Kiev xuống nước, người biểu tình vẫn làm căng

18:31, 19/04/2014
|

(VnMedia) - Kiev đã cam kết để các khu vực tự quyết định vị thế của bất kỳ ngôn ngữ nào của riêng họ đồng thời kêu gọi “hòa bình và sự đoàn kết”. Tuy nhiên, binh lính vẫn được triển khai ở phía đông Ukraine dù chiến dịch quân sự hiện giờ được tuyên bố chuyển sang giai đoạn “ngừng hoạt động”.

 

Ảnh minh họa

Người dân miền đông Ukraine kiên quyết đòi Kiev từ chức


Ngoại trưởng tạm quyền của Ukraine – ông Andrey Deshchytsa hôm qua (18/4) xác nhận,
cái gọi là “chiến dịch chống khủng bố” vẫn tiếp tục được thực hiện ở phía đông Ukraine bất chấp những lời kêu gọi làm dịu tình hình cuộc khủng hoảng trong cuộc họp 4 bên ngày 17/4 vừa rồi giữa Nga, Mỹ, Liên minh Châu Âu (EU) và Ukraine.

 

“Chiến dịch vẫn tiếp tục và cường độ của nó giờ đây phụ thuộc vào việc thực hiện thỏa thuận ngày 17/4, trả lại các tòa nhà chiếm đóng và giao nộp vũ khí”, ông Deshchytsa đã nói như vậy.

 

Giới chức lâm thời ở thủ đô Kiev mong chờ rằng, các nhóm vũ trang bất hợp pháp sẽ hành động theo thỏa thuận mà họ đạt được hội nghị 4 bên và “tận dụng cơ hội do chính phủ Ukraine trao”, Ngoại trưởng tạm quyền Ukraine phát biểu.

 

Tuy nhiên, “chiến dịch chống khủng bố” trước mắt sẽ bước vào giai đoạn “tạm ngừng hoạt động”, phát ngôn viên Cơ quan An ninh Ukraine - Marina Ostapenko cho biết.

 

Cam kết hòa bình

 

Ngoài tuyên bố tạm ngừng “chiến dịch chống khủng bố”, giới chức lâm thời ở Kiev còn đưa ra các cam kết về hòa bình, cải cách hiến pháp và bảo đảm vị thế tiếng Nga ở Ukraine.

 

Tổng thống tạm quyền Ukraine Aleskandr Turchinov và Thủ tướng tạm quyền Arseny Yatsenyuk hôm qua đã có bài phát biểu trực tiếp trên truyền hình, kêu gọi “đoàn kết dân tộc” và kêu gọi tất các các bên “kiềm chế, không gây bạo lực”.

 

“Chính phủ lâm thời Ukraine sẵn sàng tiến hành cải cách hiến pháp toàn diện, trong đó sẽ xác định thẩm quyền của các khu vực”, Thủ tướng tạm quyền Yatsenuk cho biết.

 

Giới chức địa phương ở các khu vực của Ukraine “sẽ tự quyết định” về việc cấp vị thế gì cho tiếng Nga hay bất kỳ ngôn ngữ nào khác trong khu vực, Tổng thống tạm quyền Turchinov nói thêm.

 

Theo Ngoại trưởng tạm quyền Ukraine Deshchytsa, vấn đề cải cách hiến pháp Ukraine đã được đem ra thảo luận ở Geneva hôm 17/4 mặc dù không có chi tiết nào của cuộc thảo luận này được công bố bằng văn bản.

 

Vấn đề thiết lập chế độ liên bang mà người dân miền đông Ukraine đang đòi hỏi cũng như vị thế khu vực của tiếng Nga cũng là nội dung trong chương trình nghị sự của cuộc họp 4 bên.

 

Tuy nhiên, các bên đã không đạt được sự thống nhất trong các vấn đề trên và sẽ phải tiếp tục thảo luận thêm nữa.

 

Người biểu tình miền đông tiếp tục làm căng

 

Trước những bước đi thể hiện sự xuống nước trên của chính quyền lâm thời ở Kiev , lực lượng biểu tình ở miền đông Ukraine vẫn kiên quyết không lùi bước. Những người dân ủng hộ Nga quyết không rời các tòa nhà chiếm đóng ở hơn 10 thành phố miền đông cho đến khi chính phủ lâm thời mới ở Kiev từ chức.

 

Người dân ở miền đông Ukraine không thừa nhận tính hợp pháp của chính quyền lâm thời ở Kiev . Chính quyền này được dựng lên sau khi phe đối lập tiến vào thủ đô, lật đổ Tổng thống Yanukovych hồi cuối tháng 2. Điều đáng nói là ngay khi vừa lên cầm quyền, chính phủ lâm thời mới đã có những phát biểu và bước đi thể hiện thái độ bài Nga, phân biệt đối xử với người gốc Nga bất chấp việc người gốc Nga chiếm đa số ở nhiều khu vực ở Ukraine.

 

Sau thỏa thuận ở Geneva và sau những bước đi thể hiện sự xuống nước của chính quyền lâm thời mới ở Kiev, ông Denis Pushilin – một thủ lĩnh của nước Cộng hòa Nhân dân Donetsk vừa được thành lập, hôm qua đã nói với giới phóng viên rằng, họ quyết không thừa nhận chính phủ ở Kiev hiện nay là hợp pháp.

 

Phát biểu ở trụ sở khu vực đang bị người biểu tình chiếm đóng ở thành phố phía đông Donetsk, ông Pushilin cho hay, chính quyền lâm thời mới ở Kiev cũng đang chiếm đóng các tòa nhà chính quyền ở thủ đô một cách bất hợp pháp.

 

"Đó là một thỏa thuận hợp lý nhưng tất cả mọi người đều cần phải rút khỏi các tòa nhà và những người đó bao gồm cả Arseniy Yatsenyuk (Thủ tướng tạm quyền) và Oleksandr Turchynov (Tổng thống tạm quyền", ông Pushilin đã nói như vậy về thỏa thuận mà 4 bên vừa đạt được hôm 17/4 vừa rồi.

 

Ukraine có kế hoạch tiến hành một cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 25/5 tới nhưng ông Pushilin tiếp tục nhắc lại lời kêu gọi về việc tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý về quyền tự quyết cho khu vực Donetsk vào ngày 11/5 tới. Một cuộc trưng cầu dân ý tương tự như vậy đã dẫn tới quyết định bán đảo Crimea ly khai khỏi Ukraine và quay trở về sáp nhập vào Nga.

 

Đất nước Ukraine đã phải đối mặt với nhiều tháng trời bất ổn, bạo loạn, đầu tiên là ở thủ đô Kiev khi những người biểu tình thể hiện sự tức giận trước việc Tổng thống bị lật đổ Viktor Yanukovych muốn có quan hệ gắn bó hơn với Nga thay vì hướng về phương Tây. Hiện tại, đến lượt những người ủng hộ Nga lại đứng lên biểu tình chống lại chính quyền lâm thời thân phương Tây ở thủ đô Kiev .

 

Cuộc khủng hoảng ở Ukraine hiện nay cũng đang chứng kiến cuộc đối đầu Đông-Tây nghiêm trọng nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Nga với Mỹ và phương Tây được cho là đang tranh giành quyết liệt ảnh hưởng ở quốc gia Đông Âu.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc