Nga mạnh lên.

 

“Sự quá phụ thuộc có thể dẫn đến một sự mất mát về chủ quyền”, Tổng thống Putin đã nói như vậy tại một diễn đàn truyền thông ở St Petersburg hồi tuần trước. Theo ông này, những biện pháp trừng phạt của phương Tây sẽ giúp đem lại cho Nga nhiều lợi thế.

 

Ông chủ điện Kremlin phân tích, lời đe dọa về các biện pháp trừng phạt kinh tế thực sự đang giúp củng cố sức mạnh cho các doanh nghiệp trong nước, đưa trở về Nga nhiều khoản đầu tư từ bên ngoài và tạo cơ hội để các nhà lập chính sách thúc đẩy việc lập ra một chế độ thanh toán nội địa.

 

Những phát biểu đầy tự tin trên của Tổng thống Putin đã củng cố thêm cho phát biểu trước đó của Thủ tướng Dmitry Medvedev. Ông này hồi tuần trước cũng đã nói những điều tương tự, khẳng định thêm các biện pháp trừng phạt từ Mỹ và phương Tây sẽ chỉ khiến nền kinh tế Nga thêm mạnh.

 

“Nhờ các biện phát trừng phạt của phương Tây, Nga đã có thêm động lực để giảm sự lệ thuộc vào bên ngoài và thay vào đó, các nền kinh tế khu vực trong nước trở nên tự lập hơn”, ông Medvedev hôm 22/4 đã phát biểu như vậy.

 

Theo Thủ tướng Medvedev, bất kỳ biện pháp hạn chế nào nhằm vào hàng hóa Nga xuất khẩu sang Mỹ và EU sẽ giúp nước này tái định hướng lại thị trường xuất khẩu, chuyển sang các thị trường Châu Á đang ngày một sôi động và chứa nhiều tiềm năng hơn.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc