Khi đồng minh thân nhất của Mỹ 'bênh' Nga

09:02, 15/04/2014
|

(VnMedia) - Israel – đồng minh thân thiết hàng đầu của Mỹ, trong hai tuần qua đã liên tục bày tỏ sự lo ngại rằng, việc công khai áp dụng một lập trường chống Nga vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine có thể gây ra tổn thất thực sự đối với các lợi ích an ninh của họ, một quan chức Israel tham gia các cuộc hội đàm với Washington đã cho tờ Haaretz biết như vậy.

 

Ảnh minh họa

Ngoại trưởng Israel Avigdor Lieberman


Tờ Haaretz hôm 13/4 đưa tin, Washington đang nổi điên trước việc Jerusalem không công khai lên tiếng chỉ trích Nga về vụ sáp nhập Crimea . Một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết, một trong những lý do khiến Nhà Trắng nổi giận là vì Israel đã vắng mặt tại cuộc bỏ phiếu của Liên Hợp Quốc cách đây 2 tuần nhằm lên án vụ sáp nhập Crimea của Nga cũng như để thể hiện sự ủng hộ đối với Ukraine.

 

Chính sách “không can thiệp” của Israel vào vụ sáp nhập Crimea của Nga đã khiến chính quyền Mỹ thực sự cảm thấy tức giận. Các thành viên của Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao cho biết, họ rất thất vọng khi Israel không ủng hộ lập trường của Mỹ trong vấn đề Ukraine.

 

“Chúng tôi đã tham vấn và bàn bạc rất kỹ về vấn đề Ukraine  với các đối tác và đồng minh trên khắp thế giới. Rõ ràng, chúng tôi đang trông chờ toàn bộ cộng đồng quốc tế lên án hành động của Nga và ủng hộ Ukraine, vì thế, chúng tôi rất kinh ngạc khi Israel không đến tham gia cuộc bỏ phiếu tại Liên Hợp Quốc”.

 

Trong các cuộc đàm phán ở cả cấp làm việc và cấp cao hơn diễn ra suốt hơn 2 tuần qua, Israel đã nhiều lần giải thích lập trường của họ về cuộc khủng hoảng Ukraine cũng như lý do tại sao nước này vắng mặt trong cuộc bỏ phiếu nói trên. Giới chức Israel cho biết, trong khi Bộ Ngoại giao và Quốc hội Mỹ thể hiện sự thông cảm đối với lập trường của Israel thì Nhà Trắng vẫn không cảm thấy bị thuyết phục trước những lời giải thích từ Jerusalem.

 

Sự bất mãn của Mỹ với đồng minh thân thiết hàng đầu Israel trong chính sách về Ukraine đã được phơi bày rõ nét trong cuộc họp hồi tuần trước ở thủ đô Washington giữa Ngoại trưởng Avigdor Lieberman và Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Susan Rice. Ông Leiberman đã giải thích rằng Israel không tham dự cuộc bỏ phiếu tại Liên Hợp Quốc về vấn đề Ukraine do cuộc đình công của các nhân viên Bộ Ngoại giao Israel . Ngoại trưởng Leiberman cho hay, trong cuộc đình công mới nhất, cách đây 3 năm, Tổng thống Nga khi đó là Dmitry Medvedev đã phải hoãn chuyến thăm dự kiến đến Israel vào giây phút cuối cùng và Nga đã hiểu tình hình mà không thể hiện sự tức giận. Bà Rice đã lắng nghe những phát biểu của Ngoại trưởng Lieberman nhưng nhấn mạnh rằng, chính quyền Mỹ rất thất vọng về cách hành xử của Israel .

 

Israel quyết giữ lập trường trung lập, bảo vệ lợi ích quốc gia

 

Ngoại trưởng Israel Avigdor Lieberman còn khiến chính quyền Mỹ “nhảy dựng” lên khi nói rằng cả Mỹ và Nga đang trên cùng một con tàu khi ông này nhấn mạnh lập trường trung lập của Jerusalem trong cuộc khủng hoảng Ukraine.

 

Theo một quan chức Israel, chính quyền Jerusalem đã nói với đồng minh Mỹ trong một loạt cuộc hội đàm ở các cấp khác nhau rằng, thậm chí nếu nước này có ủng hộ việc lên án Nga thì ý nghĩa của điều đó với Mỹ sẽ chỉ mang tính biểu tượng. Tuy nhiên, hành động đó có thể gây ra những tổn thất thật sự cho quan hệ của Israel với Nga.

 

Israel thẳng thừng nói với đồng minh Washington rằng, không giống như Mỹ, Đức và Anh, “lợi ích của chúng tôi gắn liên với việc giải quyết vũ khí hóa học ở Syria và chương trình hạt nhân Iran – nơi Nga có vai trò mang tính quyết định, vì thế, một cuộc đối đầu với Moscow có thể gây ảnh hưởng đến an ninh của chúng tôi”.

 

Trong những phát biểu khiến Mỹ thêm tức giận của Thủ tướng Benjamin Netanyahu và Ngoại trưởng Avigdor Lieberman, giới chức Israel khăng khăng khẳng định lập trường “trung lập” trong vấn đề Ukraine và nhất quyết không ủng hộ lập trường của Mỹ bất chấp sức ép từ đồng minh thân thiết nhất.

 

"Chúng tôi có mối quan hệ tốt đẹp và tin cậy với cả người Mỹ và người Nga. Chúng tôi có quan điểm tích cực với cả hai phía. Vì thế, tôi không hiểu lý do tại sao phải bắt Israel bị cuốn vào rắc rối đó”, Ngoại trưởng Lieberman đã phát biểu như vậy trên kênh truyền hình 9 khi được hỏi về lập trường đối với cuộc khủng hoảng ở Ukraine .

 

Người đứng đầu về an ninh trong Bộ Quốc phòng Israel – Thiếu tướng Amos Gilad đã phát biểu trên đài phát thanh quân đội sáng ngày Chủ nhật (13/4) rằng, chính sách của Israel trong vấn đề Ukraine phải được “chỉ đường dẫn lối” bởi lợi ích an ninh riêng của họ và điều đó không được nhầm lẫn với lợi ích của Mỹ.

 

"Mỹ hãy tham gia theo cách của họ nhưng lợi ích an ninh của Israel không nên được xác định giống như của bất kỳ ai khác, thậm chí là của Mỹ. Israel theo dõi cuộc khủng hoảng ở Ukraine và cũng tập trung vào vấn đề an ninh quốc gia – thứ gây ảnh hưởng đến hiện tại cũng như tương lai của chúng tôi. Mỹ hãy tham gia như nước này muốn nhưng chúng tôi không thể xác định lợi ích của mình giống như lợi ích của các thực thể khác, thậm chí là cả Mỹ”. Đây rõ ràng là một tuyên bố thẳng thừng có phần phũ phàng của giới chức Israel trước việc Mỹ gây sức ép buộc họ phải theo lập trường của siêu cường quốc này trong cuộc xung đột ở Israel .

 

Còn điều gì mất mặt hơn với Mỹ khi nước này ra sức kêu gọi các nước khác ủng hộ lập trường của họ trong khi chính đồng minh thân thiết của Mỹ lại lạnh lùng quay lưng.

 

Đây không phải là lần đầu tiên có tiếng nói phản đối Mỹ về việc cứ bắt các nước khác phải theo đuổi và ủng hộ lập trường của nước này dù lợi ích của các nước là khác nhau. Trước đó, một số nhà phân tích từng lên tiếng kêu gọi Liên minh Châu Âu (EU) đừng theo đuôi Mỹ trong vấn đề Ukraine bởi lợi ích của EU trong quan hệ với Nga khác hẳn với lợi ích của Mỹ.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc