(VnMedia) - Căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ đang được phơi bày toàn bộ trong ngày hôm qua (8/4) khi Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel bị “dồn vây” bởi một loạt câu hỏi chất vấn ở thủ đô Bắc Kinh về lập trường của Washington trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ nóng bỏng giữa Trung Quốc với các đồng minh của Mỹ trong khu vực.
Bộ trưởng Quốc phòng Hagel |
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Chang Wanquan, đứng bên cạnh người đồng cấp Mỹ Hagel, đã kêu gọi Washington kiềm chế đồng minh Nhật Bản và quở trách một đồng minh khác là Philippines.
Tiếp đó, ông chủ Lầu Năm Góc còn phải đối mặt với những câu hỏi dồn dập từ phía các sĩ quan Trung Quốc tại trường Đại học Quốc phòng Trung Quốc. Một trong số những sĩ quan này đã nói với Bộ trưởng Hagel rằng, ông ta lo ngại về việc Mỹ đang khuấy động căng thẳng, rắc rối trong các cuộc tranh chấp ở Biển Đông cũng như biển Hoa Đông bởi cường quốc số 1 thế giới sợ một ngày nào đó “Trung Quốc sẽ trở thành một thách thức quá lớn mà Mỹ phải đối mặt”.
"Vì thế, các bạn đã lợi dụng những vấn đề như thế để gây rắc rối, làm ảnh hưởng đến sự phát triển của Trung Quốc”, sĩ quan trên nói.
Bộ trưởng Hagel đã đảm bảo với giới sĩ quan Trung Quốc rằng, Mỹ không hề thích thú hay có lợi gì trong việc “kiềm chế Trung Quốc” và rằng Mỹ cũng chẳng giữ lập trường gì trong những cuộc tranh chấp như thế. Tuy nhiên, ông chủ Lầu Năm Góc cũng thận trọng nhắc lại lập trường mà ông đã nói vài lần trong ngày, đó là Mỹ sẽ ủng hộ và bảo vệ các đồng minh.
"Chúng tôi có hiệp ước phòng thủ chung với cả hai nước đó”, ông Hagel nói, ám chỉ đến Nhật Bản và
Màn “chất vấn” trên diễn ra chỉ một ngày sau khi Bộ trưởng Hagel vừa được mời lên thăm chiếc tàu sân bay đầu tiên và duy nhất của Trung Quốc. Đây được xem là một cử chỉ công khai hiếm hoi của Bắc Kinh đối với thứ vũ khí được xem là biểu tượng mạnh mẽ cho tham vọng quân sự của Trung Quốc. Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Chang cho biết, ông Hagel là vị quan chức quân sự nước ngoài đầu tiên được phép lên tàu sân bay Liêu Ninh của họ.
Bên cạnh những căng thẳng liên quan đến các cuộc tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và biển Hoa Đông, hai bộ trưởng Chang và Hagel đã có cuộc nói chuyện tích cực về việc cải thiện quan hệ quân sự song phương và thông báo những bước đi nhằm làm sâu sắc thêm mối quan hệ này. Tuy nhiên, hai vị quan chức quân sự hàng đầu của Mỹ và Trung Quốc cũng không mấy nỗ lực trong việc che giấu những vấn đề căng thẳng, gai góc tồn tại bao lâu nay trong mối quan hệ song phương, từ vấn đề do thám mạng và việc Mỹ bán vũ khí cho Vùng lãnh thổ Đài Loan đến chương trình tăng cường sức mạnh quân sự của Trung Quốc.
Tại một cuộc hội thảo ở New York, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ - ông Cui Tiankai đã phát biểu, Washington cần phải nghĩ kỹ về mục tiêu của sự tăng cường hiện diện quân sự ở Châu Á cũng như vấn đề liệu chương trình nghị sự chính trị của Mỹ có giống với mục đích của các nước đồng minh Châu Á hay không.
Ông Cui nói về sự cần thiết phải tránh xa cái ông này gọi là “một liên minh lỗi thời” đồng thời cảnh báo bất kỳ nỗ lực nào nhằm tạo một phiên bản Châu Á của liên minh quân sự phương Tây nhằm kiềm chế Trung Quốc.
"Nếu nhiệm vụ của các bạn ở đó là kiềm chế một nước nào khác, thì các bạn đang tự quay trở về thời Chiến tranh Lạnh. Nếu ý định của các bạn là thiết lập một NATO Châu Á thì chúng tôi cũng sẽ quay trở lại thời Chiến tranh Lạnh. Điều đó sẽ chẳng lợi cho bất kỳ ai, đó là điều hoàn toàn chắc chắn", Đại sứ Cui nhấn mạnh.
Ngoài phát triển một chương trình tàu sân bay, Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa còn đang đóng tàu ngầm, tàu nổi và chế tạo tên lửa đạn đạo chống hạm. Trung Quốc cũng đã thử nghiệm công nghệ nhằm phá hủy tên lửa giữa không trung.
"Nguy cơ tính toán sai lầm”
Hoạt động mở rộng sức mạnh quân sự của Trung Quốc đem đến những nguy cơ khi lực lượng Trung Quốc tăng cường tiếp xúc lớn hơn với lực lượng Mỹ ở Thái Bình Dương, Bộ trưởng Hagel cho biết.
"Khi Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa hiện đại hóa năng lực cũng như mở rộng sự hiện diện ở Châu Á và xa hơn nữa, các lực lượng Mỹ và Trung Quốc sẽ rút về trạng thái giáp mặt gần hơn và điều đó làm tăng nguy cơ xảy ra một vụ va chạm, một tai nạn hoặc một tính toán sai lầm”, ông Hagel cho biết trong bài phát biểu tại trường Đại học Quốc phòng Trung Quốc.
"Tuy nhiên, thực tế đó cũng đem đến những cơ hội hợp tác mới”, ông Hagel nói thêm.
Nguy cơ về một vụ va chạm rủi ro đã từng xảy ra hồi tháng 12 năm ngoái khi tàu chiến mang tên lửa của Mỹ - USS Cowpens đã buộc phải bẻ lái để tránh đâm vào một tàu chiến của Trung Quốc ở Biển Đông.
Hoạt động hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc cũng được đi kèm theo bởi những động thái và lập trường quyết liệt hơn, hung hăng hơn trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở khu vực.
Trung Quốc đang đòi chủ quyền tới tận gần 90% Biển Đông rộng 3,5 triệu km vuông. Điều này đã khiến các nước láng giềng có tranh chấp ở khu vực biển này bất bình, quyết chống lại những đòi hỏi chủ quyền thái quá và phi lý của Bắc Kinh. Ngoài ra, Trung Quốc còn có tranh chấp ở biển Hoa Đông đối với một quần đảo không có người sinh sống đang nằm trong sự kiểm soát về hành chính của Nhật Bản.
Ý kiến bạn đọc