Vì Ukraine, Mỹ “nhe nanh” ngay cửa ngõ Nga

13:16, 11/03/2014
|

(VnMedia) - Mỹ đã phát đi tín hiệu thể hiện sự quyết tâm trong việc bảo vệ các nước đồng minh NATO gần biên giới Nga bằng việc hôm nay (11/3) cho khai hoả một cuộc tập trận quân sự rầm rộ. Đây là cuộc tập trận quân sự chung đầu tiên ở trong khu vực kể từ khi điện Kremlin bị cáo buộc can thiệp vào tình hình Ukraine.
 

Ảnh minh họa

Ảnh minh hoạ


Ở Biển Đen, gần vùng biển ở bán đảo Crimea, một tàu khu trục của Mỹ sẽ tham gia vào các cuộc diễn tập quân sự với một loạt tàu chiến của Rumani và Bulgari. Crimea hiện tại đang là tâm điểm của cuộc khủng hoảng ở Ukraine, là nơi chứng kiến một cuộc đối đầu Đông-Tây nghiêm trọng nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh.
 
Trong khi đó, về phía bắc ở đất nước Ba Lan, các máy bay chiến đấu của Mỹ cũng đã ồ ạt đổ về căn cứ không quân Lask để tham gia vào cuộc tập trận. Tổng thống Ba Lan được cho là sẽ đích thân đến giám sát cuộc tập trận.
 
Mỹ nhấn mạnh, cả hai cuộc tập trận chung của họ với Ba Lan và với Rumani, Bulagri đều đã được lên kế hoạch từ trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Tuy nhiên, Mỹ khẳng định, hai cuộc tập trận đó đều phát đi thông điệp về sự ủng hộ của họ đối với các thành viên NATO.
 
Các cuộc tập trận của Mỹ cho thấy, Washington đang dẫn đầu trong nỗ lực của các nước nhằm phản ứng lại hành động của Nga ở Ukraine. Trong khi đó, Liên minh Châu Âu do thiếu sự thống nhất về quan điểm giữa các thành viên nên chưa có phản ứng mạnh mẽ nào.
 
Ngoài các cuộc tập trận rầm rộ ngay cửa ngõ, NATO cũng bắt đầu triển khai một loạt máy bay do thám đến “quần thảo” bầu trời ở khu vực biên giới giữa Ukraine với Ba Lan và Rumani để giám sát cuộc khủng hoảng đang mỗi lúc một nóng bỏng ở quốc gia Đông Âu.
 
Theo một phát ngôn viên của  Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO), họ đã ra lệnh triển khai các chuyến bay giám sát ở bầu trời biên giới Ukraine từ ngày hôm qua (10/3).
 
"Tất cả các chuyến bay giám sát thuộc Hệ thống Kiểm soát và Cảnh báo sớm chỉ diễn ra ở vùng lãnh thổ của liên minh”, vị quan chức NATO cho hay.
 
Hệ thống Kiểm soát và Cảnh báo sớm có khả năng giám sát các phương tiện trên mặt đất nhưng nhiệm vụ chính của họ chủ yếu là để làm yên lòng các nước thành viên NATO. Những chuyến bay do thám sẽ cất cánh từ các căn cứ ở Đức và Anh.
 
Trước đó, Mỹ đã có hành động trấn an các đồng minh ở Châu Âu bằng cách triển khai thêm một loạt máy bay F-15 đến tuần tra khu vực các nước Baltic.
 
Lệnh trừng phạt của Mỹ sẽ không thể cản trở Nga
 
Song song với các hành động dương oai diễu võ nhằm uy hiếp Nga, Mỹ cũng đang tính áp dụng thêm các biện pháp trừng phạt nhằm vào Moscow vì vấn đề Ukraine. Tuy nhiên, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates mới đây đã lên tiếng phát biểu, những biện pháp như thế sẽ chẳng cản trở được Nga.
 
Mỹ đang áp dụng các bước đi nhằm trừng phạt Nga vì cái mà nước này miêu tả là hành động can thiệp quân sự của Moscow vào bán đảo trị Crimea dù Tổng thống Vladimir Putin đã lên tiếng khẳng định, hành động của họ là một nỗ lực nhằm bảo vệ hàng triệu người gốc Nga đang sinh sống trong khu vực.
 
"Một số biện pháp trừng phạt đang được thảo luận và các bước đi đang được tiến hành như việc áp dụng lệnh cấm cấp visa cho các quan chức Nga có liên quan hoặc khả năng phong toả tài sản của một số cá nhân cụ thể. Tuy nhiên, nói thẳng ra là tôi không tin những biện pháp đó có thể cản trở được ông Putin”, cựu Bộ trưởng Gates cho biết hôm 9/3.
 
Thay vì ra những đòn trừng phạt nói trên, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Gates kêu gọi Mỹ có hành động để bảo đảm việc cung cấp khí đốt cho Châu Âu mà không cần phụ thuộc vào Nga. Châu Âu đang dựa phần lớn vào nguồn nhiên liệu cung cấp từ Nga.
 
Mỹ và Nga đang có cuộc đối đầu gay gắt liên quan đến cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Người ta tin rằng, Ukraine đang là tâm điểm của cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa Nga với Mỹ và phương Tây.
 
Mỹ đang ra sức gây sức ép với Nga trong vấn đề Ukraine, cụ thể ở đây là bán đảo Crimea. Sau khi phe đối lập chiếm thủ đô và lật đổ chính quyền của Tổng thống Yanukovych, chính quyền ở nước cộng hoà tự trị Crimea kiên quyết không chịu thừa nhận tính hợp pháp của chính quyền lâm thời mới ở Kiev. Crimea đang có nhiều bước đi tích cực nhằm ly khai khỏi Ukraine và sáp nhập vào Nga.
 
Đề cập đến diễn biến trên, Đại sứ Mỹ tại thủ đô Kiev – ông Geoffrey Pyatt tuyên bố, Mỹ sẽ không công nhận cái gọi là “cuộc trưng cầu dân ý” của người Crimea vào Chủ nhật tuần này (16/3). Ông Pyatt còn cho biết, Washington sẽ áp dụng thêm các bước đi nhằm chống lại Nga nếu nước này sử dụng kết quả cuộc trưng cầu dân ý để “hợp pháp hoá sự chiếm đóng”.
 
Theo Đại sứ Pyatt, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Ngoại trưởng John Kerry hồi cuối tuần vừa rồi đã có cuộc đối thoại với giới lãnh đạo Châu Âu. Ông Obama cũng đã nói chuyện với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Đại sứ Pyatt cho hay, Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) đã thống nhất hoàn toàn với nhau rằng, các biện pháp trừng phạt mạnh hơn sẽ được tung ra sau cuộc trưng cầu dân ý vào cuối tuần này.
 
Ông Pyatt nhấn mạnh, Nhà Trắng quyết không thay đổi quan điểm về việc Crimea là một phần của Ukraine. Tuy nhiên, bản thân người Nga cũng kiên quyết giữ vững lập trường rằng người Crimea có quyền tự quyết về tương lai của họ và Nga sẵn sàng đón nhận Crimea.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc