Đông Ukraine: Người biểu tình không 'buông súng'

06:37, 13/04/2014
|

(VnMedia) - Những người biểu tình ở phía đông Ukraine vẫn tiếp tục chiếm giữ các tòa nhà chính quyền ở một loạt thành phố bất chấp việc chính phủ lâm thời mới ở Kiev đã có hành động nhượng bộ bằng tuyên bố sẽ trao thêm nhiều quyền lực cho các khu vực ở đây.

 

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa


Thủ tướng tạm quyền của Ukraine - Arseniy Yatsenyuk hôm qua đã nỗ lực nhưng bất thành trong việc tìm cách phá vỡ thế bế tắc trong cuộc khủng hoảng ở phía đông đất nước. Lực lượng biểu tình vẫn tiếp tục cố thủ bên trong các tòa nhà chính quyền và đòi độc lập với Kiev .

 

Hàng nghìn người ở các thành phố Donetsk , Kharkiv và Luhansk bắt đầu chiếm đóng tòa nhà chính quyền từ cách đây gần một tuần. Trong khi cảnh sát nhanh chóng giải tán được người biểu tình ở Luhansk thì lực lượng biểu tình ở Donetsk và Kharkiv vẫn cố thủ vững chắc tại trụ sở chính quyền.

 

Thủ tướng tạm quyền Yatsenyuk đã có cuộc gặp với giới chức của các khu vực phía đông ở Donetsk và đã đưa ra cam kết mở rộng quyền lực cho các cơ quan chính quyền địa phương cũng như duy trì vị thế tiếng Nga như là ngôn ngữ chính thức thứ hai. Tuy nhiên, ông Yatsenyuk không trực tiếp gặp gỡ đại diện của lực lượng biểu tình vừa tuyên bố thành lập nước cộng hòa ở Donetsk và đang đòi tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý kiểu Crimea vào ngày 11/5 tới

 

Hạn định 48 giờ cho việc giải tán người biểu tình ra khỏi các tòa nhà chính quyền đã trôi qua mà không xảy ra vụ việc gì bất chấp việc trước đó giới chức lâm thời ở Kiev đưa ra cảnh báo sẽ sử dụng vũ lực và tin đồn cũng dấy lên về việc lực lượng chính quyền chuẩn bị tấn công vào những nơi này. Lãnh đạo các cuộc biểu tình cho biết, những cuộc đàm phán nhằm giải phóng một loạt tòa nhà chính quyền cũng rơi vào bế tắc.

 

Ở Luhansk, hàng chục người được trang bị súng trường vẫn cố thủ bên trong trụ sở cơ quan an ninh quốc gia. Họ đòi tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý về việc thiết lập chế độ liên bang ở Ukraine .

 

"Nếu chúng tôi thiết lập chế độ liên bang, thì mọi người sẽ quyết định về việc họ có muốn ở bên trong Ukraine hay ở bên trong nước Nga", ông Aleksey Kariakin, một trong những người lãnh đạo nhóm biểu tình cho biết.

 

Lực lượng biểu tình phủ nhận thông tin cho rằng họ bị kích động và được ủng hộ bởi Nga hoặc bởi những người Nga ở trong số họ. Những người biểu tinh cho biết, họ chỉ được hậu thuẫn bởi hàng trăm người đang cắm trại ngay bên ngoài và sẵn sàng tiếp viện cũng như bảo vệ cho họ. "Nếu họ định bắt tôi, nhóm bên ngoài sẽ hành động như một tấm lá chắn sống”, ông Kariakin khẳng định.

 

Tatiana Botsman, 29 tuổi, là một trong những người ủng hộ mạnh mẽ cho phong trào trên. Cô nấu ăn cho lực lượng chiếm đóng tòa nhà chính quyền và pha trà cho những người cắm trại bên ngoài. Botsman không sợ một cuộc tấn công của cảnh sát. "Nếu họ đến tôi sẽ dùng gậy gộc và sẽ sát cánh bên chồng mình”, cô Botsman nói.

 

Trong khi đó, lực lượng biểu tình ở Donetsk kêu gọi Nga triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình để tạo điều kiện cho cuộc trưng cầu dân ý của họ diễn ra suôn sẻ trong ngày 11/5 tới.

 

Thủ tướng tạm quyền Yatsenyuk không đồng ý cho tiến hành cuộc trưng cầu dân ý nhưng gợi ý thay thế hệ thống chính quyền do Tổng thống lâm thời vừa dựng lên ở các khu vực này bằng một ủy ban điều hành do hội đồng khu vực bầu lên. Ủy ban mới sẽ có “các quyền về kinh tế, tài chính và hành chính cũng như nhiều quyền khác để quản lý khu vực của họ”. Các khu vực ở phía đông vốn không thừa nhận chính quyền lâm thời mới ở Kiev và kịch liệt phản đối chính quyền địa phương vừa được Kiev dựng lên ở những khu vực của họ.

 

Ông Yatsenyuk cũng đề xuất Quốc hội thông qua một dự luật thay đổi hiến pháp trong đó cho phép các địa phương tiến hành trưng cầu dân ý – một trong những yêu cầu chính của người biểu tình ở Donetsk . Thủ tướng tạm quyền của Ukraine cho hay, những thay đổi về hiến pháp nên được thông qua trước cuộc bầu cử tổng thống dự kiến vào ngày 25/5 tới.

 

Tuy nhiên, ông Denis Pushilin, người đứng đầu chính quyền tạm thời ở Donetsk, chiều qua cho biết, ông không nghe thấy thông tin gì về những nhượng bộ trên và rằng bất kỳ quyết định nào liên quan đến họ phải được đưa ra bởi lãnh đạo các cuộc biểu tình.

 

Các cuộc đàm phán giữa lực lượng biểu tình với chính quyền địa phương do Kiev dựng lên được thực hiện thông qua người trung gian là ông Rinat Akhmetov – người giàu nhất Ukraine và là chủ sở hữu của nhiều hầm mỏ đóng vai trò then chốt trong nền kinh tế của Donetsk . Theo lời ông Pushilin, các cuộc đàm phán đã đổ vỡ sau khi lời đề nghị trao trả lại hai tầng của tòa nhà 11 tầng cho chính quyền lâm thời làm việc tạm của lực lượng biểu tình bị giới chức Kiev từ chối. Kiev muốn toàn bộ tòa nhà phải được giải phóng. "Tình hình hiện đang rất căng”.

 

Trong một nỗ lực khác nhằm xoa dịu người biểu tình, Thủ tướng tạm quyền Yatseniuk đưa ra cam kết, chính quyền lâm thời sẽ không hủy bỏ dự luật cho phép các khu vực có người thiểu số chiếm ít nhất 10% dân số được tuyên bố ngôn ngữ của họ là ngôn ngữ chính thức thứ hai. Ngôn ngữ là vấn đề chính trị cực kỳ nhạy cảm ở các khu vực phía đông Ukraine – nơi người dân gốc Nga chiếm đa số. Theo cuộc điều tra xã hội năm 2001, tiếng Nga là ngôn ngữ bản xứ của tới gần 3/4 dân số ở Donetsk .

 

"Không ai có quyền hạn chế tiếng Nga và quyền nói tiếng Nga ở Ukraine ", Thủ tướng Yatsenyuk đã phát biểu như vậy.

 

Chính quyền lâm thời ở Kiev đã mắc sai lầm lớn khi nhăm nhe ý định không cho phép dùng tiếng Nga là ngôn ngữ chính thức. Đây chính là một trong những nguyên nhân chính châm ngòi cho cơn thịnh nộ của những người dân ở phía đông Ukraine .

 

Ngay sau khi Tổng thống Viktor Yanukovich bị lật đổ hồi tháng Hai, Quốc hội Ukraine đã bỏ phiếu hủy bỏ dự luật cho phép tiếng Nga là ngôn ngữ chính thức thứ hai ở nước này. Mặc dù quyền Tổng thống Oleksandr Turchynov từ chối thông qua bước đi trên nhưng hành động của Quốc hội Ukraine đã gây ra tổn thất to lớn. Một trong những điều gây oán thán trong dân chúng ở phía đông Ukraine chính là chiến dịch của chính phủ lâm thời mới ở Kiev nhằm chống lại ngôn ngữ và văn hóa Nga. Chính phủ lâm thời đã cấm các kênh truyền hình nói tiếng Nga, khiến người dân ở các khu vực phía đông và phía nam Ukraine thêm phần phẫn nộ.


Vân Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc