EU chùn tay trước Nga, Mỹ yếu thế

07:44, 28/04/2014
|

(VnMedia) - Đòn trừng phạt mới nhằm vào Nga mà Mỹ cùng Liên minh Châu Âu (EU) tuyên bố sẽ “tung” ra trong ngày hôm nay (28/4) sẽ không nhằm vào nền kinh tế Nga. Washington cho biết, họ sẽ không dùng đến các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga nếu nhưng EU không sẵn sàng làm thế.

 

Ảnh minh họa

Mỹ thất bại trong việc thuyết phục các đồng minh Châu Âu mạnh tay với Nga


Các nước G7 hồi cuối tuần đã nhất trí khởi động giai đoạn trừng phạt thứ ba nhằm vào Nga, vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine . Tuy nhiên, giai đoạn trừng phạt thứ ba sẽ chỉ là sự mở rộng của những biện pháp trừng phạt của hai vòng trước. Cụ thể, trong giai đoạn đầu và giai đoạn thứ hai, Mỹ và EU hướng mục tiêu trừng phạt nhằm vào 33 cá nhân ở Nga và Ukraine cũng như một ngân hàng Nga mà chính phủ phương Tây cho là có liên quan đến cuộc khủng hoảng ở Ukraine hoặc đủ thân thiết với Tổng thống Vladimir Putin để gây sức ép lên ông này.

 

"Điều mà chúng ta sẽ nghe được trong những ngày tới, thứ mà chúng tôi sẽ đồng ý... là sự mở rộng các biện pháp trừng phạt đối với các cá nhân hay thực thể của Nga”, Ngoại trưởng Anh William Hague hôm qua (27/4) đã nói như vậy với hãng tin Sky News.

 

Vòng trừng phạt mới sẽ áp dụng lệnh cấm đi lại và phong tỏa tài sản đối với thêm 15 cá nhân nữa, một số nguồn tin trong nội bộ phương Tây tiết lộ. Tuy nhiên, chắc chắn là các biện pháp trừng phạt đó sẽ không thể gây tác động đến những chính sách của Nga nhiều hơn loạt biện pháp trừng phạt đang được áp dụng hiện nay. Nếu có tác động thì cho đến nay, các biện pháp trừng phạt nhằm vào giới chức Nga chỉ dẫn đến những lời kêu gọi đầy mỉa mia từ giới nghị sĩ, chính khách và dân thường Nga về việc thêm tên họ vào “danh sách đen” của Mỹ cũng như EU.

 

Áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với một số lĩnh vực kinh tế của Nga – đòn trừng phạt thực sự có thể gây tổn thương đến Nga, vẫn là một mục tiêu không thể đạt được của Washington . EU không muốn trừng phạt kinh tế Nga bởi họ thừa hiểu điều đó sẽ gây tổn thương đến chính họ. Cùng lúc, Mỹ - nước có nền kinh tế ít liên quan đến Nga hơn Châu Âu rất nhiều, lại không sẵn sàng hành động một mình. Mặt khác, mâu thuẫn hiện nay là giữa Nga và Mỹ chứ không phải giữa Nga và thế giới – điều mà Washington đang cố tuyên truyền.

 

"Chúng ta sẽ ở thế mạnh hơn để ngặn chặn Tổng thống Putin khi ông ấy thấy thế giới đoàn kết, Mỹ và Châu Âu đoàn kết thay vì chỉ là cuộc đối đầu giữa Nga và Mỹ”, Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm qua đã phát biểu như vậy.

 

Tuy nhiên, Châu Âu sẽ có rất nhiều thứ để mất nếu áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga và Tổng thống Obama từng thừa nhận, nếu không có EU, những biện pháp trừng phạt của Mỹ chẳng có mấy tác dụng. “Ví dụ, nếu chúng tôi nói rằng chúng tôi sẽ không cho phép bán vũ khí đến Nga nhưng tất cả các nhà quốc phòng của Châu Âu lại làm ngược lại với những điều chúng tôi làm thì rõ ràng biện pháp trừng phạt đó chẳng có hiệu quả”, ông Obama nói.

 

Với việc Nga là nhà cung cấp chính nguyên liệu thô cũng như là thị trường nhập khẩu lớn hàng hóa Châu Âu, chính phủ của các nước thành viên EU không hề mặn mà với việc “nổ súng” bắn vào chân của chính họ bằng những biện pháp trừng phạt về kinh tế.

 

“Hiện tại, không có sự thống nhất giữa các nước thành viên EU về việc biện pháp trừng phạt nào về kinh tế nhằm vào Nga là có thể chấp nhận được hoặc thậm chí là vấn đề liệu có cần đến các biện pháp trừng phạt như vậy hay không”, một nhà ngoại giao Châu Âu cho tờ Itar-Tass biết.

 

Nhà ngoại giao giấu tên trên cho hay, chỉ khi xảy ra một cuộc xâm lược công khai vào Ukraine hay có những bằng chứng không thể chối cãi về việc Nga đang có sự hiện diện quân sự bí mật ở Ukraine thì điều đó may ra mới có thể làm thay đổi lập trường của EU trong vấn đề trừng phạt về kinh tế. Cho đến nay, tất cả những mẩu bằng chứng mà Kiev Washington công khai đưa ra để cáo buộc Nga đang dính líu vào tình hình Ukraine hoặc là không thuyết phục hoặc đơn giả là sai trái.

 

Mỹ cùng với EU luôn cáo buộc, đổ lỗi cho Nga đã khuấy động, kích động làn sóng biểu tình rộ lên ở miền đông Ukraine nhằm chống lại chính phủ lâm thời ở Kiev. Mỹ và EU cũng tố Nga không tuân theo các nghĩa vụ được đưa ra trong thỏa thuận đạt được ở Geneva giữa 4 bên gồm Nga, Mỹ, EU và Ukraine hôm 17/4 nhằm làm dịu căng thẳng ở Ukrane. Phương Tây muốn Moscow phải côngkhai lên án những người biểu tình đang chiếm đóng một loạt tòa nhà chính quyền và trụ sở cảnh sát ở miền đông Ukraine nhằm thách thức chiến dịch đàn áp mạnh tay đối với họ từ chính quyền ở Kiev.

 

Nga nhấn mạnh, chính chính phủ lâm thời ở thủ đô Kiev mới là lực lượng không thực hiện các bước đi cần thiết nhằm làm dịu căng thẳng ở Ukraine . Moscow tuyên bố, Kiev phải giải trừ vũ khí của các nhóm theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan, cụ thể là Nhóm Cánh Hữu. Đây là nhóm đã lật đổ chính phủ của Tổng thống Yanukovych. Nga muốn Kiev phải khởi động các cuộc đàm phán với những người biểu tình thay vì đe dọa họ bằng xe tăng và rocket.

 

Nếu Kiev chọn cách đẩy mạnh chiến dịch đàn áp người biểu tình bằng việc sử dụng vũ khsi hạng nặng chống lại họ thì Nga có quyền sử dụng quân đội của mình để ngăn chặn đổ máu.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc