(VnMedia) - Syria hôm qua (21/4) đã thông báo, nước này sẽ tổ chức một cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 3/6 tới, chuẩn bị cơ sở cho Tổng thống Bashar al-Assad thách thức phe nổi dậy và phương Tây, tiếp tục kéo dài thời kỳ cầm quyền của ông này. Bước đi thách thức ở mức cao nhất trên được đưa ra sau khi ông Assad tự tin tuyên bố, quân của ông đang giành thế thượng phong trong cuộc nội chiến Syria.
Tổng thống Assad (ở giữa) |
Quốc hội Syria hôm qua đã bỏ phiếu nhất trí tiến hành cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 3/6 bất chấp sự phản đối gay gắt và quyết liệt của các nhà lãnh đạo đối lập – những người miêu tả cuộc bỏ phiếu này là “chưa đầy đủ và thích hợp”.
Trong một phiên họp khẩn cấp được tổ chức ngày hôm qua, Chủ tịch Quốc hội Jihad Laham cho biết, từ ngày hôm nay (22/4), Tòa án Hiến pháp Tối cao sẽ bắt đầu tiếp nhận đơn xin tham gia tranh cử trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới. Đây là cuộc bầu cử đầu tiên ở Syria có sự tham gia của nhiều ứng cử viên tổng thống kể từ khi Syria áp dụng hiến pháp mới hiện nay.
Thông báo về kế hoạch bầu cử của chính quyền Syria đã gây ra một làn sóng tức giận trong các thành phần đối lập trong nước và các cường quốc phương Tây cũng như đồng minh trong khu vực của họ. Những nước này miêu tả cuộc bầu cử là “một trò cười của nền dân chủ”.
Giới lãnh đạo đối lập Syria bày tỏ sự hoài nghi về tính công khai, minh bạch và liêm chính trong cuộc bầu cử sắp tới khi mà cuộc nội chiến kéo dài dai dẳng hơn 3 năm qua đang biến nhiều thành phố và vùng ngoại ô Syria trở thành những chiến trường đẫm máu, khiến quá trình bỏ phiếu ở những nơi này sẽ diễn ra cực kỳ khó khăn.
Giới lãnh đạo đối lập Syria cũng nhấn mạnh rằng, đất nước này hiện có hàng triệu người đang phải sống lay lắt tị nạn ỏ các nước láng giềng. Nhiều trong số họ không được cung cấp những thứ tối thiểu cho cuộc sống hàng ngày chứ chưa nói đến chuyện có thể đi bỏ phiếu.
Bất chấp sự phản đối và chỉ trích mạnh mẽ nhằm vào quyết định tổ chức bầu cử, ông Laham vẫn tỏ thái độ thách thức và kiên quyết không từ bỏ kế hoạch bầu cử được đưa ra. "Chúng tôi thông báo tiến hành kế hoạch bầu cử đúng thời hạn. Chúng tôi không quan tâm đến những gì mà những người ở bên ngoài Syria có thể nói để làm ảnh hưởng đến sự tự tin và làm người dân Syria rối loạn, hoang mang”, Chủ tịch Quốc hội Syria nhấn mạnh đồng thời nói thêm rằng, cuộc bầu cử sắp tới sẽ được giám sát chặt chẽ bởi hệ thống pháp luật Syria.
Trước khi thông báo ngày giờ diễn ra cuộc bầu cử được đưa ra, Quốc hội Syria đã phê chuẩn dự luật tổng tuyển cử, trong đó quy định, bất kỳ ứng cử viên nào muốn tham gia tranh cử phải sống ít nhất ở Syria trong 10 năm liên tiếp trước khi đăng ký tham gia tranh cử. Đây là một điều kiện hạn chế rất lớn khả năng tham gia của các thành viên đối lập đang sống lưu vong ở nước ngoài. Nhiều trong số này đã sống ở bên ngoài đất nước Syria trong suốt những năm qua.
Giới chức chính phủ Syria cho hay, Tổng thống Assad đã lãnh đạo Syria trong gần 14 năm qua, vẫn nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân bất chấp cuộc nội chiến kéo dài hơn 3 năm qua, vì thế, ông này “là người bảo vệ thực sự” cho đất nước Syria.
Bản thân Tổng thống Assad sẽ kết thúc nhiệm kỳ thứ hai vào ngày 17/4 tới. Hiện tại, cho đến thời điểm này, ông Assad vẫn chưa đưa ra thông báo chính thức về việc liệu ông này có tham gia tái tranh cử chức tổng thống nhiệm kỳ thứ ba hay không. Tuy nhiên, Tổng thống Syria được cho là đã có nhiều phát biểu ám chỉ khả năng ông này sẽ tiếp tục cuộc đua tái tranh cử sắp tới.
Giới quan sát tin rằng, ông Assad có thể tái đắc cử nhiệm kỳ mới bởi ông này không đối mặt với thách thức lớn nào. Những cuộc đấu đá nội bộ huynh đệ tương tàn trong phe nổi dậy Syria, chủ yếu ở phía đông, đang làm lợi cho phe chính quyền. Trong khi đó, quân đội trung thành với ông Assad đang tiến những bước tiến dài trên chiến trường khi liên tiếp đánh bại phe nổi dậy, giành lại được quyền kiểm soát một loạt thành phố, thị trấn.
Phương Tây sôi sục
Trước động thái thể hiện sự tự tin và thách thức cao nhất từ trước đến nay nói trên của chính quyền Tổng thống Assad, một loạt các nước phương Tây đang sôi lên sùng sục, tung ra không ít những lời chỉ trích, lên án gay gắt.
Mỹ đã bác bỏ kế hoạch tổ chức bầu cử tổng thống vào ngày 3/6 tới của chính quyền Syria, nói rằng đó là một hành động “chế nhạo nền dân chủ”.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon cũng lên án kế hoạch bầu cử, nói rằng nó có thể phá hỏng các nỗ lực nhằm tìm kiếm một thỏa thuận chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài hơn 3 năm qua và cướp đi sinh mạng của khoảng 150.000 người.
Cả Mỹ, Liên minh Châu Âu (EU) và Liên Hợp Quốc đều đồng loạt lên án kế hoạch tổ chức cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 6 tới của chính quyền Assad.
"Kêu gọi một cuộc bầu cử vào lức này là vô nghĩa khi chính quyền tiếp tục tàn sát các cử tri mà nó được cho là đại diện”, nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ - bà Jen Psaki đã nói như vậy.
Trong khi đó, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon cảnh báo, hành động đó sẽ là “phương hại đến tiến trình chính trị và phá hỏng triển vọng tìm kiếm một giải pháp chính trị”.
Cả EU và Mỹ đều gọi kế hoạch bầu cử là “sự chế nhạo của nền dân chủ”. Theo lời ông Jay Carney – một phát ngôn viên Nhà Trắng, Tổng thống Assad “đang chế giễu chế độ dân chủ”.
Vân Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc