(VnMedia) - Washington và Manila hôm qua (27/4) đã đạt được sự nhất trí về việc ký kết một hiệp ước kéo dài 10 năm, trong đó cho phép Mỹ có sự hiện diện quân sự lớn hơn ở quốc gia Đông Nam Á. Thông tin này sẽ khiến Bắc Kinh “thót tim” bởi Washington hiện giờ đã có thể đưa quân áp sát Trung Quốc trong bối cảnh nước này đang có tranh chấp quyết liệt ở Biển Đông với đồng minh Philippines của Mỹ.
Một cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Philippines |
Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Nâng cao sẽ cho phép lực lượng Mỹ tiếp cận tạm thời với các doanh trại quân đội có lựa chọn của Philippines cũng như triển khai các tàu chiến và máy bay chiến đấu. Dự kiến, thỏa thuận trên sẽ được ký kết vào ngày hôm nay (28/4), ngay trước khi Tổng thống Mỹ Barack Obama đặt chân đến Philippines. Chuyến thăm Manila là chặng dừng chân cuối cùng trong chuyến công du 4 nước Châu Á của Tổng thống Obama. Trước đó, ông chủ Nhà Trắng đã đến Nhật Bản, Hàn Quốc và Malaysia.
Nguồn tin từ chính phủ Philippines không cho biết sẽ có thêm bao nhiêu binh lính Mỹ được phép triển khai “trên cơ sở luân phiên và tạm thời” trên lãnh thổ Philippines mà chỉ tiết lộ số binh lính được triển khai sẽ phụ thuộc vào quy mô của các hoạt động quân sự chung được tổ chức trong những doanh trại Philippines.
Hàng trăm binh lính Mỹ đã đang đóng tại miền nam Philippines kể từ năm 2002 để giúp quốc gia Đông Nam Á trong các hoạt động đào tạo chống khủng bố và tư vấn cho binh sĩ Philippines đagn chiến đấu chống lại lực lượng chiến binh Hồi giáo trong nhiều thập kỷ qua.
Hiến pháp Philippines cấm Mỹ có căn cứ thường trú trên lãnh thổ của nước này. Theo thỏa thuận, một chỉ huy căn cứ người Philippines sẽ được phép tiếp cận toàn bộ các khu vực chung với lực lượng Mỹ.
Bất đồng về khả năng tiếp cận của Philippines đối với những khu vực được dành cho Mỹ trong các doanh trại địa phương đã làm cản trở tiến trình đàm phán thỏa thuận trong suốt năm ngoái.
Thỏa thuận mới sẽ tăng cường tốt hơn sự phối hợp giữa lực lượng Mỹ và Philippines, củng cố năng lực cho quân đội 120.000 quân của Philippines trong việc giám sát và bảo đảm an toàn cho lãnh thổ nước này cũng như phản ứng nhanh với các thảm hoạ thiên nhiên hoặc các trường hợp khẩn cấp khác.
"Những nguồn lực được bố trí sẵn sẽ cho phép Philippines phản ứng kịp thời với các thảm họa”, nguồn tin từ chính phủ Philippines co biết.
Sự hiện diện của binh lính nước ngoài luôn là một vấn đề nhạy cảm ở Philippines – nước từng là thuộc địa của Mỹ. Thượng viện Philippines năm 1991 đã bỏ phiếu nhất trí đóng cửa căn cứ của Mỹ ở Subic và Clark, phía tây bắc Manilay. Tuy nhiên, năm 1999, Manila đã thông qua một hiệp ước với Mỹ, trong đó cho phép các lực lượng Mỹ được ra vào nước này trên cơ sở tạm thời. Hiệp ước đó đã mở đường cho hàng trăm binh lính Mỹ vào Philippines tiến hành các cuộc tập trận thường xuyên với mục tiêu là chống khủng bố và chiến binh Hồi giáo ở miền nam Ukraine..
Lần này, hướng tập trung của Philippines và quân đội chưa được đầu tư bài bản của nước này là hướng vào các mối đe dọa bên ngoài, cụ thể là cuộc tranh chấp ở Biển Đông với Trung Quốc. Manila đang muốn dựa vào đồng minh Mỹ để giúp họ hiện đại hóa lực lượng hải quân, không quân nhằm đối phó với Trung Quốc. Thỏa thuận sắp được ký ngày hôm nay nằm trong nỗ lực nói trên của Manila.
Trung Quốc gần đây đang ngày càng tỏ ra hung hăng, quyết liệt trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông. Tàu bán quân sự của Trung Quốc trên thực tế đã chiếm quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough từng là ngư trường đánh cá truyền thống của Philippines. Tiếp đó, Trung Quốc đang đối đầu với Philippines ở một khu vực khác ở Biển Đông.
Mong muốn tăng cường năng lực phòng vệ của Philippines trùng với thời điểm Washington muốn chuyển hướng trọng tâm vào Châu Á sau nhiều năm dính líu quá sâu ở khu vực Trung Đông. Mỹ muốn dồn lực lượng đến Châu Á như một phần của chiến lược làm đối trọng với ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc.
Sự trùng hợp trên có tác dụng ngăn chặn lập trường ngày càng quyết liệt của Trung Quốc trong các cuộc tranh chấp ở Biển Đông, nhà phân tích người Philippines - ông Ramon Casiple đã nói như vậy. Tuy nhiên, điều đó cũng sẽ gây ra phản ứng đối kháng thêm nữa từ Bắc Kinh. Trung Quốc sẽ xem liên minh chiến thuật giữa Mỹ và Philippines là chiến lược của Washington nhằm kiềm chế sự nổi lên của họ và điều đó khuyến khích Bắc Kinh tăng cường sức mạnh quân sự của nước này.
Kiệt Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc