Mỹ đưa bộ binh áp sát Nga?

07:42, 19/04/2014
|

(VnMedia) - Lầu Năm Góc đang tính chuyện triển khai bộ binh đến Ba Lan để mở rộng sự hiện diện quân sự của nước này ở Đông Âu trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Ukraine tiếp tục diễn ra, hãng tin Fox News đưa tin.
 

Ảnh minh họa

Bộ trưởng Quốc phòng hai nước Mỹ và Ba Lan


Một quan chức cấp cao của Mỹ hôm qua (18/4) cho biết, Mỹ đang xem xét khả năng gửi các đơn vị bộ binh tương đối nhỏ, khoảng 130 binh lính, đến Ba Lan – một nước láng giềng sát cạnh Nga. Các đơn vị bộ binh này sẽ đóng tại Ba Lan trên cơ sở luân phiên.
 
Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Tomasz Siemoniak hôm qua đã tiết lộ với tờ Washington Post rằng, Mỹ đang có kế  hoạch đưa binh lính đến nước ông sau cuộc hội đàm giữa ông này với người đồng cấp Mỹ Chuck Hagel trước đó một ngày (17/4).
 
Bộ trưởng Siemoniak cho hay, giới lập kế hoạch quân sự đang tích cực làm việc để vạch ra chương trình tổ chức hậu cần và hai nước có kế hoạch tăng cường mối quan hệ hợp tác trong vấn đề phòng không, chống tấn công mạng, xây dựng lực lượng đặc nhiệm và nhiều vấn đề khác. Bộ trưởng Siemonack cho biết, ông này tin rằng, Mỹ cần phải quay trở lại Châu Âu sau khi thông báo chính sách “chuyển hướng trọng tâm” vào Châu Á.
 
“Ý tưởng cho đến gần đây vẫn là không có nhiều mối đe dọa hơn ở Châu Âu và không cần Mỹ phải có thêm sự hiện diện ở Châu Âu. Tuy nhiên, những diễn biến xảy ra trong thời gian qua cho thấy điều cần thiết là cần một sự chuyển hướng trọng tâm mới, và rằng Châu Âu an toàn, bảo đảm khi Mỹ có mặt ở Châu Âu”, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan đã nói như vậy.
 
Trong khi đó, thư ký báo chí của Lầu Năm Góc – Chuẩn Đô đốc John Kirby cho hãng tin Fox News biết, họ sẽ không thông báo bất kỳ kế hoạch cụ thể nào vào thời điểm này nhưng đang cân nhắc  một số lựa chọn quân sự ở Châu Âu.
 
“Như Bộ trưởng Hagel đã nói rõ, chúng tôi sẽ tiếp tục tìm cách để tái bảo đảm với các đồng minh NATO về cam kết mạnh mẽ của chúng tôi trong việc xây dựng kế hoạch phòng thủ chung theo Điều 5. Để đạt được điều đó, chúng tôi đang cân nhắc một loạt biện pháp thêm nữa mà chúng tôi có thể làm để củng cố khả nawgn sẵn sàng trên không, trên biển và trên mặt đất ở Châu Âu”, ông Kirby tuyên bố.
 
Theo lời Chuẩn  Đô đốc Mỹ, những biện pháp như vậy hoặc sẽ được tiến hành trên cơ sở song phương với từng nước Châu Âu một hoặc thông qua liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương.
 
Mỹ cũng đã triển khai 12 chiến đấu cơ F-16 đến Ba Lan trong những tuần gần đây và đã phái thêm 10 chiến đấu cơ F-15 đến các quốc gia Baltic để thực hiện nhiệm vụ tuần tra thường xuyên bầu trở trong khu vực. Phó Tổng thống Joe Biden cho biết trong chuyến đi đến Ba Lan hồi tháng trước rằng, Mỹ đang hướng tới việc giúp đỡ Ba Lan để nước này tiếp tục hiện đại hóa quân đội.
 
Canada triển khai 6 máy bay chiến đấu CF-18s đến Châu Âu
 
Trong khi Mỹ đang tính chuyện triển khai bộ binh thì Thủ tướng Canada Stephen Harper mới đây vừa tuyên bố sẽ đóng góp 6 chiếc máy bay chiến đấu CF-18 đến tham gia nhiệm vụ bảo vệ bầu trở của NATO. Đây là phản ứng đối phó của Canada đối với cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
 
Những chiếc chiến đấu cơ CF-18 cùng với đội ngũ nhân viên hỗ trợ mặt đất của chúng sẽ được đóng tại Ba Lan.
 
Ngoài ra, quân đội Canada cũng đưa 20 sĩ quan tham mưu đến để củng cố sự hiện diện của Canada ở trụ sở của NATO tại Brussels, Bỉ khi liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương tiến hành thêm các bước đi nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
 
NATO đã yêu cầu Canada tham gia, Thủ tướng Harper cho biết.
 
“Đây là phản ứng của chúng tôi đối với tình hình đang diễn ra ở đó (Ukraine) và nói thẳng ra là đó là phản ứng của chúng tôi đối với mối quan ngại về sự bành trướng và quân sự hóa của Nga dưới thời Tổng thống Vladimir Putin”, ông Harper đã nói như vậy trước thềm cuộc họp với chỉ huy quân sự hàng đầu của Canada – TướngTom Lawson.
 
“Tôi tin rằng, đó là một mối đe dọa nghiêm trọng và lâu dài đối với hòa bình và an ninh toàn cầu. Chúng tôi luôn sẵn sàng hợp tác với các đồng minh trong NATO và ở những nơi khác”, Thủ tướng Canada nói thêm.
 
Tất cả những bước đi, tính toán ở trên được các nước trong NATO tiếp tục thực hiện khi mà Nga, Mỹ, Liên minh Châu Âu (EU) và Ukraine vừa đạt được một thỏa thuận đầy bất ngờ hôm 17/4, trong đó 4 bên đã nhất trí với một loạt biện pháp nhằm làm dịu căng thẳng trong cuộc khủng hoảng đang leo thang nghiêm trọng ở Ukraine.
 
Mặc dù Ngoại trưởng John Kerry đã nói rằng, ngày đạt được thỏa thuận bất ngờ trên là “một ngày làm việc hiệu quả” nhưng ông này vẫn miêu tả đó “chỉ là những lời trên giấy”, ít có ý nghĩa nếu các bên không có những hành động để làm dịu căng thẳng.
 
Trước đó, hôm 16/4, Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen cũng đã thông báo kế hoạch tăng cường sự hiện diện quân sự của liên minh này ở các nước Đông Âu. Cụ thể, trong vài tháng nữa, NATO sẽ tăng cường lực lượng trên không, trên biển và trên đất liền ở khu vực này.
 
Những động thái quân sự được Mỹ và NATO liên tiếp tục ra trong thời gian gần đây là nhằm vào Nga sau khi xảy ra cuộc khủng hoảng ở Ukrane. Các nước phương Tây luôn khăng khăng đổ tội cho Moscow về tình hình bất ổn ở nước láng giềng dù Nga đã nhiều lần bác bỏ cáo buộc này.
 
Nga tin rằng, Mỹ và NATO cố tình “khuấy” lên cuộc khủng hoảng ở Ukraine để làm cái cớ tăng cường sự hiện diện quân sự ở ngay sát nách Nga nhằm kiềm chế, bao vây Nga.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc