Hãy quên Ukraine, Syria mới là mối đe dọa lớn nhất

12:20, 12/04/2014
|

(VnMedia) - Ông Simon Tisdall - một tay bút kỳ cựu về chính sách đối ngoại từng làm biên tập và là chủ bút cho nhiều tờ báo hàng đầu, mới đây đã có bài viết trong đó nói rằng, mọi người hãy quên cuộc khủng hoảng ở Ukraine đi, mà hãy tập trung đến Syria bởi đó mới là mối đe dọa lớn nhất đối với thế giới.

 

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa


Dưới đây là trích dẫn bài viết của ông Tisdall được đăng tải trên hãng tin CNN của Mỹ:

 

Vụ sáp nhập Crimea vào Nga và cái mà phương Tây lo sợ về nguy cơ Nga xâm lược Ukraine đang thu hút mọi sự chú ý của quốc tế kể từ khi cuộc khủng hoảng ở quốc gia Đông Âu này bùng lên hồi tháng 2 vừa rồi. Những phản ứng kích động bùng lên nhanh như là các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên.

 

Một loạt học giả bị ám ảnh về một cuộc Chiến tranh Lạnh mới, một cuộc đối đầu với Tổng thống Nga Vladimir Putin và kết quả là dẫn đến nhu cầu phải tăng cường chi tiêu quân sự (một điều mà Lầu Năm Góc ưa thích). Mọi cuộc nói chuyện là đều về Ukraine Ukraine . Giới chính sách và ngoại giao dường như đã dừng tất cả mọi thứ khác lại và chỉ tập trung vào Ukraine . Họ dừng luôn cả vấn đề Syria và đây là một sai lầm rất lớn.

 

Nghiêm trọng hơn sự ly khai của một mảnh đất nhỏ bé ở một khu vực xa xôi, thảm họa đang diễn ra hiện nay ở bên trong và xung quanh Syria được xem là một thách thức, mội mối đe dọa căn bản đối với trật tự thế giới.

 

Syria , chứ không phải Crimea , có ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh phương tây theo những cách thức rất căn bản. Những gì đang xảy ra ở đó đang làm thay đổi cán cân quyền lực ở khu vực Trung Đông. Và không giống như ở Ukraine hay ở các nước cộng hòa Baltic hoặc các vùng đất cựu Xô-viết trước đây, một thảm họa nhân đạo kinh hoàng đang diễn ra mà không có lối thoát hay sự chấm dứt. Trong cuộc chiến tranh thực sự chứ không phải chiến tranh giả ở Syria , hơn 100.000 người đã thiệt mạng.

 

Tổng số người dân Syria chạy sang sống tị nạn ở Li-băng đã vượt qua ngưỡng 1 triệu và đây là con số chưa bao gồm hàng chục nghìn người không đăng ký với Cơ quan Tị nạn của Liên Hợp Quốc. Khoảng 12.000 chạy từ Syria sang Li-băng mỗi tuần.

 

Làn sóng người tị nạn tràn ra khỏi đất nước Syria cũng đang tác động đến Jordan , Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập và Iraq . Khi cuộc nội chiến bước sang năm thứ 4, tổng số người Syria chạy sang các nước láng giềng xin sống tị nạn đã là 2,5 triệu người. Thêm 6,5 triệu người khác bị mất nhà cửa, sống lay lắp ngay chính bên trong lãnh thổ của họ và 9,3 triệu người khác đang rất cần được cứu giúp về mặt viện trợ nhân đạo. Nỗi thống khổ của người dân đằng sau những con số đáng sợ trên còn khủng khiếp hơn rất nhiều và điều đó có thể được tận mắt chứng kiến nếu bất kỳ ai ghé thăm các trại tị nạn. Trẻ em đặc biệt bị ảnh hưởng nặng nề.

 

Tuy nhiên, thậm chí nếu họ không bị lay động bởi cái giá quá đắt về nhân mạng con người của cuộc nội chiến thì những tính toán căn bản của chính sách thực dụng cũng gợi ý các chính phủ, giới chính khách và ngoại giao nên quan tâm nhiều hơn đến vấn dề Syria .

 

Một lý do rõ ràng để các chính phủ phải quan tâm là cách cuộc nội chiến ở Syria đang bị lợi dụng để tạo điều kiện cho sự lan tràn, phát tán của chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo. Nhiều khu vực rộng lớn ở phía bắc Syrai giờ đây đang nằm trong quyền kiểm soát của các nhóm chiến binh Hồi giáo và đây là những lực lượng luôn thống nhất trong việc chống đối các giá trị và lợi ích phương Tây.

 

Syria đang ở trong quá trình trở thành một đầu cầu hướng tới Châu Âu của những phần tử khủng bố Al-Qaeda hay các lực lượng có đầu óc cuồng tín. Syria đã trở thành thỏi nam châm thu hút các chiến binh Hồi giáo Châu Âu trẻ muốn tham gia vào cuộc thánh chiến toàn cầu. Họ sau này sẽ đem “các kỹ năng mới” trở về quê hương.

 

Lý do thứ hai khiến các chính phủ phải quan tâm hơn đến vấn đề Syria là cách mà tình trạng bất ổn ở nơi đây đang lan rộng nhanh chóng ra các nước láng giềng xung quanh. Chính phủ Hồi giáo mới ở Thổ Nhĩ Kỳ ban đầu cố gắng tìm kiếm một thỏa thuận hòa bình thì giờ đây lại coi chính mình như đang trong một cuộc chiến tranh với chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad. Cách đây không lâu, Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn hạ một máy bay chiến đấu của Syria mà nước này tuyên bố đã xâm phạm không phận của họ.

 

Sự bất ổn ngày càng tăng và hậu quả bất ổn trên chính trường Syria cũng đang ảnh hưởng đến các nước ủng hộ phương Tây là Li-băng và Jordan . Cuộc xung đột giữa hai thành phần người Shiite và Sunni đang trỗi dậy ở Iraq do được châm ngòi từ “ngọn lửa” ở Syria . Những báo cáo gần đây cho thấy, nhiều chiến binh Shiite của Iraq hiện đang hiện diện ở Syria, quyết tâm ủng hộ chính quyền Tổng thống Assad chống lại phe nổi dậy chủ yếu theo dòng Sunni.

 

Xét về khía cạnh địa chính trị, sự sụp đổ của Syria sẽ tạo cơ hội để Iran vươn tầm ảnh hưởng vào trung tâm của thế giới Ả-rập, mở ra một mặt trận mới trong cuộc chiến chống lại các nền quân chủ của người Sunni ở vùng Vịnh do Ả-rập Xê-út dẫn đầu. Tehran chắc hẳn sẽ rất hài lòng khi chứng kiến Ả-rập Xê-út thể hiện sự bất mãn trước việc chính quyền Tổng thống Obama từ chối can thiệp trực tiếp vào Syria . Điều này đã tạo ra một mối bất hòa giữa hai đồng minh lâu năm. 


Vân Linh - (theo CNN)

Ý kiến bạn đọc